Skip to main content

Đây là lý do người dùng Facebook và Google hay có cảm giác bị nghe lén

16 Tháng Mười, 2023

Dữ liệu khổng lồ được cho là giúp Facebook, Google hiểu rõ về người dùng để phân phối quảng cáo chính xác, thay vì phải nghe lén.

Đây là lý do người dùng Facebook và Google hay có cảm giác bị nghe lén
Đây là lý do người dùng Facebook và Google hay có cảm giác bị nghe lén

Giới chuyên gia bảo mật đã nhiều lần thử nghiệm và nhận thấy các mạng xã hội không nghe lén âm thanh trò chuyện của người dùng. Tuy nhiên, nhiều người vẫn cảm thấy bất an trước khả năng quảng cáo nhắm mục tiêu một cách chính xác của các nền tảng.

Trả lời trang công nghệ PhoneArena cuối tuần qua, Jake Moore, cố vấn an ninh mạng toàn cầu của công ty bảo mật ESET với hơn 10 năm kinh nghiệm chống lại các mối đe dọa trực tuyến, cho biết: “Luật không cho phép Meta và các nền tảng Facebook, Instagram… nghe cuộc hội thoại của người dùng. Đến nay cũng chưa có bất kỳ bằng chứng khoa học xác thực nào chứng tỏ họ đang nghe lén mọi người”.

Ông khẳng định, về mặt kỹ thuật, điện thọai hoàn toàn có thể nghe và phản hồi người dùng. Đó là cách trợ lý giọng nói hoạt động một cách công khai và điện thoại sẽ nghe các từ khóa như “Hey Siri”, “OK Google” để thực hiện theo lệnh của người dùng.

Tuy nhiên, các nhà sản xuất điện thoại không được phép chủ động nghe những điều người dùng nói. Họ không thể ghi lại cuộc trò chuyện để phân phối quảng cáo mục tiêu. Chưa kể việc này khiến điện thoại phải liên tục kích hoạt micro và gửi dữ liệu, khiến máy quá tải, nóng và nhanh cạn pin.

Theo chuyên gia bảo mật, Meta, Google và các công ty công nghệ có thể thu thập nhiều thông tin chính xác từ người dùng mà không cần nghe lén. Họ nắm rõ tuổi tác, giới tính và tình trạng gia đình của người dùng.

Họ cũng biết chính xác một người sống ở đâu, từng đi tới những nơi nào, kết bạn với ai, quan tâm đến điều gì. Họ biết người dùng đang tìm kiếm điều gì, đang xem nội dung gì, đã mua sản phẩm của thương hiệu nào và chủ đề được quan tâm.

Các thông tin này có vẻ vô hại nếu chúng đứng độc lập. Nhưng các nền tảng biết cách kết nối, biến những dữ liệu rời rạc thành một bức tranh tổng thể, phác họa chân dung từng người. Sau đó, nhà phân phối quảng cáo sẽ dựa vào thông tin đó để đưa ra gợi ý đến từng người. Công việc của họ là đảm bảo mỗi quảng cáo được phát đi, tỷ lệ người dùng cuối sẽ có khả năng click vào cao nhất.

Trước Jake Moore, lý giải này đã được các chuyên gia khác đưa ra nhưng vẫn không đủ thuyết phục nhiều người.

Theo Moore, sự hoài nghi còn do não bộ của mỗi người. Ông lấy ví dụ, cách đây vài năm, sau khi mua ôtô mới, ông bắt đầu để ý và thấy có nhiều xe cùng nhãn hiệu, mẫu mã, màu sắc giống nhau trên đường phố.

Tất nhiên, không phải tự nhiên hàng loạt chiếc xe tương tự xuất hiện trong thị trấn. “Điều này là do não của tôi bắt đầu chú ý nhiều hơn đến những xe giống của mình. Cảm giác này tương tự việc người dùng thấy những quảng cáo chính xác đang được gửi đến mình”, ông lấy ví dụ.

Ông cho rằng bộ não thi thoảng vẫn có sai sót, đôi khi đánh lừa chủ nhân. Các nghiên cứu cho thấy mỗi người nói hàng nghìn từ mỗi ngày và trong số đó sẽ có các từ khóa có thể liên kết với sản phẩm, dịch vụ hoặc doanh nghiệp quảng cáo trực tuyến.

Nếu điện thoại thật sự nghe hàng nghìn từ khóa từ người dùng, đáng lẽ sẽ phải có hàng nghìn quảng cáo tương ứng được phân phối liên tục trong ngày. Và như thế, việc nghe lén để quảng cáo mục tiêu trở nên vô nghĩa.

Một vấn đề khác là người dùng thường quá chú ý đến xác suất trùng khớp giữa nội dung cuộc trò chuyện với quảng cáo vừa xuất hiện, hơn là những lần thông tin bị bỏ qua hoặc phân bổ sai.

Bên cạnh đó, việc hiển thị quảng cáo còn nhờ sự kết hợp giữa những mẫu dữ liệu của Facebook và Google mà thương hiệu có được.

Đôi khi Google và Meta hiểu rõ về thói quen, nhu cầu của người dùng hơn chính họ, nên quảng cáo về một nhà hàng yêu thích ngay sau khi họ vừa đề cập đến có thể là kết quả của hàng loạt phân tích, liên kết dữ liệu được thu thập từ lâu trước đó.

Trong trường hợp chưa yên tâm, chuyên gia khuyên người dùng có thể tắt hoàn toàn quyền truy cập micro điện thoại của mạng xã hội. Trên máy Android, vào Cài đặt > Quyền ứng dụng > Microphone > Facebook/Instagram… và chọn tắt. Trên thiết bị iOS, vào Cài đặt > Facebook/Instagram > Micro và chọn tắt.

Tại đây, họ cũng có thể tắt các quyền truy cập khác như định vị, hình ảnh, camera. Tuy nhiên, việc này sẽ ảnh hưởng đến trải nghiệm bởi mỗi khi cần thực hiện tính năng như gọi, gửi voice chat, người dùng phải thêm bước kích hoạt micro cho ứng dụng.

Họ cũng có thể so sánh việc tắt các quyền truy cập vào micro có khiến quảng cáo nhắm mục tiêu ít chính xác đi hay không để tự tìm ra câu trả lời.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips   

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …