Tại sao thương hiệu nên ưu tiên các chiến lược D2C
Trong khi việc bán hàng đa kênh trên các nền tảng của bên thứ 3 có thể giúp thúc đẩy doanh số, chiến lược bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) mang lại sự bền vững và thúc đẩy doanh số về tổng thể.
Bằng cách tập trung vào chiến lược bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C: direct-to-consumer), thương hiệu bán lẻ Blossom Box đã đạt mức tăng trưởng đến 50% bất chấp đại dịch, hiện tỷ trọng doanh số mảng D2C của doanh nghiệp chiếm 75% tổng doanh thu bán hàng tổng thể.
Dưới đây là một số bài học chiến lược mà các doanh nghiệp (bán lẻ D2C) khác có thể học hỏi và áp dụng.
Duy trì ngân sách Marketing.
Khi các thương hiệu bán lẻ hay doanh nghiệp nhỏ mới thành lập, rất nhiều vốn được dành cho việc phát triển sản phẩm, tuyển dụng nhân viên, hay các hoạt động vận hành khác, tuy nhiên lại rất ít chú ý đến việc phải đảm bảo một mức ngân sách marketing cố định.
Một lời khuyên dành cho các thương hiệu nhỏ, đã và đang tạo ra doanh thu, là hãy thiết lập một tỷ lệ phần trăm tương đối (cố định) cho việc tái đầu tư để tiếp tục mang lại lợi nhuận trong tương lai.
Tuỳ vào các mục tiêu kinh doanh hay chiến lược, tỷ lệ phần trăm có thể khác nhau từng ngành hàng hay quy mô doanh nghiệp, chẳng hạn sau khi tính toán mọi thứ, bạn đưa ra con số 10% doanh thu sẽ được đầu tư liên tục vào các hoạt động marketing chẳng hạn.
Một lời khuyên khác là, mặc dù các khoản ngân sách này có thể nhỏ, tuy nhiên thương hiệu nên chia thành 2 khoản chi tiêu riêng biệt: cho brand marketing và performance marketing.
Ưu tiên các hoạt động thử nghiệm.
Vì Blossom Box hiểu rằng khách hàng của mình dành phần lớn thời gian để trực tuyến nên thương hiệu đã quyết định dùng phần lớn ngân sách marketing cho các kênh này.
Các thương hiệu bán lẻ nhỏ khác cũng nên dành đủ thời gian để chạy nhiều các thử nghiệm khác nhau trên các kênh đã chọn, trong khi khách hàng mục tiêu của thương hiệu đã ở đó, điều này không có nghĩa là các thương hiệu sẽ chắc chắn thành công.
Việc ưu tiên liên tục các thử nghiệm sẽ giúp thương hiệu biết được đâu là những thứ mà khách hàng thực sự cần.
Khi bạn đã thử nghiệm trong một khoảng thời gian đủ dài, căn cứ vào những dữ liệu hiệu suất có được trên các kênh, bạn hiểu rằng trong các chiến dịch tới, ngân sách sẽ nên được tập trung ở đâu và cho những thông điệp gì.
Thấu hiểu khách hàng.
Ở các chiến dịch hay thời kỳ ban đầu, các thương hiệu nên chủ động quan sát nhiều hơn, đọc hết các bình luận của khách hàng, xem xét các phản hồi mà họ đã để lại hay thậm chí là thực hiện các buổi phỏng vấn (focus group) để tìm hiểu cảm xúc và thái độ của khách hàng với thương hiệu.
Quá trình này cũng là một cách tuyệt vời để tìm ra những lỗ hổng trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp và để biết hiện thương hiệu không đáp ứng được nhu cầu nào của khách hàng.
Những ngày đầu khi bắt đầu thành lập Amazon, Jeff Bezos đã áp dụng chặt chẽ các phản hồi của người dùng vào hoạt động kinh doanh của mình và cho đến tận hôm nay, chiến lược này vẫn là ưu tiên hàng đầu.
Thay đổi phong cách sản phẩm.
Các thương hiệu nên thiết lập mối quan hệ chặt chẽ với các đối tác để có thể dễ dàng chuyển các đơn vị sản phẩm chưa bán được vào cửa hàng của họ với mức giá chiết khấu.
Mức giá chiết khấu không có nghĩa là thương hiệu không có lãi, nó chỉ có nghĩa là thương hiệu không bán được sản phẩm ở một mức giá mà họ mong đợi so với các sản phẩm bán chạy khác.
Lợi thế của việc mở rộng hay thay đổi phong cách sản phẩm là thương hiệu có thể loại bỏ các thiết kế hay tính năng không cần thiết và cho phép khách hàng mua nó với một mức giá tốt hơn.
Tối ưu hoá các giải pháp tìm kiếm.
Bước cuối cùng là đầu tư vào việc cải thiện các chiến lược marketing với công cụ tìm kiếm. Trong khi SEO có thể giúp thương hiệu có được lượng khách hàng ổn định trong dài hạn, SEM là chiến lược tối ưu trọng ngắn hạn.
Bằng cách tối ưu hoá website với các từ khoá mục tiêu hay lựa chọn các từ khoá thúc đẩy hành động và tích hợp nó vào các chiến dịch quảng cáo tìm kiếm (Google Ads), thương hiệu có nhiều cách hơn để tiếp cận trực tiếp (D2C) các khách hàng của mình.
Nếu bạn là doanh nghiệp nhỏ hay bạn không rành về công nghệ, việc sử dụng các công cụ như SEOMoz hoặc SEO Yoast để tối ưu hoá công cụ tìm kiếm cũng là những cách hay.
Khi khách hàng ngày càng ưu tiên tương tác trực tiếp với thương hiệu bên cạnh các nền tảng thứ ba khác, thương hiệu nên chủ động xây dựng và tối ưu các nền tảng của bên thứ nhất, ưu tiên các chiến lược bán hàng trực tiếp đến người tiêu dùng (D2C) và hơn thế nữa.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen