Skip to main content

3 thành phần trọng yếu để cải thiện văn hoá doanh nghiệp

5 Tháng Mười Một, 2021

Bằng cách nào bạn có thể xây dựng một nền văn hoá doanh nghiệp luôn khuyến khích sự tăng trưởng và tin tưởng lẫn nhau.

3 thành phần trọng yếu để cải thiện văn hoá doanh nghiệp
Source: The Balance Careers

Trong một doanh nghiệp, văn hoá và chiến lược là 2 yếu tố luôn đan xen và phụ thuộc lẫn nhau khi nói đến sự tăng trưởng, nếu văn hóa làm cản đường chiến lược, thì chiến lược có xuất sắc đến mấy cũng trở nên vô nghĩa và nó cũng đúng trong chiều ngược lại.

Chiến lược giúp đưa ra định hướng, nhưng việc triển khai nó một cách hiệu quả lại phụ thuộc vào một nền văn hóa doanh nghiệp lành mạnh và bền vững.

Văn hóa là thứ nên được tích hợp vào mọi khía cạnh của chiến lược kinh doanh, và trung tâm của nền văn hóa đó chính là ở nhân viên.

Ranh giới tốt nhất giữa doanh nghiệp và khách hàng phải là ranh giới mà ở đó có những nhân viên yêu nghề, quan tâm đến sự hài lòng của khách hàng và thúc đẩy thành công chung của toàn doanh nghiệp. Nhân viên là khách hàng đầu tiên và là người ủng hộ tốt nhất của mọi thương hiệu, và văn hóa doanh nghiệp là chìa khóa để giữ chân họ.

Dưới đây là 3 cách mà bạn có thể sử dụng để cải thiện văn hoá trong doanh nghiệp:

1. Xây dựng một mức độ tin cậy cao.

Các thương hiệu cần tạo ra và duy trì một nền văn hóa bao gồm những người luôn tin tưởng và ủng hộ lẫn nhau, điều này xuất phát từ việc xây dựng lòng tin.

Những hành vi của các nhà lãnh đạo là ngòi châm của quá trình này, và sứ mệnh của một nền văn hóa mạnh mẽ là thiết lập lòng tin giữa các cấp khác nhau trong doanh nghiệp.

Các nhân viên luôn muốn sứ mệnh của doanh nghiệp của họ phù hợp với giá trị cá nhân của chính họ. Do đó, nếu họ tin tưởng vào mục tiêu của doanh nghiệp, họ sẽ ủng hộ và tìm đủ mọi cách để khiến nó thành công.

Mọi người thường có xu hướng làm việc và cư xử tốt hơn khi họ tin tưởng rằng tất cả họ đều đang ở trên cùng một chiến tuyến.

Xây dựng lòng tin là chìa khóa chính để nhân viên gắn bó nhiều hơn, và điều này có tác động trực tiếp đến sự hài lòng của khách hàng.

Một nghiên cứu của Harvard được thực hiện bởi Sears vào năm 1998 đã tìm thấy mối liên hệ rõ ràng giữa thái độ của nhân viên và điểm số hài lòng của khách hàng.

Nghiên cứu đã chứng minh mối liên hệ mang tính khoa học giữa niềm tin và hiệu quả kinh tế. Những người làm việc trong các doanh nghiệp có mức độ niềm tin cao cho biết: họ ít căng thẳng hơn 74%, năng suất cao hơn 50%, ít ngày ốm hơn 13%, gắn bó hơn 76%, hài lòng hơn với cuộc sống của họ 29% và ít kiệt sức hơn 40%.

Một nghiên cứu khác năm 2015 cũng cho thấy mối quan hệ nhân quả đáng kể giữa sự hài lòng của nhân viên và hiệu quả tài chính của doanh nghiệp.

2. Phát triển những sự cam kết mang đậm yếu tố tình cảm.

Một nhân viên sẽ gắn bó hơn với tổ chức nếu họ cảm thấy họ thuộc về và quan trọng đối với tổ chức đó, vì vậy hãy thực hiện nhiều biện pháp khác nhau để cho họ thấy rằng bạn đang quan tâm đến họ. Hãy dành thời gian để hiểu nhân viên ở mức độ cá nhân và quan tâm thực sự đến sự thành công của họ.

Một nghiên cứu cho thấy những tương tác tích cực giữa nhân viên và lãnh đạo của họ là yếu tố làm cho họ muốn đóng góp nhiều hơn cho tổ chức.

Nếu bạn là chủ doanh nghiệp, bạn nên nuôi dưỡng những cam kết mang tính tình cảm với nhân viên của bạn bằng các phần thưởng và sự công nhận khác, ngoài việc tăng lương và thăng chức đơn thuần.

Nhân viên muốn có cảm giác làm chủ và các ý kiến ​​đóng góp của họ có thể tạo ra những sự tác động thực sự. Khi họ tin tưởng rằng “doanh nghiệp là ngôi nhà thứ hai”, họ sẽ cống hiến và gắn bó nhiều hơn.

Khi nhân viên tự hào về tổ chức của họ và cam kết với sự thành công chung của tổ chức, họ sẽ trở thành những người ủng hộ có sức thuyết phục rất cao đối với thương hiệu.

3. Cải thiện những nhân viên thiếu sự gắn bó.

Tương tự như việc những nhân viên có mức độ gắn bó cao có thể giúp ích cho doanh nghiệp, những nhân viên buông lỏng hay thiếu sự gắn bó có thể làm tổn hại không nhỏ đến doanh nghiệp. Bạn cần biết rằng, nhân viên không bỏ việc, họ bỏ người quản lý của họ, vì vậy bạn hãy bắt đầu bằng cách huấn luyện và đào tạo những người quản lý.

Trước tiên, hãy đảm bảo bạn đã cung cấp cho họ tất cả các nguồn lực, công cụ và dữ liệu cần thiết để triển khai, sau đó sử dụng yếu tố cam kết là một chỉ số hiệu suất chính để khiến các nhà quản lý phải chịu trách nhiệm với họ và đội nhóm của họ.

Sự gắn bó là một con đường hai chiều và việc khiến các nhân viên trở nên gắn bó hơn đòi hỏi phải có sự tham gia của họ. Một nghiên cứu từ HR Dive cho thấy hầu hết nhân viên đều cho rằng các nhà lãnh đạo cần chịu trách nhiệm về sự gắn bó của nhân viên.

Trong khi việc loại bỏ hay cải thiện những nhân viên thiếu sự gắn bó có thể dẫn đến những cảm xúc tiêu cực đối với thương hiệu, thì việc cải thiện sự hài lòng của nhân viên có liên quan mật thiết đến hiệu suất kinh doanh của doanh nghiệp.

Nhân viên thiếu đi sự gắn bó làm tổn hại đến văn hóa tích cực của doanh nghiệp và những nhân viên không hài lòng cũng có thể buông lỏng trách nhiệm trong công việc của họ.

Do đó, bằng cách chủ động thiết lập các cơ chế phản hồi để xây dựng sự gắn bó với nhân viên, bạn có thể đảm bảo rằng họ ít có cơ hội nhất để buông thả, ít nhất là với bản thân họ.

Khi bạn đặt một văn hóa lành mạnh làm nền tảng chiến lược cho một doanh nghiệp, thứ mà bạn nhận được sẽ không chỉ là sự phát triển đơn thuần, mà còn là sự bền vững lâu dài.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …