‘Phù thủy công nghệ’ hiểu Facebook hơn cả Mark Zuckerberg
Không chỉ đứng sau thành công của Facebook, Sean Parker còn là người tạo ra phần mềm thay đổi ngành công nghiệp âm nhạc.
Parker sinh năm 1979 tại Virginia, Washington (Mỹ). Từ lớp 2, Parker đã tiếp xúc với máy tính khi được cha dạy lập trình trên chiếc Atari 800. Ảnh: Brooksy.
Năm 16 tuổi, Parker đã tấn công website nhiều công ty và trường đại học. Cậu thiếu niên bị cha ném bàn phím ra đường trong khi hack trang web thuộc doanh nghiệp lọt top Fortune 500 mà chưa kịp thoát. Do để lộ địa chỉ IP, Parker bị Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) bắt giữ, vì chưa 18 tuổi nên chỉ bị phạt lao động công ích.
Dưới mái trường trung học, Parker đã được thực tập tại FreeLoader, startup của Mark Pincus (ảnh, sau này là CEO Zynga). Anh giành chiến thắng trong một cuộc thi tin học tại Virginia và được Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) tuyển dụng. Nhiều dự án khác nhau giúp Parker kiếm được 80.000 USD/năm, đủ để thuyết phục cha mẹ cho phép không học đại học để theo đuổi sự nghiệp riêng.
Năm 1999, Parker (trái) và Shawn Fanning thành lập Napster – một trong những phần mềm chia sẻ nhạc MP3 miễn phí đầu tiên. Trong một năm, Napster đã có hàng chục triệu người dùng, trở thành công cụ tăng trưởng nhanh chóng và cũng gây tranh cãi nhất thời điểm ấy.
Tính chất miễn phí khiến Napster vướng kiện tụng từ các hãng thu âm do vi phạm bản quyền, còn Parker và Fanning bị gọi là kẻ ăn cắp. Dù Napster khẳng định chỉ là nơi trao đổi nhạc chứ không phải lưu trữ, luật pháp không đứng về họ
Sau khi thua kiện, Napster đóng cửa vào tháng 7/2001 rồi phá sản sau đó một năm. Đối với Parker, khoảng thời gian tại Napster chẳng khác gì học đại học bởi nó giúp anh biết thêm về luật sở hữu trí tuệ, tài chính doanh nghiệp và kinh doanh.
Dù chỉ tồn tại trong 2 năm, Napster được mệnh danh là website cách mạng hóa ngành âm nhạc, tiền thân của các dịch vụ như iTunes.
Theo Forbes, Napster cũng là khởi nguồn của xu hướng chia sẻ nội dung miễn phí trên Internet, trong khi các dịch vụ hiện nay liên tục muốn thu phí người dùng theo nhiều hình thức khác nhau.
“Khi đó, chúng tôi chỉ là những đứa trẻ 17-18 tuổi. Tôi và Parker đều không có suy nghĩ tạo ra Napster để tuyên chiến với ngành âm nhạc, chứ chưa nói đến việc tái cấu trúc nó”, Fanning chia sẻ với BBC tại lễ ra mắt Downloaded (2013), phim tài liệu về Napster. Parker cũng thừa nhận Napster thực sự là cuộc cách mạng văn hóa.
Không chỉ thay đổi cách chia sẻ nhạc – từ đĩa CD sang tải trên Internet – Napster còn giúp người dùng nhận thức về việc có phải trả tiền cho một số nội dung hay không.
Năm 2000, album Kid A của nhóm nhạc Radiohead bị rò rỉ trên Napster trước khi phát hành. Việc xuất hiện trên Napster giúp album này được nhiều người biết đến, dễ dàng giữ vị trí số một trên bảng xếp hạng Billboard.
Tháng 11/2002, Parker cho ra đời dự án mới có tên Plaxo nhưng rút lui sau đó 2 năm. Dịch vụ này cũng ngừng hoạt động vào năm 2017
Năm 2004, Parker gia nhập Facebook khi đây mới chỉ là startup non trẻ trong ký túc xá đại học. Với tư cách chủ tịch, Parker góp công lớn trong việc thu hút đầu tư, thiết kế tính năng và biến Facebook trở thành doanh nghiệp thực thụ.
Peter Thiel, một trong những nhà đầu tư đầu tiên của Facebook, nhận xét Parker mới là người nhìn thấy tiềm năng của Facebook chứ không phải Mark Zuckerberg.
Anh là người bổ sung tính năng chia sẻ ảnh trên Facebook dù ban đầu nó không được Zuckerberg đồng tình. Khả năng chia sẻ ảnh là một trong những lý do khiến người dùng đến với Facebook.
Trong một bữa tiệc năm 2005, cảnh sát ập vào nhà nghỉ Parker đang thuê và tìm thấy cocaine. Chủ tịch Facebook bị bắt giữ với cáo buộc tàng trữ ma túy. Dù không bị buộc tội, vụ việc khiến Parker phải từ chức tại Facebook chỉ sau đó vài tháng.
Tuy không còn trực tiếp làm việc tại Facebook, Parker vẫn có tầm ảnh hưởng đối với công ty. “Tôi không nghĩ Parker không còn liên quan gì đến Facebook. Anh ta vẫn tham gia Facebook theo nhiều cách”, Thiel chia sẻ trên Vanity Fair năm 2010
Theo Business Insider, Parker nổi tiếng với sự tập trung cao độ. Một đồng nghiệp cũ từng chia sẻ cách liên lạc với anh là “khủng bố điện thoại” từ 10 đến 20 lần.
Năm 2010, Parker được thể hiện trong The Social Network, bộ phim nói về những ngày đầu của Facebook. Nhân vật do Justin Timberlake (trái) thủ vai không được Parker đón nhận khi được miêu tả là cậu bé mê tiệc tùng. Parker nhận xét nhân vật này là “con người đáng trách về đạo đức”, còn bộ phim thì “hoàn toàn hư cấu”.
Parker là đối tác quản lý của quỹ Founders Fund giai đoạn 2006-2014. Anh cũng là nhà đầu tư của Spotify, góp phần đưa dịch vụ này đến Mỹ vào tháng 7/2011. Parker tiếp tục giữ ghế trong hội đồng quản trị Spotify đến năm 2017.
Năm 2012, Parker và Fanning tái hợp để ra mắt Airtime, dịch vụ trò chuyện video tương tự Chatroulette nhưng không thành công. Theo Forbes, khối tài của Parker tính đến năm 2016 là khoảng 2,7 tỷ USD.
Năm 2010, Parker mua một ngôi nhà phố tại West Village với giá 20 triệu USD. Sau đó, anh mua thêm 2 khu đất lân cận, biến tất cả thành một khu vực rộng lớn, gồm 3 dinh thự với tổng giá trị khoảng 58,5 triệu USD.
Năm 2013, Parker kết hôn với ca sĩ Alexandra Lenas. Lễ cưới xa hoa của cặp đôi kéo dài 3 ngày trong một khu rừng tại Big Sur, California.
Đám cưới của Parker gây xôn xao dư luận vào thời điểm ấy. Anh được cho đã chi 10 triệu USD để tạo ra khu vườn hóa trang theo chủ đề phim The Lord of the Rings, bữa tiệc hoành tráng với chiếc bánh cưới cao 2,7 m.
Lễ cưới của Parker có 364 khách mời gồm Jack Dorsey (CEO Twitter), Mark Pincus (CEO Zynga), Dustin Moskovitz và Chris Hughes (đồng sáng lập Facebook). Tất cả khách mời được tặng bộ trang phục do Ngila Dickson thiết kế.
Đám cưới bị chỉ trích dữ dội vì Parker được cho đã lắp đặt nhiều công trình tạm bợ trong một khu vực sinh thái mà không có giấy phép bắt buộc bởi Ủy ban Duyên hải California. Là một phần trong thỏa thuận dàn xếp, Parker đồng ý trả 2,5 triệu USD và tạo ra ứng dụng lập bản đồ cho Big Sur. Parker và Lenas có với nhau 2 người con – Winter Victoria và Zephyr Emerson.
Parker cũng là nhà từ thiện hoạt động tích cực. Năm 2015, anh quyên góp 600 triệu USD để thành lập Quỹ Parker, tập trung tài trợ các chương trình khoa học đời sống, sức khỏe cộng đồng trên toàn cầu.
Parker còn đóng góp cho các ứng cử viên chính trị của đảng Cộng hòa và Dân chủ, cùng sáng lập Nhóm Đổi mới Kinh tế, tập trung vào các thách thức kinh tế trên khắp nước Mỹ.
Năm 2016, Parker chi 250 triệu USD thành lập Viện Điều trị Miễn dịch Ung thư Parker. Cùng với các nhà nghiên cứu trong lĩnh vực miễn dịch trị liệu, mục tiêu của Parker là tìm ra liệu pháp giúp cơ thể miễn dịch trước ung thư.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Theo Zing