Công ty cổ phần Thương mại Dịch vụ Cổng Vàng (Golden Gate) vừa thông báo về các giao dịch chuyển nhượng cổ phần của người có liên quan dẫn đến thay đổi lớn về tỷ lệ sở hữu.
Theo đó, tổ chức Prosperity Food Concepts Pte. Ltd đăng ký bán hơn 2,5 triệu cổ phần nhằm thoái toàn bộ 32,9% vốn tại Golden Gate. Cổ đông này đang có 2 người nội bộ là thành viên HĐQT Thomas Lanyi và Rodrigues Carl Peter.
Ngoài ra, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Trần Việt Trung dự kiến bán 161.871 cổ phần (tương đương thoái 2,12% vốn Golden Gate) trong tổng số 337.891 cổ phần đang sở hữu.
Phó tổng giám đốc Nguyễn Xuân Tường sẽ bán 69.373 cổ phần (tương đương thoái 0,9% vốn Golden Gate) trong tổng số 304.115 cổ phần đang sở hữu.
Như vậy tổng khối lượng thoái vốn của 3 cổ đông trên vào khoảng 2,74 triệu cổ phần, tương ứng với với chuyển nhượng 35,95% vốn Golden Gate. Tất cả giao dịch sẽ được thực hiện bằng phương thức thỏa thuận từ 15/3 đến 13/4.
Ở chiều ngược lại, trước đó công ty thông báo miễn chào mua công khai số lượng lớn cho một nhóm nhà đầu tư Singapore bằng hình thức mua lại từ nhóm 3 cổ đông bên trên.
Cụ thể, Seletar Investments Pte Ltd (trực thuộc quỹ đầu tư Temasek Holdings của Chính phủ Singapore) dự kiến mua gần 1,54 triệu cổ phần phổ thông. Tiếp đến là Seatown Private Capital Master Fund muốn mua 768.431 cổ phần và Periwinkle Pte Ltd. sẽ mua 436.358 cổ phần Golden Gate.
Trước khi có giao dịch thỏa thuận lớn giữa nhóm 6 cổ đông bên trên thì công ty cũng ghi nhận một giao dịch khác.
Cuối năm 2021, Tổng giám đốc Đào Thế Vinh cũng đã chuyển nhượng 371.139 cổ phần (tương đương 4,86% vốn) để giảm sở hữu còn 390.458 cổ phần (tương ứng 5,115% vốn).
Golden Gate là doanh nghiệp được sáng lập vào năm 2005 bởi ba doanh nhân là ông Thế Vinh, Xuân Tường và Việt Hồng.
Khởi đầu chỉ với thương hiệu Ashima, đến nay Golden Gate đã trở thành chuỗi nhà hàng ẩm thực lớn nhất nước với hệ thống gồm hàng chục thương hiệu khác nhau như Ashima, Kichi Kichi, Gogi, Sumo BBQ, Hutong hay Vuvuzela…
Hệ thống nhà hàng này phát triển nhanh trước khi chịu áp lực suy giảm do đại dịch Covid-19. Giai đoạn trước năm 2018, công ty ghi nhận tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân đạt hơn 58%/năm và lợi nhuận tăng bình quân trên 42%/năm.
Năm 2019, quy mô công ty tiếp tục được mở rộng lên 350 cửa hàng trên toàn quốc với gần 30 thương hiệu. Doanh thu thuần hợp nhất 4.776 tỷ đồng, tăng 20% so với cùng kỳ và lợi nhuận sau thuế kỷ lục 321 tỷ đồng, tăng 19%.
Đại dịch Covid-19 đã bắt đầu ảnh hưởng đến toàn hệ thống này trong năm 2020 khi doanh thu sụt gần 5% về mức 4.559 tỷ đồng, lần đầu tăng trưởng âm trong hơn một thập kỷ qua. Chi phí hoạt động tăng mạnh khiến lợi nhuận sau thuế giảm mạnh 79% chỉ còn 65 tỷ đồng.
Đáng chú ý vào cuối năm 2021, Golden Gate thực hiện thương vụ phát hành 493,7 tỷ đồng trái phiếu kỳ hạn 3 năm với lãi suất cố định 11,5%/năm. Đây là trái phiếu không chuyển đổi, không kèm chứng quyền và có tài sản đảm bảo.
Tài sản đảm bảo là 573.372 cổ phần của Golden Gate. Theo chứng thư thẩm định giá do Công ty CP Định giá và Tư vấn Đầu tư Quốc tế ban hành ngày 30/8, giá trị một cổ phần Golden Gate là 1.953.359 đồng.
Tạm tính theo mức định giá trên, với tổng cộng hơn 7,6 triệu cổ phần đang lưu hành, Golden Gate được định giá ở mức 14.845 tỷ đồng (tương đương hơn 650 triệu USD).
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh