Chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả (KPI): Định nghĩa và cách thức sử dụng
Khi điều hành doanh nghiệp nhỏ hoặc chạy các chiến dịch marketing, linh cảm của bạn cũng góp phần thành công. Thế nhưng khả năng đo lường và định lượng thành công mới thực sự quan trọng. Đó chính là lúc bạn cần đến chỉ số đo lường và đánh giá hiệu quả (KPI).
Thông qua KPI, bạn có thể “biết” chiến thuật kinh doanh hay chiến dịch cụ thể đang thành công hoặc thất bại để có thể liên tục cải thiện và phát triển về sau dựa trên những ý tưởng đó. Nói cách khác, KPI là thước đo thành công chính xác và không thiên vị.
Cách sử dụng KPI để thúc đẩy kinh doanh.
Đối với doanh nghiệp nhỏ, các KPI như tỷ lệ tăng trưởng doanh thu và tỷ suất lợi nhuận gộp đều là những chỉ số đáng tin cậy về tình trạng của công ty.
Hãy định nghĩa chính xác các KPI này và mọi chỉ số khác mà bạn muốn đo lường để có thông tin chi tiết rõ ràng hơn. Nhưng bằng cách nào?
Mục tiêu SMART.
Có khả năng là bạn đã từng nghe về khái niệm các mục tiêu SMART. Khái niệm này đã được sử dụng từ nhiều thập niên trước dưới nhiều hình thức khác nhau. SMART có nghĩa là Cụ thể, Đo lường được, Có thể đạt được, Phù hợp và Thời gian hoàn thành. Sau đây là cách sử dụng các mục tiêu SMART để xác định KPI.
- Cụ thể. Đặt ra mục tiêu cụ thể mà bạn muốn đạt được.
- Đo lường được. Sử dụng số liệu đo lường được để dễ theo dõi hiệu quả dự án hơn.
- Có thể đạt được. Đảm bảo đặt ra mục tiêu khả thi. “Cái bánh vẽ” nghe thì hay đấy, nhưng bạn cần đặt ra các mốc có thể đạt được.
- Phù hợp. Số liệu có liên quan đến dự án của bạn không? Nếu bạn đã xác định mục tiêu mong muốn đạt được, điều này sẽ khiến việc xác định xem KPI có phù hợp hay không trở nên dễ dàng hơn.
- Thời gian hoàn thành. Đặt ra khung thời gian. Xác định thời điểm bắt đầu và kết thúc để có thể đặt ra đường cơ sở và dấu mốc. Quãng thời gian cố định này cũng sẽ giúp bạn xác định những yếu tố như tính thời vụ, chuyển đổi, phát hành sản phẩm, v.v.
Ví dụ về KPI.
Mặc dù bạn có thể dùng nhiều KPI khác nhau để đo lường thành công, sau đây là một số ví dụ thường gặp và cách sử dụng các KPI đó:
Biên lợi nhuận gộp.
MỤC TIÊU: Nhanh chóng biết được sức khỏe tài chính của công ty. Để tính toán chỉ số này, hãy lấy tổng doanh thu chia cho giá vốn hàng bán.
Những chi phí này không bao gồm những con số như chi phí vận hành, tiền lãi hoặc thuế. Giờ hãy lấy con kết quả nhận được chia cho tổng doanh thu. Nhìn chung thì bạn nên có tỷ lệ càng cao càng tốt.
Dự đoán dòng tiền.
MỤC TIÊU: Dự đoán mọi vấn đề tiềm tàng (lượng hàng tồn dư/thiếu hụt). Để biết viễn cảnh dòng tiền, hãy lấy tổng thu nhập và doanh thu dự kiến trừ đi mọi chi phí. Bạn có thể dự đoán theo mốc hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng năm. Khi sớm nhìn ra được các vấn đề với dòng tiền, bạn có thể tiến hành mọi sự điều chỉnh cần thiết.
Chỉ số này cũng hữu ích cho các ứng dụng lập kế hoạch thuế và khoản vay thương nghiệp. Nếu muốn so sánh dòng tiền ở một thời điểm trong quá khứ với hiện tại (ví dụ như 2005 so với 2019), bạn nên dùng chỉ số dòng tiền thực để so sánh dòng tiền trong một khoảng thời gian cụ thể đã được điều chỉnh theo lạm phát.
Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu.
MỤC TIÊU: Xem thông tin chi tiết về tốc độ tăng trưởng của công ty khởi nghiệp. Chỉ số này còn được dùng để theo dõi và dự đoán các xu hướng kinh doanh.
Tỷ lệ tăng trưởng doanh thu so sánh tổng doanh thu trong một khoảng thời gian hiện tại với tổng doanh thu của khoảng thời gian trước đó (theo quý hoặc theo năm). Giả sử thu nhập của bạn trong hai năm 2018 và 2019 lần lượt là 100.000 và 250.000 đô la.
Để tính toán tỷ lệ tăng trường doanh thu hàng năm, hãy lấy doanh thu năm 2019 trừ đi doanh thu năm 2018, lấy số đó chia cho doanh thu năm 2018 rồi nhân với 100. Tỷ lệ tăng trưởng của bạn sẽ là 150%.
(250.000 đô la – 100.000 đô la) / 100.000 đô la x 100 = 150
Số liệu lưu lượng truy cập vào website.
MỤC TIÊU: Đo lường thành công của trang web. Bạn phải biết những điểm mạnh và điểm yếu trên trang web của mình. Dẫu sao thì đó cũng là bộ mặt của doanh nghiệp.
Việc sử dụng số liệu sẽ giúp bạn nắm được chi tiết hơn về trải nghiệm của người dùng và có bao nhiêu người truy cập:
- Lưu lượng truy cập hàng tháng và hàng năm. Các số liệu qua từng năm (YoY) và qua từng tháng (MoM) cho thấy sự thay đổi theo từng khung thời gian. Hành động nào có lợi/ảnh hưởng tiêu cực đến lưu lượng truy cập của bạn?
- Người mới truy cập và người truy cập lại. Con số thống kê này là một chỉ số cho thấy nội dung của bạn thu hút cơ sở người dùng đến mức nào. Nội dung đó có khiến họ truy cập lại để xem thêm không?
- Phần đóng góp của kênh. Mỗi kênh chiếm bao nhiêu phần trăm trong tổng lưu lượng truy cập? Bạn sẽ xác định được điểm mạnh và điểm yếu khi biết cách mọi người truy cập vào trang web. Việc tận dụng tài sản của mình sẽ rất có ích khi ra mắt sản phẩm mới.
- Thời gian trung bình trên trang. Số đo này biểu thị người dùng tiêu thụ nội dung của bạn ra sao.
- Tỷ lệ chuyển đổi. Tỷ lệ chuyển đổi có thể là một trong những KPI hữu ích nhất, tùy thuộc vào loại nội dung. Chỉ số này đo lường phần trăm người truy cập chuyển đổi thành hành vi mua hàng. Ví dụ: Trong một tháng bạn có 300 người truy cập trang web, 30 người trong số họ mua hàng hóa nào đó. Tỷ lệ chuyển đổi của bạn khi đó là 30/300 hay 10%.
SEO/lưu lượng tìm kiếm tự nhiên.
Mục tiêu: Để biết mọi người có nhìn thấy bạn không. Khi mọi người tìm kiếm sản phẩm hoặc dịch vụ trên mạng, công ty bạn có xuất hiện trong phần kết quả tìm kiếm không? Nếu có, chuyện gì xảy sau đó? Bạn có thể biết thông tin chi tiết qua những KPI này:
- Lưu lượng tìm kiếm tự nhiên. Con số này cho thấy có bao nhiêu người nhấp vào trang web của bạn từ các công cụ tìm kiếm như Google và Bing. Trong phần lớn trường hợp, con số này càng cao thì càng tốt.
- Độ uy tín của trang. Bạn muốn trang của mình xuất hiện ở thứ tự cao hơn trong các trang kết quả của công cụ tìm kiếm (SERP)? Điểm SEO này là dấu hiệu rõ ràng về thứ hạng mà trang của bạn sẽ nhận được. Bạn có thể dùng số liệu này để so sánh các trang cụ thể của trang web với nhau và trên các miền khác.
- Tỷ lệ chuyển đổi trên mỗi từ khóa. Kể cả nếu trang của bạn có nhiều lượt truy cập tự nhiên, điều đó không có nghĩa là những lượt truy cập này làm tăng tỷ lệ chuyển đổi (xem phần tỷ lệ chuyển đổi ở trên). Tỷ lệ chuyển đổi thấp cho thấy bạn cần nhiều nội dung hấp dẫn hơn hoặc tỷ lệ đó là thứ hạng của từ khóa không đúng.
Nội dung tiếp thị kỹ thuật số trả phí .
MỤC TIÊU: Tạo khách hàng tiềm năng. Một trong những cách để thu hút khách hàng mới (tạo khách hàng tiềm năng) là thông qua chiến dịch quảng cáo trả phí. Sau đây là một số KPI thường được sử dụng để theo dõi và định lượng khách hàng tiềm năng chất lượng cao:
- Chi phí trên mỗi khách hàng tiềm năng (CPL): Bạn đang bỏ ra bao nhiêu tiền để có khách hàng tiềm năng? Khách hàng tiềm năng đó có chất lượng cao không? Số tiền đó có hợp lý không hay là bạn nên có sự thay đổi?
- Chi phí trên mỗi lượt chuyển đổi (CPC): Chi phí trên mỗi lượt chuyển đổi thường cao hơn một chút so với chi phí trên mỗi khách hàng tiềm năng nhưng sẽ đảm bảo tỷ suất hoàn vốn của bạn (ROI).
- Thời gian tiến hành chuyển đổi: Chu kỳ cân nhắc của bạn diễn ra bao lâu? Khoảng thời gian này nên được dựa trên ngành nghề và chi phí mục dòng của bạn.Chu kỳ chuyển đổi của người tiêu dùng thường ngắn hơn vì các chu kỳ này không tốn nhiều chi phí như sản phẩm của doanh nghiệp.
- Tỷ lệ giữ chân: Có bao nhiêu lượt chuyển đổi hay người dùng của bạn là khách hàng cũ?
- Chi phí trên mỗi lần mua hàng (CPA) là chỉ số quan trọng để biết quảng cáo trả phí của bạn có đem lại ROI cao hay không.
- Tỷ lệ nhấp (CTR) là tỷ lệ phần trăm người truy cập nhìn thấy quảng cáo (lượt hiển thị) và nhấp vào quảng cáo đó. Bạn có thể dùng chỉ số này để nắm được hiệu quả của hình ảnh quảng cáo và SERP. Khi xem xét CTR, bạn cần cân nhắc các yếu tố khác như vị trí và thứ hạng quảng cáo. Thông thường, vị trí hiển thị đầu tiên sẽ thu được nhiều lượt nhấp nhất nhưng cũng tốn kém nhất. Bạn phải biết cân bằng giữa ngân sách và cải thiện CTR. Đây chính là lúc CPA đóng vai trò quan trọng.
Mục tiêu: Mức độ nhận biết thương hiệu. Bạn muốn khách hàng xem thương hiệu của mình luôn gắn liền với sản phẩm/dịch vụ tốt. Nhưng làm sao để biết việc này có xảy ra hay không? Sau đây là một số cách để doanh nghiệp có thể đo lường mức độ này:
- Mức độ tương tác với nội dung có thương hiệu: Hãy xem xét thời gian trên trang, CTR, số phút tiêu thụ video hoặc nội dung thu hút cụ thể.
- Cụm từ tìm kiếm: Bạn có thể xem xét mức tăng số lần tìm kiếm cụm từ về thương hiệu theo thời gian.
- Lắng nghe: Một số KPI còn cho thấy cảm xúc tích cực/tiêu cực.
Lưu ý cuối cùng: Một bức tranh hơn ngàn lời nói. Khi đo lường KPI, bạn hãy thử dùng cách trực quan hóa dữ liệu dưới dạng biểu đồ, sơ đồ hoặc hình ảnh đầy màu sắc để có được cái nhìn toàn diện.
Bạn sẽ hiểu rõ hơn hiệu quả của từng KPI và sự phù hợp của KPI đó với mục tiêu chiến dịch và marketing tổng thể của bạn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Giang Nguyễn