Top 5 điều mà Google Analytics không thể cho bạn biết và cách bạn có được nó
Google Analytics rất hữu ích nhưng không thể làm tất cả mọi thứ. Dưới đây là 5 điều mà GA không thể cho bạn biết và cách bạn có thể có được chúng.
Google Analytics (GA) là một công cụ miễn phí do Google cung cấp để theo dõi các hoạt động diễn ra trên website của bạn.
Sau khi GA được cài đặt trên một website, bạn có thể xem các thông tin như: số lượng khách truy cập, trang nào nhận được nhiều lưu lượng truy cập nhất, người dùng xem trang của bạn bao lâu, tỉ lệ chuyển đổi như thế nào và nhiều hơn thế nữa.
Về cơ bản, Google Analytics là một trong những công cụ quan trọng nhất của người làm digital marketing nhằm mục tiêu đo lường hiệu suất của các chiến dịch, tuy nhiên, GA không được thiết kế để cho bạn biết về mọi thứ.
Dưới đây là những gì mà Google Analytics không thể cho bạn biết:
1. Dữ liệu lịch sử.
Dữ liệu lịch sử là những gì đã xảy ra trước khi cài đặt mã theo dõi (tracking code) Google Analytics vào các website của bạn.
Hãy coi mã theo dõi như một chiếc lưới đánh cá. Sau khi giăng lưới và kiểm tra, bạn có thể nhìn và xem có bao nhiêu con cá đã ‘sa lưới’.
Nhưng trước khi giăng lưới, rõ ràng là bạn không thể bắt được cá cũng như không thể biết được có bao nhiêu con đã bị bỏ lọt.
Đây là lý do tại sao Google khuyên bạn nên thiết lập Google Analytics ngay khi website của bạn được khởi chạy.
Google Analytics (bản tiêu chuẩn) không tự động thu thập những hành động mà người dùng thực hiện trên một website. Nó chỉ cho bạn biết họ xem bao nhiêu trang, xem bao lâu, họ đến từ đâu, xem những trang nào…
Trong những tình huống này, Google Analytics 4 (GA4) sẽ là một phương án bổ sung khác mà bạn có thể thêm vào.
GA4 tự động gắn thẻ một số hành động (sự kiện) nhất định trên website nhưng thiếu một số điểm tiếp xúc thực sự quan trọng đối với các chuyên gia SEO, chẳng hạn như hành động gửi biểu mẫu (submit a form).
Để có thể kiểm tra các sự kiện trong quá khứ, HockeyStack có thể là một công cụ bạn có thể tham khảo. Thời điểm bạn thiết lập HockeyStack, nó sẽ tự động bắt đầu thu thập tất cả dữ liệu về sự kiện mà không cần phải gắn thẻ sự kiện.
2. Lấy mẫu dữ liệu (data sampling).
Điều thứ hai Google Analytics không thể cho bạn biết trong một trường hợp khác mà bạn có thể bỏ lỡ thông tin về lưu lượng truy cập website của mình: đó là lấy mẫu dữ liệu.
Lấy mẫu dữ liệu có nghĩa là một phần nhỏ dữ liệu được phân tích để nhanh chóng xác định các mẫu và xu hướng chính.
Để dễ hình dung hơn, hãy tưởng tượng con bạn đổ 10.000 mảnh Lego xuống sàn. Vì một lý do nào đó, bạn tự hỏi có bao nhiêu mảnh Lego màu đỏ (tỷ lệ).
Bây giờ, bạn có thể dành hàng giờ đồng hồ để đếm hết tất cả đống lego màu đỏ mình cần – hoặc bạn có thể chọn một phần và chỉ đếm 1.000 mảnh.
Nếu có 200 Lego màu đỏ trong 1.000 mãnh đó (đây là tập hợp con’ (subset) của dữ liệu), thì sẽ hợp lý khi giả định rằng bạn sẽ có tổng 2.000 Lego màu đỏ.
Rõ ràng, việc lấy mẫu này sẽ làm cho quá trình phân tích dữ liệu nhanh hơn đáng kể.
Vậy bạn cần làm gì để có thể lấy mẫu dữ liệu?
Bước đầu tiên là kiểm tra liệu dữ liệu của bạn có thể lấy mẫu được hay không.
Nếu bạn đang sử dụng tài khoản Google Analytics bản tiêu chuẩn miễn phí, thì việc lấy mẫu dữ liệu có thể được bắt đầu với khoảng 500.000 phiên (sessions) trong bất cứ phạm vi thời gian nào mà bạn lựa chọn.
Khi việc lấy mẫu có hiệu lực, bạn sẽ thấy một tấm chắn màu vàng có dấu tick ở đầu báo cáo. Thông báo có nội dung “Báo cáo này dựa trên N% phiên” (như bên dưới hình).
Nếu bạn muốn ngăn việc lấy mẫu dữ liệu của mình, chỉ cần cập nhật lên GA4. Google Analytics 4 vẫn miễn phí và không có giới hạn số lần truy cập.
Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, để bảo vệ quyền riêng tư của người dùng. Google sẽ hạn chế việc bạn lấy mẫu dữ liệu để phân tích.
Chẳng hạn khi báo cáo chứa danh mục tuổi, giới tính hoặc sở thích, một ngưỡng mẫu dữ liệu có thể được áp dụng và một số dữ liệu có thể bị ẩn khỏi báo cáo.
Dấu kiểm màu xanh lá cây trong báo cáo mặc định của GA4 cho biết rằng đó là dữ liệu 100% không được lấy mẫu.
3. Bản đồ nhiệt (Heat Mapping).
Rõ ràng là Google Analytics không thể cung cấp toàn bộ bức tranh về dữ liệu bạn cần, và bản đồ nhiệt trên website là một sự thiếu hụt tiếp theo.
Bản đồ nhiệt là một kỹ thuật trực quan hóa dữ liệu bằng cách sử dụng yếu tố màu sắc trong đó, màu sáng (đỏ) dùng để biểu thị các giá trị lớn hơn và màu lạnh (xanh da trời) để biểu thị các giá trị nhỏ hơn.
Nói một cách đơn giản, đó là một cách nhanh chóng và dễ dàng để bạn có thể xem cách khách hàng tương tác với các trang hoặc website của bạn, những gì họ nhấp vào – hoặc không nhấp vào.
Bản đồ nhiệt của một website có ba loại:
- ‘Bản đồ nhấp chuột’ hiển thị nơi người dùng nhấp hoặc không nhấp chuột.
- ‘Bản đồ cuộn màn hình’ cho biết người dùng cuộn bao xa (theo tỷ lệ phần trăm của tất cả người dùng).
- ‘Bản đồ rê chuột’ hiển thị vị trí và chuyển động của con trỏ chuột của người dùng.
Những người làm digital marketing sử dụng bản đồ nhiệt để hiểu hành vi của người dùng trên một website nhất định.
Những thông tin chi tiết này rất cần thiết khi bạn được giao nhiệm vụ tối ưu hóa bố cục trang (layout), cải thiện trải nghiệm người dùng (UX) hoặc tăng chuyển đổi.
Mặc dù Google Analytics cũng có bản đồ nhiệt riêng, hay nói đúng hơn đó chỉ là một tiện ích mở rộng trên trình duyệt chrome (chrome extension) có tên là “Page Analytics”, tuy nhiên nó thực sự không phải là một công cụ tốt.
Ngoài tiện ích mở rộng này của Google, một số bản đồ nhiệt khác bạn có thể tham khảo như: Hotjar, Yandex hay Crazy Egg.
4. Theo dõi các phương tiện truyền thông mạng xã hội (social media).
Hai điều cuối cùng trong danh sách này sẽ là về các tương tác và cuộc trò chuyện của người dùng ngoài website (off-site), điều thực sự rất cần thiết cho các chiến dịch marketing thành công.
Theo dõi các phương tiện truyền thông mạng xã hội là theo dõi thông tin liên quan đến doanh nghiệp hay thương hiệu của bạn trên các nền tảng mạng xã hội: những thứ như đề cập thương hiệu (brand mentions), các thẻ hashtag có liên quan, bài viết được chia sẻ, các bài đăng, v.v.
Google Analytics có thể theo dõi các hành động và hành vi diễn ra trên website của bạn, chẳng hạn như người dùng đó được giới thiệu từ mạng xã hội nào, họ truy cập vào trang nào của bạn và liệu họ có kích hoạt các sự kiện gì hay không…
Tuy nhiên, GA không thể cho bạn biết về hoạt động của người dùng đó trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook, Instagram hay TikTok.
Nếu bạn thấy hữu ích với các API (tích hợp dữ liệu), SharedCount sẽ cung cấp những thông tin chi tiết và phân tích về những lượt chia sẻ trên mạng xã hội. Với một tài khoản miễn phí, bạn có thể sử dụng tới 500 lệnh gọi API mỗi ngày.
5. Chất lượng khách hàng tiềm năng (Lead).
Chất lượng khách hàng tiềm năng là loại hành vi khó theo dõi nhất vì nó thường xảy ra ngoại tuyến (offline). Những thứ như các cuộc gọi bán hàng hay nội dung từ các biểu mẫu giúp kích hoạt chuyển đổi là điều cần thiết để xác định hiệu quả của các nỗ lực marketing.
Khi nói đến việc định lượng hay xác định chất lượng khách hàng tiềm năng, mặc dù số liệu này rất quan trọng, tuy nhiên đa số những người làm marketing nói chung đều đánh giá dựa vào ‘cảm giác’ hoặc số liệu tổng thể mà họ nhận được.
Đối với các tương tác ngoại tuyến như cuộc gọi bán hàng hay việc khách hàng đến cửa hàng, điều tốt nhất bạn có thể làm với tư cách là người làm marketing đó là tham gia sâu vào các cuộc gọi đó để hiểu đầy đủ về chân dung và tâm lý khách hàng.
Đối với việc khách hàng thực hiện gửi mẫu thông tin (Submit Form), có nhiều cách để xếp hạng hay đánh giá điểm bằng các trường tích hợp từ “Trình quản lý thẻ của Google” (Google Tag Manager).
Tuy nhiên cho đến khi bạn là một chuyên gia thực sự về Digital thì điều mới có thể khả thi vì nó tốn khá nhiều thời gian theo từng ngành cụ thể.
Có thể nói, Google Analytics (GA) là công cụ miễn phí quyền lực nhất cho những người làm marketing nói chung và người làm digital nói riêng. Nó cũng là nền tảng để xây dựng một bản kế hoạch Digital Marketing thành công.
Cuối cùng, bạn chỉ cần lưu ý rằng GA không được sinh ra để làm tất cả mọi thứ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Long Trần | MarketingTrips