YouTube chia sẻ những thành phần chính quyết định mức độ tiếp cận trên nền tảng
Mới đây nhất, YouTube chia sẻ những thông tin tổng quan về cách hệ thống đề xuất nội dung của mình làm việc và những yếu tố chính xác định mức độ tiếp cận của các video trên nền tảng.
Những chia sẻ của YouTube nhằm mục tiêu chủ yếu là giúp các nhà marketer trên YouTube hiểu rõ hơn về những gì đang hoạt động và đâu là yếu tố cần tối ưu.
Theo giải thích của YouTube:
“Hệ thống đề xuất nội dung (content recommendation system) của chúng tôi được xây dựng dựa trên nguyên tắc đơn giản là giúp mọi người tìm thấy những video mà họ muốn xem và điều đó sẽ mang lại nhiều giá trị hơn cho họ.”
Tất nhiên, ‘giá trị’ là một thuật ngữ khá mơ hồ trong các chỉ số trên các nền tảng truyền thông mạng xã hội và đặc biệt là trong phạm vi đo lường, nhưng theo YouTube, ‘giá trị’ là để cho mọi người thấy nhiều hơn những gì họ thích, không chỉ dựa trên hành vi của chính họ mà còn là từ những người dùng tương tự.
“Bạn có thể tìm thấy cách làm việc của hệ thống đề xuất tại 2 nơi chính: Trang chủ (homepage) của bạn và bảng điều khiển ‘Up Next’.
Trang chủ của bạn là những gì bạn nhìn thấy khi lần đầu tiên mở YouTube – nó hiển thị một hỗn hợp các đề xuất được cá nhân hóa cũng như những tin tức và thông tin mới nhất.
Bảng Up Next xuất hiện khi bạn đang xem video và đề xuất những nội dung bổ sung dựa trên những gì bạn hiện đang xem, cùng với các video khác mà chúng tôi nghĩ rằng bạn có thể quan tâm.”
Dưới đây là một số lưu ý chính về cách hoạt động của quy trình đề xuất của YouTube.
Về cơ bản, các đề xuất (recommendations) của YouTube dựa trên 4 yếu tố chính:
- Click – Số lần nhấp – Các video mà bạn nhấp vào cung cấp cho YouTube một chỉ báo trực tiếp về sự quan tâm của bạn đối với nội dung đó. Nhưng nó không phải lúc nào nó cũng là thứ xác định trải nghiệm của bạn. Ví dụ: bạn có thể nhấp qua một video để tìm kiếm thứ gì đó, sau đó bạn không tìm thấy những thứ bạn cần trong video, do đó, bản thân lần nhấp đó không phải là một chỉ báo chính xác về những gì bạn muốn. Đó là lý do tại sao YouTube cũng đo lường “Thời gian xem” như một tiêu chí bổ sung tiếp theo.
- Watchtime – Thời gian xem – Thời gian xem đo lường thời gian bạn thực sự đã xem từng video mà bạn nhấp vào, điều này giúp YouTube đề xuất những nội dung cụ thể hơn phù hợp với sở thích của bạn. Nếu một người hâm mộ quần vợt đã xem 20 phút các video nổi bật của Wimbledon nhưng chỉ xem một vài vài giây của các video phân tích trận đấu, YouTube có thể cho rằng những video nổi bật đang có nhiều giá trị hơn.
- Chia sẻ, Thích, Không thích – YouTube cũng đo lường các hoạt động chia sẻ và lượt thích của bạn, một phép đo phản hồi trực tiếp khác trong ứng dụng. Hệ thống của YouTube sử dụng thông tin này để cố gắng dự đoán khả năng mà bạn sẽ chia sẻ hoặc thích các video khác trong tương lai. Nếu bạn không thích một video nào đó, đó là tín hiệu cho thấy bạn không muốn xem các video đó.
- Phản hồi các khảo sát – Cuối cùng, và ngoài các chỉ số phản hồi rõ ràng này, YouTube cũng tiến hành khảo sát người xem thường xuyên để tìm hiểu xem người dùng đang có những trải nghiệm tốt trong ứng dụng hay không. Ví dụ: nếu bạn xem một video trong 20 phút, YouTube có thể hỏi bạn xem bạn có thích video đó không và tiếp hành xếp hạng để hướng dẫn hệ thống của YouTube có các đề xuất tốt hơn.
YouTube cũng lưu ý rằng hệ thống của nó luôn tìm cách giúp bạn tìm thấy những nội dung mà bạn thậm chí có thể không biết là nó có tồn tại, dựa trên những nội dung mà những người có hồ sơ xem tương tự với bạn đã xem.
“Vì vậy, nếu bạn thích các video về quần vợt và hệ thống của chúng tôi nhận thấy rằng những người khác thích các video về quần vợt giống như bạn cũng thích các video về nhạc jazz, thì bạn có thể được đề xuất các video về nhạc jazz, ngay cả khi bạn chưa từng xem một video nào về chủ đề đó trước đây.”
Nếu bạn bị gắn với các hồ sơ người xem không chính xác, điều này có thể dẫn bạn đến các nội dung chất lượng thấp trên nền tảng – mặc dù YouTube cũng lưu ý rằng họ đang nỗ lực để giải quyết vấn đề này và hạn chế hiển thị những gì mà hệ thống của nó xác định là “nội dung chất lượng thấp”.
