Làn sóng tẩy chay Facebook tại châu Âu
Đáp lại lời doạ đóng Facebook, Instagram tại châu Âu của Mark Zuckerberg, người dùng ở khu vực này đang phát động chiến dịch tẩy chay Facebook.
Trên Twitter, hashtag DeleteFacebook (xoá Facebook) nhanh chóng nằm trong số những chủ đề thịnh hành.
“Nếu bạn đang nói về #DeleteFacebook, chắc chắn bạn cũng nên xoá cả Instagram và WhatsApp”, tài khoản Amyan Broomhall viết trên Twitter cá nhân và nhận được gần 4.000 lượt thích và hơn 500 lượt retweet.
“Tôi đã thông báo với bạn bè trên Facebook rằng tôi đang dần từ bỏ mạng xã hội này. Tôi đã xoá ứng dụng trên điện thoại, sau đó sẽ xoá tài khoản và xoá luôn Facebook khỏi tâm trí”, người dùng Turning OverTables viết.
Nhiều người khác cho rằng Facebook ngày càng trở nên “xấu xí” với loạt bê bối liên quan đến quyền riêng tư và dữ liệu của người dùng. Không chỉ tại châu Âu, hashtag #DeleteFacebook đã lan sang một số khu vực như Mỹ Latin và Ấn Độ.
Việc tẩy chay Facebook diễn ra sau khi CEO Meta Mark Zuckerberg dọa đóng cửa mạng xã hội này ở châu Âu. Theo đề xuất của Ủy ban châu Âu, dữ liệu của người dùng chỉ được lưu trữ và xử lý trên máy chủ đặt tại đây.
Meta, công ty mẹ của Facebook, tỏ ra lo lắng khi không thể chuyển dữ liệu giữa Mỹ và các nước ở châu Âu. Điều này có thể ảnh hưởng đến việc cung cấp dịch vụ cũng như khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo của Facebook.
Đáp lại lời của Zuckerberg, các quan chức châu Âu cho rằng “cuộc sống sẽ tốt đẹp hơn nếu không có Facebook”, đồng thời nhấn mạnh Meta vẫn phải tuân thủ các quy định mới của EU, nếu không các nền tảng mạng xã hội của họ sẽ bị cấm trên toàn châu Âu.
Đây không phải lần đầu Facebook bị kêu gọi tẩy chay quy mô lớn. Năm 2018, chiến dịch #DeleteFacebook cũng diễn ra trên diện rộng sau bê bối Cambridge Analytica.
Đến tháng 6/2020, chiến dịch #StopHateForProfit kêu gọi các doanh nghiệp dừng quảng cáo trên Facebook thu hút gần 100 nhãn hàng lớn tham gia.
Tháng 2/2021, làn sóng tẩy chay Facebook tiếp tục diễn ra ở Australia sau khi Facebook thông báo “huỷ kết bạn” với Australia. Người dùng nước này không thể cập nhật tin tức trên mạng xã hội, trong khi người dùng nước ngoài không thể chia sẻ tin tức từ Australia.
Sóng gió tiếp tục ập đến với Facebook từ đầu tháng 2 khi hãng công bố báo cáo tài chính quý IV/2021. Zuckerberg khiến cả người dùng lẫn các nhà đầu tư nổi giận khi đổ lỗi cho tốc độ tăng trưởng kém của mạng xã hội là do sự lớn mạnh của TikTok và sự điều chỉnh chính sách của Apple.
Công ty cũng thừa nhận lần đầu tiên lượng người dùng Facebook hàng ngày trung bình trong một quý bị giảm kể từ 2004.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo Khương Nha | VnExpress