“Bẫy nội dung” – Những bài học cần thiết cho các doanh nhân
Thành công đến từ sự khác biệt, không phải sự tương tự. Đó sẽ luôn là gốc rễ của những lợi thế cạnh tranh mà các doanh nhân nên nhớ.
Bạn là một doanh nhân, hoặc bạn đang khao khát để trở thành một trong số họ. Và bạn, đã nghe thấy đâu đó những câu thần chú để trở nên thành công hơn trong thế giới kinh doanh và kỹ thuật số (digital) nói chung như:
Tạo ra sản phẩm tốt nhất mà bạn có thể. Duy trì sự tập trung. Theo dõi sát sao đối thủ cạnh tranh và bắt chước những gì họ làm khiến họ trở nên thành công.
Tuy nhiên, trên thực tế, bạn cần phải suy nghĩ lại. Lý do tại sao ư? Bởi vì việc làm theo những câu thần chú này chính là lý do đã khiến nhiều công ty thất bại.
Thành công, nó không đến từ việc tập trung vào sản phẩm, hay “nội dung” – các doanh nghiệp hay doanh nhân thực sự cần phải cảnh giác với cái bẫy đó. Thành công nó đến từ việc xây dựng và nuôi dưỡng các kết nối.
Dưới đây là 03 loại kết nối chính có thể giúp doanh nghiệp đạt được nhiều thành công hơn:
1. Kết nối người dùng: Xây dựng để kết nối.
Tạo ra một sản phẩm tốt và bạn có thể thu hút người tiêu dùng. Kết nối những người dùng với nhau và bạn có thể đánh bại một sản phẩm thành công.
30 năm trước, Apple đã tạo ra một chiếc máy tuyệt đẹp để cạnh tranh với máy tính cá nhân – và cuối cùng nó chỉ chiếm chưa đầy 3% thị phần toàn cầu.
Những người đánh giá (reviewer) say sưa nói về Macintosh (một dòng máy tính cá nhân được thiết kế, sản xuất và bán bởi Apple Inc. kể từ tháng 1 năm 1984.) nhưng người dùng đã mua máy tính cá nhân (PC) vì những máy tính đó cho phép họ kết nối với những người dùng khác.
Chỉ khi Apple bắt đầu suy nghĩ về các kết nối thì vận mệnh của họ mới thay đổi.
Khả năng hay sức mạnh của các “sản phẩm tốt nhất” bị mất lợi thế ở các thị trường được kết nối mạng. Thành công ngày càng không đến từ việc làm cho các sản phẩm trở nên hoàn hảo mà là từ việc làm cho chúng mang tính kết nối cao hơn, kết nối xã hội.
Hãy xem xét công ty Schibsted của Na Uy, một trong những công ty báo chí thành công nhất trong thế giới truyền thông.
Thành công của nó không phải đến từ việc đăng những nội dung trực tuyến tuyệt vời nhất mà là từ việc tận dụng sức mạnh của ‘người chiến thắng sẽ lấy đi tất cả’ (winner-takes-all) trong các trang rao vặt, một sản phẩm giúp kết nối giữa người mua và người bán.
Một vài khoản 2000 tỷ USD giá trị thị trường đã được tạo ra bởi một số ít gã khổng lồ kỹ thuật số. Hầu hết các trường hợp thành công của họ đến từ việc kết nối người dùng.
Vì vậy, thông điệp chính ở đây là: Đừng chỉ sản phẩm hay nội dung; hãy tạo sự kết nối.
2. Kết nối sản phẩm: Mở rộng sản phẩm của bạn.
Một cái bẫy phổ biến khác mà các doanh nhân hay doanh nghiệp có thể gặp phải đó là tập trung hoàn toàn vào sản phẩm cốt lõi và bỏ qua các sản phẩm bổ sung cho nó.
Các sản phẩm bổ sung là các sản phẩm hoặc dịch vụ làm tăng giá trị mà sản phẩm cốt lõi của bạn mang lại cho người dùng. Bạn có thể hiểu là: Phần cứng là vô dụng nếu không có phần mềm; dao cạo là vô dụng nếu không có lưỡi.
Máy đọc sách điện tử Kindle đã tạo ra một cuộc cách mạng không phải vì yếu tố công nghệ, thời lượng pin, dung lượng lưu trữ hay phông chữ có thể điều chỉnh – những tính năng đó đã có mặt trong máy đọc sách điện tử của Sony được ra mắt một năm trước đó – mà là vì một thứ mà Sony đã bỏ qua: khả năng kết nối không dây (wireless).
Một nhà xuất bản sách hoặc một phòng thu âm coi mình là đơn vị kinh doanh nội dung có thể không nhận thấy rằng các công ty kỹ thuật số cạnh tranh về phần cứng, phần mềm hoặc quảng cáo sẽ cố gắng giảm giá nội dung để bản thân họ có thể thu về được nhiều giá trị hơn.
Kịch bản đó cũng đã chuyển sang các nhà cung cấp internet băng thông rộng, máy nghe nhạc MP3, các buổi hòa nhạc và các sản phẩm bổ sung khác.
Từ năm 1980 đến 1995, giá vé các buổi hòa nhạc tăng rất cao.
Nhưng khi việc chia sẻ tệp bùng nổ, giá vé tiếp tục tăng thì mọi thứ đã thay đổi. Lý do là các buổi hòa nhạc về cơ bản là để quảng cáo cho đĩa CD.
Một khi nạn vi phạm bản quyền khiến giá đĩa CD khó có thể duy trì, thì động lực cũng đã đảo lộn: Nhạc miễn phí trở thành thứ quảng cáo cho các buổi hòa nhạc.
Nhận biết và tận dụng các sản phẩm hay dịch vụ bổ sung không chỉ giúp duy trì giá trị; nó còn có thể khiến các sản phẩm của bạn được chú ý hơn.
The Cuckoo’s Calling, một cuốn tiểu thuyết với bút danh “Robert Galbraith”, chỉ bán được 1.500 bản trong hai tháng. Nhưng khi tác giả của nó được tiết lộ là J. K. Rowling (một nhà văn nổi tiếng), cuốn sách đã nhanh chóng bán được hơn một triệu bản.
Đối với các nhạc sĩ đầy tham vọng ngày nay, thành công không nhất thiết phải tạo ra nội dung mới; việc ghi âm các bản cover trên YouTube thường tỏ ra hiệu quả hơn.
3. Kết nối chức năng: Dám không bắt chước.
“Sao chép đối thủ cạnh tranh của bạn” và “Áp dụng các phương pháp thực thi hay nhất” là hai trong số những ‘luật bất thành văn’ lâu đời nhất trong kinh doanh.
Tuy nhiên, trong bối cảnh kỹ thuật số đang thay đổi nhanh chóng, chúng trở nên hoàn toàn sai lầm.
New York Times đã tìm thấy thành công của mình với chương trình tính phí cho đôc giả (paywall) – nhưng hầu hết các tờ báo khác của Mỹ làm theo thì không.
Việc quan sát những gì người khác làm sẽ rất hữu ích – nhưng điều quan trọng hơn việc bắt chước một cách bừa bãi là sự hiểu biết về bối cảnh mà những người khác đã hành động.
Thông thường, các quyết định có hiệu quả bởi vì chúng gắn liền với nhiều quyết định khác.
Chương trình tính phí của New York Times không chỉ là vấn đề tính phí cho nội dung kỹ thuật số, mà còn là một loạt các quyết định liên quan giữa giá kỹ thuật số với giá in.
Những quyết định này cũng xuất phát từ việc ghi nhận cách sở thích của các nhóm độc giả khác nhau được kết nối với nhau.
Các quyết định trong một lĩnh vực của một tổ chức thường gắn bó mật thiết với những quyết định trong những lĩnh vực khác của tổ chức đó; chúng là các kết nối chức năng.
Việc quản lý các kết nối chức năng này đòi hỏi sự rõ ràng về chiến lược và sự liên kết của tổ chức. Nhiều tổ chức rơi vào “bẫy sáng kiến” khi nhiều đơn vị kinh doanh khác nhau chịu trách nhiệm xác định các sáng kiến rời rạc vốn khác nhau.
Thành công đến từ sự khác biệt, chứ không phải sự tương tự. Đó sẽ luôn là gốc rễ của những lợi thế cạnh tranh mà các doanh nhân nên nhớ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Đan Linh | MarketingTrips