Skip to main content

Nokia và Ericsson gặp khó khăn tại thị trường Trung Quốc

7 Tháng Tám, 2021

Hãng thiết bị viễn thông Phần Lan đã chịu chung số phận với Ericsson khi muốn tham gia xây dựng mạng 5G cho China Mobile.

China Mobile, tập đoàn viễn thông thuộc sở hữu của chính phủ Trung Quốc với lượng thuê bao lớn nhất thế giới, vừa công bố danh sách các nhà thầu trong gói triển khai 5G.

Nokia và Ericsson là 2 công ty nước ngoài duy nhất góp mặt trong số những nhà cung cấp. Theo Wall Street Journal, nhiều nhà phân tích thất vọng vì Nokia đã không thể giành toàn bộ thị phần của nhà đầu tư nước ngoài.

Cụ thể, China Mobile đã dành 5,4% giá trị gói thầu 5G cho các nhà cung cấp nước ngoài. Con số này giảm hơn một nửa so với vòng đấu thầu năm 2020.

Nokia ban đầu hi vọng sẽ hưởng lợi từ mối quan hệ rạn nứt giữa Trung Quốc và Thụy Điển, nhưng cuối cùng họ chịu chung số phận với Ericsson.

Ericsson, công ty mạng và viễn thông đa quốc gia của Thụy Điển, gần như đánh mất hoàn toàn thị phần khi chỉ trúng 1,9% gói thầu 5G của China Mobile. Chỉ một năm trước, Ericsson nhận được toàn bộ 11% gói thầu cho các công ty nước ngoài.

3,5% giá trị trong hợp đồng 5G của Nokia được coi là một sự cải thiện đáng kể sau khi hãng bị loại khỏi danh sách đấu thầu năm 2020. Sai lầm trong việc mua sắm chip thời điểm đó khiến thiết bị của Nokia đắt đỏ và kém hấp dẫn.

Tuy nhiên, nhiều nhà phân tích thất vọng khi tập đoàn viễn thông của Phần Lan không giành hết thị phần của Ericsson như dự đoán. Thị phần nhỏ hơn có nghĩa cả Ericsson và Nokia không hưởng lợi nhiều từ đợt triển khai 5G lớn nhất thế giới trong năm 2021.

Theo Wall Street Journal, việc Ericsson mất thị phần là sự trả đũa cho quyết định cấm 2 tập đoàn Trung Quốc, Huawei và ZTE, khỏi các mạng 5G của Thụy Điển vào năm 2020.

Thị trường thiết bị di động toàn cầu trị giá 35 tỷ USD có thể được chia thành ba phân khúc cùng quy mô: Trung Quốc, Mỹ và phần còn lại của thế giới.

Trung Quốc ngày càng phụ thuộc vào các thiết bị nội địa, còn Mỹ liên tiếp đưa ra các lệnh cấm cửa tập đoàn Huawei vì lo ngại gián điệp. Phần lớn các nước đều theo sát sự dẫn dắt của Mỹ.

Theo công ty nghiên cứu Dell’Oro Group, các quốc gia đã ban hành hoặc đang xem xét các hạn chế đối với Huawei chiếm hơn 60% thị phần thiết bị di động trên thế giới.

Bên ngoài lãnh thổ Trung Quốc, hai tập đoàn Ericsson và Nokia đang giành được nhiều hợp đồng hơn nhờ bất lợi của Huawei.

“Theo quỹ đạo hiện tại, ngành công nghiệp viễn thông sẽ ngày càng trở nên phân cực hơn giữa Đông và Tây”, Simon Leopold, nhà phân tích viễn thông tại Raymond James, cho biết.

Trong cuộc đấu thầu mạng 5G trị giá 6 tỷ USD của China Mobile, Huawei chiếm khoảng 60,5% trị giá hợp đồng, ZTE chiếm 31,2% và tập đoàn thiết bị viễn thông Trung Quốc Datang Telecom chiếm 2,8%. Với 3,5% giá trị hợp đồng, Nokia giành được thị phần lớn nhất cho một công ty nước ngoài.

Năm 2020, Thụy Điển đã cấm Huawei và ZTE cung cấp mạng 5G tại nước này. Ngay lập tức, các quan chức Trung Quốc cảnh báo rằng họ sẽ trả đũa tập đoàn Ericsson.

Börje Ekholm, Giám đốc điều hành Ericsson phải vận động các quan chức quốc gia Bắc Âu này xem xét lại lệnh cấm.

Vài ngày trước khi China Mobile công bố danh sách các công ty thắng thầu hợp đồng thiết bị 5G, Ericsson báo cáo doanh thu quý II tại Trung Quốc đã mất 300 triệu USD so với cùng kỳ năm trước.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …