Các doanh nghiệp châu Á họp hành nhiều nhất thế giới
Theo số liệu từ CNBC cho hay, các doanh nghiệp Châu Á là nơi dành nhiều thời gian họp hành nhất trên thế giới so với các khu vực khác, thay vì chú trọng đến hiệu quả thực sự của công việc.
Nói đơn giản là nhân viên Châu Á thích tỏ ra bận rộn hơn là làm việc thực sự.
Kết quả trên được trích dẫn từ khảo sát của Slack cũng như báo cáo nghiên cứu của Qualtrics, cho thấy nhân viên ở Châu Á dành nhiều thời gian cho các hoạt động thể hiện kết quả công việc (Performative Work) như họp hành, báo cáo công tác thay vì là giải quyết vấn đề thực sự.
Khảo sát trên cho thấy 43% lao động Ấn Độ, 37% nhân viên Nhật Bản và 36% lao động Singapore dành nhiều thời gian cho họp hành hơn mức bình quân 32% của thế giới.
Những nước như Hàn Quốc hay Mỹ chỉ có tỷ lệ 28% cho các hoạt động hội họp mất thời gian như vậy.
Trong khi đó, khoảng 63% số lao động Nhật Bản cũng như Singapore, cùng 57% nhân viên ở Ấn Độ được cho là dành thời gian ít nhất cho những hoạt động công việc thực sự.
Văn hóa họp.
Theo chuyên gia Derek Laney của Slack, văn hóa họp hành cũng như những màn “đóng kịch” của nhân viên nhằm thể hiện mình bận rộng chứ chẳng làm việc hiệu quả đến phong cách đo lường năng suất của giới lãnh đạo Châu Á.
“Lãnh đạo Châu Á thường phán xét hiệu quả lao động dựa trên sự có mặt của nhân viên thay vì kết quả thực sự đạt được. Sự đánh giá này dẫn đến việc nhân viên chỉ cố có mặt trong các cuộc họp hoặc thể hiện trước mặt lãnh đạo thay vì hướng đến hiệu quả công việc thực sự”, chuyên gia Laney nhận định.
Báo cáo trên cho thấy các nhà lãnh đạo thường đánh giá công việc dựa trên những gì nhìn thấy, như thời gian đi làm, số lượng trả lời email…
Khoảng 27% số lãnh đạo được khảo sát đánh giá hiệu quả công việc thông qua những hoạt động này, đứng đầu trong số các biện pháp phán xét năng suất khác.
Hãng tin CNBC nhận định chính phong cách đánh giá công việc này khiến nhân viên chịu áp lực làm việc lâu hơn trên công ty, trả lời vô số email, tham dự vô số cuộc họp dù chúng có thể ảnh hưởng tiêu cực đến năng suất lao động.
Ngoài ra, chính điều này cũng tạo nên những văn hóa như làm việc đến chết ở Nhật Bản (Karoshi).
Nghiên cứu của Slack và Qualtrics cho thấy 44% số lao động Singapore thừa nhận năng suất làm việc của bản thân bị ảnh hưởng vì mất quá nhiều thời gian cho họp hành cũng như trả lời email hoặc các tin nhắc từ sếp.
Thậm chí Slack cho hay 63% số lao động trả lời rằng họ luôn để biểu tượng online ngay cả khi không làm việc nhằm thể hiện sự chăm chỉ với lãnh đạo.
Linh động.
Dù tỷ lệ họp hành và cố thể hiện trước mặt sếp khá cao ở Châu Á nhưng người lao động nơi đây cũng mong muốn được đánh giá năng lực làm việc theo cách khác so với hiện nay.
Cụ thể, người lao động Châu Á muốn được đánh giá dựa trên thành quả lao động, số giờ cho một công việc cụ thể chứ không phải thời gian có mặt trên công ty.
Những cuộc họp cũng được hy vọng chuyển đổi thành các cuộc trò chuyện hiệu quả về công việc thay vì chỉ nghe báo cáo và “chỉ đạo” từ lãnh đạo.
Bên cạnh đó, nhân viên cũng cho rằng sự linh động về thời gian, không gian trong công việc sẽ giúp ích rất lớn để nâng cao năng suất.
Tuy nhiên, các lao động cũng thừa nhận việc đến công ty sẽ tạo nên khả năng kết nối cùng đồng nghiệp cao hơn, qua đó tạo nên sự hiệu quả khi chung tay suy nghĩ giải quyết vấn đề so với ngồi ở nhà.
Đồng quan điểm, nghiên cứu của Microsoft gần đây cũng cho thấy 84% số lao động trên thế giới cảm thấy có động lực đến công ty là nhờ được giao tiếp với đồng nghiệp.
“Sự linh động trong công việc không cứ phải là làm ở nhà. Đó có thể là cách thức làm việc, sắp xếp thời gian lao động…Tất cả chỉ để vì phục vụ hoàn thành nhiệm vụ đề ra”, báo cáo của Microsoft nêu rõ.
*Nguồn: CNBC
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo Băng Băng | Markettimes