Skip to main content

Cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Hà Nội sẽ đóng cửa từ 1/7

24 Tháng Sáu, 2022

Theo thông báo từ Starbucks Vietnam, kể từ ngày 1/7/2022 sắp tới, cửa hàng Starbucks Lan Viên trên phố Hàng Bài (32 Hàng Bài, Quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) sẽ chính thức đóng cửa.

Starbucks hà nội đóng cửa
Cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Hà Nội sẽ đóng cửa từ 1/7

Khai trương vào cuối tháng 7/2014, Starbucks Lan Viên cũng chính là cơ sở đầu tiên của Starbucks tại Hà Nội, được mở sau hơn 1 năm Starbucks chính thức vào Việt Nam.

Nằm ở vị đắc địa thuộc quận trung tâm Hà Nội, Starbucks Lan Viên đã thu hút khá nhiều khách hàng đến quán, bao gồm cả khách du lịch.

“Khép lại những điều cũ để mở ra những hành trình mới là cách chúng ta chào tạm biệt Starbucks Lan Viên – cửa hàng Starbucks đầu tiên tại Hà Nội. Cửa hàng sẽ chính thức dừng hoạt động từ ngày 1/7/2022.

Advertisement

Starbucks cùng đội ngũ cộng sự cảm ơn bạn đã luôn yêu thương và dành thời gian thưởng thức cà phê tại cửa hàng trong suốt thời gian vừa qua.

Starbucks mong được gặp lại bạn ở các cửa hàng khác gần quanh như Starbucks Reserve Nhà Thờ hoặc Starbucks Pacific Place nhé”, thông báo của Starbucks Vietnam đề cập.

Khi thông báo này được đưa ra, nhiều tín đồ Starbucks đã bày tỏ cảm xúc tiếc nuối khi coi Starbucks Lan Viên là một phần lưu giữ những kỷ niệm.

Starbucks hà nội đóng cửa

Advertisement

“Starbucks Lan Viên là nơi đầu tiên mình đi uống ở Việt Nam luôn, không gian nhỏ nhưng rất yên tĩnh để làm việc và học bài.

Khi thấy đóng thì mình cũng buồn vì cũng có nhiều kỷ niệm nhưng dù sao mình mong Starbucks sẽ mở ra nhiều cửa hàng có không gian lớn hơn nữa”, một khách hàng chia sẻ.

Như vậy, Starbucks Lan Viên là cơ sở tiếp theo của Starbucks tại Việt Nam đóng cửa.

Trước đó, Starbucks đã đóng Starbucks Rex, chi nhánh nằm trong khách sạn Rex tại đường Nguyễn Huệ, quận 1, TP HCM vào 1/10/2021 và cuối năm đó, đóng thêm cửa hàng Starbucks Press Club, nằm tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội.

Advertisement

Điểm chung của 3 cơ sở này đều là những vị trí đắc địa của những thành phố lớn.

Có thể thấy, sau thời gian dài “chịu trận” trước làn sóng Covid-19, cộng thêm việc người dùng thắt chặt chi tiêu trong bối cảnh lạm phát tăng cao, ngay cả những ông lớn với tiềm lực tài chính dồi dào như Starbucks cũng phải thu gọn mô hình kinh doanh.

Những địa điểm có chi phi thuê đắt đỏ nhưng không đạt hiệu quả doanh thu sẽ là những địa điểm bị loại bỏ đầu tiên.

Bù lại, Starbucks đẩy mạnh bán online trên nền tảng giao hàng trực tuyến như ShopeeFood (Now cũ) hay Grab.

Advertisement

Starbucks cũng mở gian hàng trực tuyến trên sàn thương mại điện tử như Lazada hay Shopee để tập trung bán các sản phẩm đi kèm như cốc, bình đựng nước, túi vải,…

Mô hình của Starbucks đang hướng đến sự tinh gọn, mở thêm các cửa hàng nhỏ thay vì chỉ mở các cơ sở có mặt tiền đắc địa nhưng tốn kém.

“Chúng tôi có mở những cửa hàng nhỏ hơn, phục vụ khách hàng chỉ mua đi chứ không ngồi lại. Nhưng, định hình của Starbucks vẫn là không gian nơi khách hàng đến trải nghiệm, thưởng thức cùng gia đình và bạn bè.

Nguyên tắc đó sẽ không đổi”, Tổng Giám Đốc Starbucks Việt Nam, bà Patricia Marques, từng chia sẻ như vậy về chiến lược của Starbucks trong năm 2022.

Advertisement

Theo thông tin cập nhật vào tháng 1/2022, Starbucks có 77 cửa hàng trên cả nước, con số này của The Coffee House là 146, Highlands là 462 và Trung Nguyên là 89.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh 

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Chiến lược mới của Starbucks tại thị trường Trung Quốc

21 Tháng Mười Một, 2024
Trước đó, McDonald’s và Yum! cũng đã bán cổ phần cho các công ty tư nhân tại Trung Quốc để …

Đọc nhiều

McKinsey: Các xu hướng tiêu dùng chính tại Việt Nam năm 2024

28 Tháng Mười Hai, 2023
Từ sự gia tăng trải nghiệm đa kênh cho đến các hoạt động bền vững, là những bước phát triển quan …
Advertisement

Advertisement