Vậy điều gì được coi là “chất lượng thấp” trong bối cảnh này?
“Chúng tôi đã sử dụng các đề xuất để hạn chế những nội dung chất lượng thấp được xem nhiều hơn kể từ năm 2011, chúng tôi xây dựng bộ lọc phân loại để xác định các video có nội dung thô bạo hoặc bạo lực và ngăn chúng rơi vào các nhóm được đề xuất.
Sau đó, vào năm 2015, chúng tôi nhận thấy rằng những ‘nội dung lá cải giật gân’ xuất hiện trên các trang chủ và đã thực hiện các bước để giảm thứ hạng những nội dung đó.
Một năm sau, chúng tôi bắt đầu dự đoán khả năng mà một video có thể đưa những đứa trẻ vị thành niên vào các tình huống rủi ro và xóa những video đó khỏi các đề xuất.
Và vào năm 2017, để đảm bảo rằng hệ thống đề xuất của chúng tôi công bằng cho các cộng đồng bị thiệt thòi, chúng tôi đã bắt đầu sử dụng công nghệ máy học (ML) để hỗ trợ hệ thống của chúng tôi trong việc đảm bảo sự công bằng giữa các nhóm người khác nhau.”
Ngoài những điều này, YouTube cũng cấm những nội dung bao gồm các tuyên bố sai lệch về sức khỏe, đồng thời thực hiện nhiều bước hơn để giải quyết những thông tin sai lệch về vấn đề chính trị.
Để tìm cách hạn chế phạm vi tiếp cận của các video có nội dung không phù hợp – những video không nhất thiết phải vi phạm các quy tắc của nền tảng, chỉ cần các video đó có chứa những tài liệu có thể gây hại – YouTube sẽ tìm cách hạn chế nó bằng những người đánh giá thực thay vì chỉ là ứng dụng công nghệ.
“Những người đánh giá này đến từ khắp nơi trên thế giới và được đào tạo thông qua một bộ quy tắc hướng dẫn đánh giá chi tiết và công khai.
Chúng tôi cũng dựa vào các chuyên gia được chứng nhận, chẳng hạn như bác sĩ y tế khi đánh giá các nội dung liên quan đến yếu tố sức khỏe.”
Để xác định “tính có thẩm quyền” của những người này, YouTube nói rằng những người đánh giá của họ cần trả lời một số câu hỏi chính:
- Nội dung có thực hiện đúng lời hứa của nó không?
- Loại chuyên môn nào là cần thiết để đánh giá các video?
- Danh tiếng của người nói trong video và kênh đó như thế nào?
- Chủ đề chính của video đó là gì (ví dụ: Tin tức, Thể thao, Lịch sử, Khoa học, v.v.)?
- Nội dung có chủ yếu nhằm mục đích châm biếm hay không?
Người đánh giá của YouTube đánh giá danh tiếng của một kênh hay nhà sáng tạo dựa trên một loạt các tiêu chuẩn, bao gồm các bài đánh giá trực tuyến, đề xuất của các chuyên gia và các bài báo chuyên môn khác.
Nhìn chung, hệ thống của nó được thiết kế để sử dụng các tín hiệu rõ ràng và ngầm hiểu để làm nổi bật hơn những gì mỗi người dùng muốn xem, đồng thời lọc ra những loại nội dung không phù hợp nhằm hạn chế những tiềm ẩn có thể xảy ra.
YouTube cũng đã chia sẻ tổng quan này về cách các thuật toán đề xuất của nó đã phát triển theo thời gian.
- 2008: Ra mắt hệ thống đề xuất và xếp hạng video dựa trên sự phổ biến.
- 2011: Xây dựng hệ thống phân loại để xác định các video vi phạm và hạn chế nó từ các hệ thống đề xuất.
- 2012: Kết hợp thời gian xem vào hệ thống đề xuất để tăng cường tính cá nhân hoá và cải thiện chất lượng của hệ thống đề xuất.
- 2015: Giảm thứ hạng các nội dung giật gân, “lá cải” trên trang chủ.
- 2016: Dự báo khả năng rủi ro tiềm ẩn của các video và hạn chế nó từ hệ thống đề xuất.
- 2017: Sử dụng công nghệ máy học để bảo vệ sự công bằng cho các nhóm người ít được đại diện và cần được bảo vệ.
- 2019 đến nay: Sử dụng hơn 80 tỷ dấu hiệu để giúp mọi người kết nối với những video mà họ yêu thích.
Khi đánh giá các thước đo khác nhau từ góc độ marketing và hiệu suất, điều quan trọng bạn cần cân nhắc là phản ứng của các nhóm đối tượng mục tiêu và xây dựng những nội dung có thể thu hút người xem mục tiêu của bạn.
Bạn có thể đo lường điều này trong bảng phân tích YouTube của mình, và khi người dùng đăng ký trực tiếp kênh của bạn, bạn có thêm một số chỉ số chính yếu khác mà bạn có thể sử dụng để đánh giá hiệu suất và đảm bảo bạn đang cung cấp những video phù hợp sở thích của người xem.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Tra Nguyen