Skip to main content

TikTok thừa nhận đã truy cập dữ liệu người dùng Mỹ

3 Tháng Bảy, 2022

CEO TikTok cho biết một số nhân viên công ty có thể truy cập dữ liệu của người dùng Mỹ, nhưng không chia sẻ cho chính phủ Trung Quốc.

Trong bức thư gửi đến 9 nghị sĩ Mỹ, Shou Zi Chew, CEO TikTok thừa nhận các nhân viên tại trụ sở công ty ở Trung Quốc có thể truy cập một số thông tin của người dùng dịch vụ tại Mỹ, bao gồm video và bình luận công khai.

Chew khẳng định các thông tin không được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc. Việc truy cập diễn ra trong môi trường an ninh mạng được kiểm soát chặt chẽ, bằng giao thức xác thực do nhóm bảo mật của TikTok tại Mỹ giám sát.

Cũng trong bức thư này, Chew cho biết TikTok đang làm việc với chính phủ Mỹ để tăng cường bảo mật dữ liệu, phù hợp với định nghĩa của Ủy ban Đầu tư Nước ngoài tại Mỹ (CFIUS), nhóm cơ quan chính phủ chuyên xem xét các thương vụ thâu tóm công ty Mỹ ở nước ngoài.

Kế hoạch của TikTok, còn được gọi là “Dự án Texas” nhằm lưu trữ thông tin của người dùng Mỹ tại các máy chủ trong nước, do hãng phần mềm Oracle vận hành.

TikTok cũng chuyển đổi nền tảng đám mây từ Trung Quốc sang cơ sở hạ tầng của Oracle, đồng nghĩa là các dữ liệu và thuật toán của TikTok với người dùng Mỹ sẽ được truy cập và triển khai từ máy chủ trong nước.

“Chúng tôi không chia sẻ công khai kế hoạch vì tôn trọng cam kết bảo mật với chính phủ Mỹ. Tuy nhiên, hoàn cảnh hiện nay buộc chúng tôi công bố một số thông tin để làm sáng tỏ những chi tiết sai sót, gây hiểu lầm trong bài viết (của BuzzFeed)”, Chew cho biết.

Trước đó vào 27/6, các nghị sĩ đảng Cộng hòa đã trích dẫn bài viết đăng trên BuzzFeed, cho biết dữ liệu của người dùng TikTok tại Mỹ được truy cập bởi các nhân viên công ty tại Trung Quốc. Họ cho rằng TikTok và công ty mẹ ByteDance đang “sử dụng quyền truy cập vào dữ liệu người dùng Mỹ để theo dõi cư dân nước này”.

Theo Bloomberg, các nghị sĩ yêu cầu đại diện TikTok giải thích về hành động truy cập dữ liệu của người dùng Mỹ tại Trung Quốc, mục đích thu thập và liệu chúng có được chia sẻ với chính phủ Trung Quốc hay không.

“Chúng tôi biết mình là một trong những nền tảng được xem xét kỹ lưỡng nhất từ quan điểm bảo mật, và chúng tôi muốn loại bỏ mọi nghi ngờ về tính bảo mật dữ liệu của người dùng tại Mỹ”, CEO TikTok cho biết.

Sau khi chuyển máy chủ sang Mỹ, các nhân viên TikTok tại Trung Quốc vẫn đảm nhiệm vai trò phát triển thuật toán, tuy nhiên việc đào tạo thuật toán sẽ diễn ra trên máy chủ của Oracle.

Đây không phải lần đầu TikTok vướng vào tranh cãi liên quan đến bảo mật thông tin. Năm 2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump đã yêu cầu ByteDance rao bán TikTok nếu vẫn muốn phát hành ứng dụng tại Mỹ.

Chính quyền ông Trump thậm chí công bố thỏa thuận bán một phần TikTok từ ByteDance cho Oracle, tuy nhiên điều này không thành sự thật.

Theo New York Times, TikTok vẫn đang bị CFIUS giám sát. Cuối tháng 6, nghị sĩ Brendan Carr, thành viên thuộc Ủy ban Truyền thông Liên bang Mỹ (FCC) đã gửi đơn kiến nghị Apple và Google xóa TikTok khỏi kho ứng dụng, sau khi ví nền tảng mạng xã hội này như “một con sói đội lốt cừu”.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Nam Nguyen

(Theo Zing)

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …