Nhằm đảm bảo dữ liệu của Mỹ an toàn, toàn bộ cơ quan liên bang phải xóa bỏ TikTok khỏi điện thoại và hệ thống, chặn đường truyền Internet đến ứng dụng này, giám đốc Văn phòng Quản lý và Ngân sách (OMB) Shalanda Young cho biết trong bản ghi nhớ ngày 27/2.
Lệnh cấm không áp dụng với các hoạt động nghiên cứu an ninh, hành pháp, an ninh quốc gia nhưng cần được người đứng đầu cơ quan phê chuẩn. Các doanh nghiệp không liên quan đến chính phủ Mