Skip to main content

Xu hướng “điên cuồng mua sắm” cuối năm giúp doanh nghiệp bứt tốc

9 Tháng Mười Hai, 2021

Dù mua sắm vì thói quen hay chỉ đơn giản là để giải tỏa sau giãn cách, người dùng đều thấy thỏa mãn vì được tiêu xài, theo Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam.

Từ tháng 10, người dùng Việt có xu hướng mua sắm “điên cuồng” dù vừa trải qua hơn 4 tháng liền giãn cách xã hội với nhiều hạn chế và ảnh hưởng nặng nề từ dịch bệnh.

Theo nhận định của ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam, nhiều người dùng chọn cách thỏa mãn nhu cầu mua sắm bị dồn nén suốt thời giãn cách bằng những đơn hàng online thả ga.

Song song đó, các chương trình khuyến mãi lớn từ các sàn thương mại điện tử, ưu đãi sâu kích cầu mua sắm từ thương hiệu, gian hàng online… cũng góp phần thúc đẩy nhu cầu mua sắm.

Đây là cơ hội để các doanh nghiệp nắm bắt thời cơ, tận dụng trợ lực từ các sàn thương mại điện tử để bứt phát doanh thu, bù đắp lại quãng thời gian nền kinh tế ảm đạm, trì trệ do dịch bệnh.

Mua sắm để thỏa mãn nhu cầu, sở thích.

Hồng Ngọc (28 tuổi, quận 9) cho biết từ tháng 10 đến nay đã chi hơn 15 triệu đồng cho việc mua sắm online các sản phẩm đa dạng ngành hàng.

Ngay từ khi shipper được phép hoạt động lại bình thường, chị đã đặt ngay 15 đơn hàng các sản phẩm từ gia dụng nhà bếp, nhu yếu phẩm, hàng tiêu dùng nhanh, mỹ phẩm lẫn quần áo, nội thất…

Dù trong 4 tháng giãn cách, chị chỉ nhận 50% lương do làm tại nhà, tuy nhiên vẫn dành phân nửa thu nhập để mua sắm vì muốn “mua cho đã tay”.

Tương tự Ngọc, Quốc Phong (31 tuổi, quận 7) cũng đổ hàng triệu đồng vào mua sắm trên thương mại điện tử từ tháng 10 đến nay. Những mặt hàng Phong đã mua là đồ điện gia dụng, thiết bị công nghệ và nội thất.

Thay vì mua sắm dàn trải cả năm, anh thường để dành mua những món giá trị cao như laptop, điện thoại, phụ kiện công nghệ… vào dịp cuối năm vì nhiều ưu đãi, mã giảm giá.

“Những năm gần đây tôi đều có thói quen chờ đến lễ hội mua sắm 10/10, 11/11 hay 12/12, canh sale rồi mua một lượt. Có đợt tôi tiết kiệm đến vài triệu đồng nhờ ‘săn’ mã giảm giá hay canh giờ vàng săn sale”, Phong cho hay.

Hồng Ngọc hay Quốc Phong là hai trong số nhiều người dùng Việt mạnh tay mở hầu bao mua sắm ngay khi vừa hết lệnh giãn cách tại TP HCM.

Điều đó phần nào cho thấy sức mua của người dùng chưa có dấu hiệu hạ nhiệt. Đồng thời, họ ngày càng chi tiêu thông minh hơn khi tận dụng tối đa ưu đãi từ nhà bán hàng, thương hiệu và sàn thương mại điện tử để mua sắm.

Cơ hội đi kèm thách thức.

Liên đoàn bán lẻ Mỹ mới đây đã đưa ra dự đoán doanh thu bán lẻ tại nước này có thể tăng khoảng 6,5-8,2% trong năm 2021. Đây là mức tăng trưởng nhanh nhất kể từ năm 2004, bất kể những ảnh hưởng từ đại dịch.

Tại Việt Nam, báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company công bố thương mại điện tử năm 2021 đạt giá trị 13 tỷ USD. Dự kiến đến năm 2025, con số này sẽ tăng lên 39 tỷ USD.

Với những số liệu tích cực trên, đây là thời điểm vàng để các doanh nghiệp đón đầu xu hướng từ cả hai nhóm người tiêu dùng mua sắm vì “trả thù” lẫn thói quen. Song, đi cùng với cơ hội luôn có thách thức.

Để đáp ứng làn sóng nhu cầu bùng nổ nhanh chóng và mạnh mẽ này, cả doanh nghiệp bán lẻ lẫn thương mại điện tử cần có chiến lược và định hướng rõ ràng trong cả hiện tại lẫn tương lai.

“Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, hệ sinh thái thương mại điện tử với hậu thuẫn là nền tảng công nghệ vững chắc, sẽ là chìa khóa giúp tháo gỡ “nút thắt” này cho các doanh nghiệp”, vị Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam khẳng định.

Trợ lực từ thương mại điện tử.

Một trong những mục tiêu lớn nhất mà các doanh nghiệp bán lẻ và nhà bán hàng online tập trung hiện tại là cải thiện và tối ưu trải nghiệm mua sắm cho người dùng.

Hiện người dùng Việt đã dần quen với việc mua sắm online, tin tưởng vào chất lượng sản phẩm dù không cần thấy tận mắt, sờ tận tay.

Tuy nhiên để có thể đạt hiệu quả cao hơn, doanh nghiệp cần chú trọng dịch vụ. Trải nghiệm mua sắm vẫn là một trong những ưu tiên hàng đầu.

Thương mại điện tử hiện là một trong những kênh bán online tiềm năng và ổn định tăng trưởng cho doanh nghiệp. Song họ cũng cần biết cách tận dụng các công cụ, chính xác hỗ trợ từ các sàn để tối ưu doanh thu hiệu quả nhất.

Ông Hoàng cho biết với sàn thương mại điện tử Lazada, đơn vị luôn phối hợp chặt chẽ và hỗ trợ nhiệt tình những thương hiệu và nhà bán hàng đối tác.

Doanh nghiệp có thể thoải mái tiếp cận nguồn khách hàng sẵn có của các sàn, nhận sự hỗ trợ tiếp thị qua các chương trình, lễ hội mua sắm; đồng thời kết nối vận chuyển hàng từ doanh nghiệp đến tận tay người dùng.

Quá trình giao hàng kết hợp cùng thương mại điện tử như Lazada nhanh chóng và dễ dàng hơn bởi Lazada luôn không ngừng cải tiến về mặt công nghệ.

Ứng dụng AI, tự động hóa quy trình và giúp thiết kế tuyến đường vận chuyển hợp lý nhất. Đây là lợi thế to lớn mà thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp.

Thêm vào đó, hình thức mua sắm kết hợp giải trí – Shoppertainment – cũng dần nổi lên như một hiện tượng và được người dùng Việt hưởng ứng nhiệt tình.

Nhất là trong thời gian giãn cách xã hội, các hoạt động giải trí online ngay trên ứng dụng thương mại điện tử như livestream, minigame… đều ghi nhận lượt truy cập và theo dõi kỷ lục.

Cụ thể, trong “Lễ hội mua sắm 11.11” của Lazada, kênh LazLive ghi nhận doanh thu tăng gấp bảy lần so với cùng kỳ năm ngoái. Kênh mua sắm này cũng trở thành một trong những công cụ được nhà bán hàng và thương hiệu tận dụng triệt để với số lượng tham gia tăng gấp 1,6 lần.

Qua đó, ông Nguyễn Huy Hoàng đã đưa ra kết luận rằng dù người tiêu dùng “điên cuồng” mua sắm vì thói quen hay do tâm lý “trả thù” dịch bệnh, điểm chung của xu hướng mới này vẫn là mang lại cơ hội cho doanh nghiệp bứt tốc trong thời bình thường mới.

Tận dụng tốt cơ hội này, doanh nghiệp không chỉ sớm quay lại “đường ray” tăng trưởng mà còn góp phần bù đắp thất thoát do kinh tế “đóng băng”.

Thêm vào đó, “Lễ hội mua sắm 12/12 – Sale cuối năm wow 90%” của Lazada diễn ra từ 12-14/12 đang khởi động rầm rộ. Đây cũng là lần đầu tiên Lazada áp dụng mức giảm giá đến 90%, hưởng ứng “Tháng khuyến mại tập trung 2021” do Bộ Công Thương phát động.

Với các ưu đãi lớn chưa từng có này, không chỉ người dùng mà cả các doanh nghiệp nhà bán hàng cũng có thể tận dụng, góp phần thúc đẩy kinh tế mau chóng phục hồi.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Volkswagen dự kiến sa thải hàng chục ngàn nhân viên

25 Tháng Mười Hai, 2024
Nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu Volkswagen đạt thỏa thuận với công đoàn trong việc cắt giảm hơn…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …