Thuật toán LinkedIn năm 2024: Cách thúc đẩy tương tác và tiếp cận cho bài đăng
LinkedIn vừa thông báo cập nhật một số thay đổi về cách thuật toán của nền tảng hoạt động trong năm 2024 và xa hơn thế nữa. Hiểu được cách thuật toán hoạt động có thể giúp thương hiệu có nhiều cách hơn để thúc đẩy lượng tương tác và tiếp cận cho bài đăng của mình. Hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu chi tiết về Thuật toán LinkedIn năm 2024 trong bài viết này.
Về tổng thể, nếu bạn muốn các nội dung của mình trở nên lan truyền trên mạng xã hội (ví dụ như trên TikTok), LinkedIn chia sẻ thẳng thắn quan điểm của nền tảng rằng “bạn nên tìm kiếm điều đó ở một nơi khác”.
Dan Roth, tổng biên tập của LinkedIn cho biết: “Khi mọi thứ lan truyền trên LinkedIn, đó thường là dấu hiệu cho chúng tôi biết rằng chúng tôi cần xem xét lại nền tảng, bởi vì điều đó vốn không được tán dương”.
Khác với các nền tảng mạng xã hội khác khi coi “viral” là tiêu chuẩn đánh giá nội dung hay thậm chí sử dụng nó để thu hút sự chú ý của các nhà sáng tạo nội dung vốn coi trọng sự “nổi tiếng”, LinkedIn nhìn nhận mức độ phổ biến của nội dung hay các bài đăng theo một cách khác.
Mặc dù vậy, điều này cũng không có nghĩa là LinkedIn sẽ giảm phạm vi tiếp cận của tất cả các bài đăng có nhiều lượt tương tác, chỉ là có một số nội dung nhất định sẽ được ưu tiên, một số khác sẽ ít được ưu tiên hơn.
Để có thể có được một góc nhìn đầy đủ hơn về cách thuật toán của LinkedIn hoạt động trong năm 2024, dưới đây là những điểm chính bạn cần lưu ý.
Thuật toán của LinkedIn năm 2024 sẽ tiếp tục cố gắng giải quyết một số vấn đề.
Theo số liệu báo cáo mức độ hoạt động của LinkedIn, lượng người dùng của mạng xã hội này đã không ngừng tăng trưởng trong những năm qua. Công ty cho biết nền tảng đã chứng kiến lượng nội dung được chia sẻ tăng 42% so với cùng kỳ năm ngoái từ năm 2021 đến năm 2023, nội dung được xem tăng 27% và hiện cứ mỗi 1 giây sẽ có 3 người dùng đăng ký.
Trong thời kỳ đại dịch, các bài đăng trên LinkedIn của mọi người trở nên mang tính cá nhân hơn nhiều hơn. Từ các chủ đề về nhà cửa tới cuộc sống và công việc đều trở nên phổ biến trên nền tảng. Nhiều người dùng cũng bắt đầu chia sẻ những loại ảnh tự chụp hoặc ảnh gia đình mà trước đây họ thường đăng tải lên các nền tảng như Facebook hay Instagram.
Cũng theo cách tiếp cận tương tự ở trên các mạng xã hội khác hay thậm chí là trên các công cụ tìm kiếm như Google, nhiều người cố gắng lạm dụng thuật toán để đạt được nhiều lượt thích, lượng truy cập và người theo dõi nhất có thể.
Như một kết quả tất yếu, cũng như cách người ta phàn nàn về việc các kết quả trên trang tìm kiếm của Google bị các thủ thuật SEO lạm dụng, ngày càng có nhiều người dùng hơn phàn nàn về các nội dung mà họ nhìn thấy hay được các thuật toán của nền tảng đề xuất.
Thậm chí vào năm 2023, không ít người còn đánh giá “LinkedIn giờ đây không khác gì ứng dụng hẹn hò Tinder”, nơi người dùng thích đăng tải những bức hình cá nhân khá nhạy cảm với những nội dung không phù hợp trên một nền tảng chuyên nghiệp (LinkedIn được xem là mạng xã hội chuyên nghiệp hoặc mạng xã hội việc làm).
Cũng từ đây, LinkedIn bắt đầu cố gắng thay đổi các thuật toán của mình với mục tiêu khiến cho nguồn cấp dữ liệu của nền tảng trở nên hữu ích hơn hay nói cách khác là quay lại như cách mà nó vốn có.
Theo phát ngôn của LinkedIn, những thay đổi mới trong thuật toán sẽ giảm tới 80% lượng người dùng phàn nàn.
Hai thay đổi lớn trên nguồn cấp dữ liệu của LinkedIn.
Về bản chất, vào năm 2024 và xa hơn thế nữa, các thuật toán của mạng xã hội Linkedin sẽ ưu tiên 2 khía cạnh sau đây khi nói đến việc phân phối nội dung trên nguồn cấp dữ liệu (News Feed).
1. Nếu người dùng đăng bài trên LinkedIn, nhiều khả năng những người theo dõi họ sẽ nhìn thấy bài đăng của họ.
Theo LinkedIn, người dùng cho biết rằng họ thấy những nội dung có giá trị nhất khi nội dung đó dựa trên kiến thức và lời khuyên, và họ thấy nội dung này có giá trị nhất khi nó đến từ những người mà họ biết và quan tâm.
Cho đến nay, LinkedIn đã chứng kiến lượng người xem bài đăng từ những người họ theo dõi tăng 10%.
2. Các bài đăng chia sẻ “kiến thức và lời khuyên” hiện được ưu tiên nhiều hơn trên toàn nền tảng.
Hệ thống thuật toán của LinkedIn hiện đang đánh giá xem một bài đăng nào đó có chứa kiến thức và lời khuyên hay không, sau đó hiển thị bài đăng đó cho những người dùng khác có khả năng tìm thấy những thông tin liên quan và hữu ích.
Theo LinkedIn, mục tiêu của các thuật toán là giúp các thành viên của nền tảng làm việc hiệu quả hơn và đạt được nhiều thành công hơn.
Kể từ khi những thay đổi mới này có hiệu lực, LinkedIn đã chứng kiến mức tăng gần 40% về “số người xem và xem nội dung dựa trên kiến thức từ những người ngoài mạng lưới kết nối của họ.
Cách thuật toán của LinkedIn xác định ‘Kiến thức và Lời khuyên’.
Tới đây, có không ít người dùng hay người làm marketing thắc mắc rằng làm thế nào thuật toán của LinkedIn có thể nhận ra khi một bài đăng nào đó có chứa kiến thức và lời khuyên?
Theo chia sẻ từ LinkedIn, nền tảng mong muốn thấy rằng người dùng đang xây dựng một cộng đồng xoay quanh nội dung (content) và xung quanh việc chia sẻ kiến thức mà họ có đủ khả năng để nói đến.
Mặc dù nền tảng không chia sẻ toàn bộ các số liệu được sử dụng để đánh giá, dưới đây là một số chỉ số chính.
1. Bài viết hướng đến một nhóm đối tượng khán giả (người xem) riêng biệt.
Với từng bài đăng hay nội dung nhất định, rõ ràng là nó chỉ phù hợp với một số người dùng nhất định, trước khi đăng bài, LinkedIn cho biết người đăng nên tìm hiểu về rõ về ai sẽ có thể và mong muốn xem nó.
Hệ thống thuật toán của LinkedIn sẽ xem xét mọi bài đăng và xác định liệu từng bài đăng cụ thể sẽ phù hợp với ai.
Để có thể làm rõ vấn đề, LinkedIn đưa ra ví dụ rằng, “nếu bạn là một nhà sáng tạo nội dung, hãy nghĩ xem bạn có thể cung cấp loại kiến thức nào để giúp đỡ mọi người.”
2. Ai là người viết các nội dung.
Khi bạn đăng bất cứ nội dung nào đó trên LinkedIn, nền tảng này không chỉ đánh giá giá trị của nội dung bài đăng của bạn.
Các thuật toán mới cũng sẽ đánh giá chính bạn, xem liệu bạn có đủ kinh nghiệm và kiến thức liên quan đến có thể đưa ra các lời khuyên có giá trị hay không.
3. Bài đăng có những “bình luận có ý nghĩa”.
Trước đây, thuật toán của LinkedIn sẽ tìm cách ưu tiên cho các bài đăng có nhiều bình luận. Kết quả là, một số người dùng đã lạm dụng điều này để thúc đẩy lượng tiếp cận (Reach) của bài đăng (ví dụ sử dụng tài khoản ảo để bình luận).
Hiển hiên, LinkedIn sau đó không ngừng tìm cách để ngăn chặn điều này (hãy nghĩ về cách Google ngăn chặn việc lạm dụng từ khoá để gian lận thứ hạng tìm kiếm).
LinkedIn sẽ xem xét những người bình luận này là ai, họ có lịch sử như thế nào. Ví dụ: hãy tưởng tượng rằng bạn đăng một nội dung nào đó về Marketing và sau đó có nhiều chuyên gia Marketing bình luận về bài đăng của bạn, LinkedIn coi đó là một dấu hiệu tích cực.
4. Thuật toán của LinkedIn năm 2024 cũng sẽ ưu tiên cho các bài đăng có góc nhìn riêng.
Nhờ vào sự phát triển của các công nghệ như AI (trí tuệ nhân tạo), LinkedIn ngày càng có nhiều cách hơn để phân loại các bài đăng thành các danh mục khác nhau – ví dụ: bao gồm liệu bài đăng nào đó có chứa ý kiến và/hoặc lời khuyên hay không.
Một phần, nền tảng xem xét liệu một bài đăng có cung cấp thông tin chung chung (được ưu tiên ít hơn) hay được rút ra từ chính quan điểm và hiểu biết sâu sắc của người viết (được ưu tiên nhiều hơn).
Theo LinkedIn “Chúng tôi thực sự đánh giá cao những nhà sáng tạo có quyền tự do sáng tạo và sử dụng cá tính của họ để xây dựng nội dung.”
Cách LinkedIn đánh giá về mức độ thành công của các bài đăng.
Trong khi có không ít người muốn có nhiều lượt thích và theo dõi (follower) trên LinkedIn. Nó có thể là một công cụ xây dựng thương hiệu hữu ích và có thể mang lại nhiều lợi ích kinh doanh hơn.
Tuy nhiên, thuật toán của LinkedIn lại không coi trọng việc tiếp cận nhiều người, thay vào đó, nền tảng muốn các bài đăng hay nội dung có thể tiếp cận đúng người.
Đây cũng là lý do tại sao hệ thống của LinkedIn không khuyến khích cái gọi là lan truyền (Viral).
LinkedIn cho biết rằng sẽ là rất hữu ích nếu coi LinkedIn như một phiên bản kỹ thuật số của nơi làm việc (digital workplace), nơi có rất nhiều nhóm có nhiều cuộc trò chuyện riêng lẻ. Không có cuộc thảo luận nào phù hợp với mọi người trong mỗi nhóm – cũng như không có một nội dung nào phù hợp với tất cả mọi người trên LinkedIn.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer