Deinfluencing hay Deinfluencer là gì? Xu hướng đi ngược với các Influencer
Nếu như các Influencer gắn liền với việc thúc đẩy các xu hướng mua sắm (ví dụ từ các chiến dịch Influencer Marketing), Deinfluencer ngược lại kêu gọi người tiêu dùng hạn chế mua sắm, đặc biệt là với những thứ không cần thiết.
Deinfluencing là gì? và Deinfluencer là ai?
Bạn hãy cứ tưởng tượng thế này, nếu bạn từng sở hữu một chiếc áo len cho những ngày đông, khi thời tiết se lạnh tràn về, thật khó để có thể cưỡng lại những ngôn ngữ quảng cáo từ các thương hiệu thời trang như “Len nguyên chất 100%, ấm cúng, bền vượt thời gian…”.
Tuy nhiên thay vì sẽ chọn mua ngay một chiếc áo mới, có không ít người sẽ bắt đầu đánh giá về mức độ ảnh hưởng của những sản phẩm này tới môi trường hay thậm chí là xem xét đến khía cạnh bảo vệ động vật nếu những sản phẩm đó được làm từ các bộ phận của động vật.
Lĩnh vực thời trang nhanh hiện là một trong các ngành đang chứng kiến xu hướng này khi ngày càng có nhiều người dùng chọn cách đi ngược lại với các xu hướng mua sắm được kêu gọi từ những người có ảnh hưởng, họ đánh giá nhiều khía cạnh về môi trường trước khi ra quyết định mua hàng.
Những người đi ngược lại với xu hướng này được gọi là Deinfluencer và xu hướng họ theo đuổi gọi là Deinfluencing.
Thay vì với những người có ảnh hưởng (Influencer), những người này thường khuyến khích và kêu gọi những người theo dõi họ chạy theo các xu hướng mới, Deinfluencer ngược lại sẽ nói với những người theo dõi họ rằng không nên mua những thứ không cần thiết hoặc không nên mua các sản phẩm mà quá trình sản xuất và tiêu thụ nó đi kèm với các tác động tiêu cực tới môi trường.
Xu hướng Deinfluencing đã được nổi lên trong bối cảnh suy thoái kinh tế và khi cái gọi là chủ nghĩa tiêu dùng phát triển tràn lan.
Chủ nghĩa tiêu dùng hay còn được gọi là Chủ nghĩa tiêu thụ, trong tiếng Anh có nghĩa là Consumerism, là ý tưởng cho rằng việc tăng cường tiêu thụ các hàng hóa và dịch vụ mua trên thị trường luôn là mục tiêu mong muốn và hạnh phúc của một người tiêu dùng nào đó.
Về cơ bản, sự hạnh phúc và thoả mãn của các nhóm người tiêu dùng này phụ thuộc vào việc họ có được tiêu dùng, mua sắm và sở hữu của cải vật chất hay không. Chủ nghĩa tiêu dùng gắn liền với yếu tố Vật chất hơn là Tinh thần.
Theo ý nghĩa kinh tế, chủ nghĩa tiêu dùng có liên quan đến ý tưởng rằng hoạt động chi tiêu của người tiêu dùng là động lực chính của nền kinh tế và khuyến khích người tiêu dùng chi tiêu nhiều hơn là mục tiêu chính của các chính sách.
Từ quan điểm này, chủ nghĩa tiêu dùng là một hiện tượng tích cực nhằm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Tuy nhiên, nhiều quan điểm khác lại cho rằng việc coi động lực để có được nhiều của cải vật chất là gốc rễ của nhiều vấn đề, bao gồm việc gây lo lắng cho cá nhân và làm xói mòn cơ cấu xã hội.
Một lý do khác khiến cho xu hướng Deinfluencing phát triển đó là khi ngày càng có nhiều người tiêu dùng chọn cách mua sắm trực tuyến, nơi mà người mua hàng không thể nhìn kỹ mặt hàng trước khi mua hay không thể đánh giá được vấn đề chất lượng của sản phẩm, điều này làm cho nhiều người tiêu dùng chọn mua những thứ không phù hợp, mua mà không sử dụng và hơn thế nữa.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer