Để giải quyết các vấn đề lớn, doanh nghiệp cần khiến nhân viên trở thành một phần không thể thiếu
Với tư cách là những nhà lãnh đạo doanh nghiệp, để có thể giải quyết các vấn đề lớn, doanh nghiệp cần khiến nhân viên trở thành một phần không thể thiếu, họ phải cảm giác được tính liên kết tới sứ mệnh của doanh nghiệp.
Trong phạm vi doanh nghiệp, bất kể cấp bậc của nhân viên của bạn là gì, hầu hết trong số họ đều muốn tin rằng những gì họ làm hàng ngày đều quan trọng, đều tạo ra giá trị cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, trong thực tế, ý nghĩa về công việc thực sự là thứ rất khó tìm kiếm.
Dù cho công việc hiện tại của nhân viên là gì hay họ thuộc bộ phận nào, việc phải đối mặt với những khó khăn trong công việc là điều khó tránh khỏi. Cũng chính vì điều này mà một trong những kỹ năng hàng đầu của một nhà lãnh đạo đó là xây dựng cảm hứng làm việc cho nhân viên của mình.
Trong khi tiền lương rõ ràng là nhu cầu hết sức căn bản, bản chất của con người là muốn dành thời gian để làm những việc gì đó có ý nghĩa hơn là chỉ kiếm tiền. Cũng từ góc nhìn này, các nhà lãnh đạo giỏi là những người sẽ tìm mọi cách để kết nối công việc của nhân viên với điều gì đó lớn lao hơn ví dụ như sứ mệnh của doanh nghiệp với xã hội.
Một môi trường làm việc đầy cảm hứng — và đi kèm với khả năng thúc đẩy hiệu suất chính là phần thường có được cho cả nhân viên, nhà lãnh đạo và doanh nghiệp.
Xây dựng một nền văn hóa doanh nghiệp nơi mọi thành viên trong đội nhóm đều cảm thấy mình là một phần của sứ mệnh lớn hơn.
Trong hầu hết các doanh nghiệp, cơ cấu tổ chức của doanh nghiệp thường sẽ bao gồm nhiều bộ phận hay phòng ban khác nhau, mỗi phòng ban lại có những nhân viên hàng ngày thực hiện các công việc tạo ra các kết quả khác nhau.
Về bản chất, vì chỉ là một thành viên nhỏ của một tổ chức lớn, các nhiệm vụ trực tiếp của họ hiếm khi liên quan đến các bức tranh lớn hơn như tốc độ tăng trưởng, thị phần, doanh số bán hàng, hay các tác động của nó đến xã hội bao gồm cả cuộc sống của khách hàng.
Nếu mọi thứ chỉ dừng lại ở đây, rõ ràng là ít có nhân viên nào có thể cảm nhận được sự quan trọng hay ý nghĩa của các công việc hàng ngày mà họ đang làm, cũng từ đây, các khái niệm về chiến lược hay mục tiêu chung của doanh nghiệp đối với họ dường như là thứ rất khó nắm bắt.
Với tư cách là một nhà lãnh đạo, bạn cần phải xoá bỏ rào cản này, xây dựng các bằng chứng kết nối các công việc của họ tới bức tranh chung của doanh nghiệp. Bức tranh chung của doanh nghiệp không chỉ có doanh số hay lợi nhuận vốn thuộc về doanh nghiệp mà còn cả sứ mệnh của doanh nghiệp với khách hàng, cộng đồng và xã hội nói chung.
Điều này cũng có nghĩa là, đứng trước bất cứ bối cảnh nào của doanh nghiệp, dù là khó khăn hay thắng lợi, họ luôn cảm nhận được hình ảnh của mình ở trong đó, cách họ đóng góp và giải quyết thách thức chung của doanh nghiệp.
Chiến lược của doanh nghiệp giờ đây không chỉ còn là câu chuyện của nhà lãnh đạo, nó còn là một phần trách nhiệm và quyền lợi của chính nhân viên.
Các nhà lãnh đạo khác nhau làm điều này theo những cách khác nhau.
Khi điều hành quỹ cùng tên của mình, Bill Gates và Melinda Gates, trong hơn hai thập kỷ, đã nỗ lực một cách có chủ ý để cho các nhân viên (và cả các nhà đầu tư) của mình thấy rằng mọi người cần phải nỗ lực và làm việc nhiều hơn nữa để các dự án của doanh nghiệp có thể thành công.
Với các dự án, họ bắt đầu với những trang giấy trắng và sau đó lấp đầy nó bằng những phát hiện, câu trả lời hay kết quả mà họ tìm thấy, dù là từ các cuộc nghiên cứu, khảo sát hay tranh luận.
Văn hóa học tập liên tục này không chỉ khiến mỗi ngày làm việc của nhân viên trở nên mới mẻ mà còn khiến công việc của họ trở nên trọn vẹn hơn theo những cách thực tế và hữu hình.
Một ví dụ khác rất đáng học hỏi là của Greg Page, Giám đốc điều hành lâu năm của Cargill, một trong những tập đoàn lớn nhất toàn cầu có trụ sở tại Mỹ.
Giữa nạn đói ở châu Phi, Page quyết định từ bỏ một số công việc của mình, quyên góp 10.000 tấn gạo (tương đương khoảng 22 triệu bảng Anh) để giúp nuôi sống những người dân đang trong tình trạng đói khát.
Khi được hỏi về điều đó, Page chỉ nói đơn giản: “Đây là công việc của chúng tôi”. Hiển nhiên, vấn đề không nằm ở số tiền hay số gạo quyên góp, ẩn ý cho điều này chính là — sứ mệnh của họ là cung cấp thức ăn cho mọi người.
Nhà lãnh đạo này sau đó cũng đã nói rất nhiều về quyết định này vì ông muốn các đồng đội của mình cảm thấy hài lòng về bản thân và mục đích công việc của họ.
Tương tự, khi Paul Polman còn là Giám đốc điều hành của Unilever, một gã khổng lồ ngành FMCG, ông đã giúp đưa công ty vốn có mức lợi nhuận khổng lồ này trở về với ý nghĩa gốc rễ của nó.
Unilever bán hầu hết mọi thứ, từ nước xịt toàn thân Axe cho đến kem Ben & Jerry. Nhưng Polman muốn đội nhóm của mình và mọi người khác biết rằng công ty có mục đích cao hơn ngoài việc chỉ bán những sản phẩm này và tìm kiếm lợi nhuận.
Sau khi hỗ trợ cho chương trình tích cực rửa tay nhằm cải thiện vệ sinh và sức khỏe ở một số khu vực nghèo nhất thế giới, Polman nói rằng Unilever phục vụ nhiều hơn cho những khách hàng trả tiền và, theo một cách nào đó, nó là “tổ chức phi chính phủ lớn nhất thế giới”.
Điều mà mỗi nhà lãnh đạo này chia sẻ là niềm tin sâu sắc rằng sứ mệnh của họ là mang lại lợi ích cho nhân loại và quyết tâm khiến mọi người trong doanh nghiệp đều có cùng cảm hứng.
Thông thường, nhiều người quản lý cấp dưới phải tập trung vào nhiệm vụ và kết quả đầu ra (trực tiếp), nhưng người điều hành phải luôn nhìn được bức tranh toàn cảnh hơn, sau đó giúp đồng đội của mình nhìn thấy chính mình trong đó.
Trong khi các cách tiếp cận này có thể phải được thực hiện theo từng bước nhỏ và trong thời gian dài, nhưng đôi khi nó lại đòi hỏi những hành động dứt khoát vào những thời khắc quan trọng.
Ý nghĩa và mục đích của doanh nghiệp vốn là thứ không phải dễ dàng được truyền đạt, nhưng chúng có thể mang lại hiệu suất đáng kinh ngạc cho nhân viên, đội nhóm và cả tổ chức nói chung.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer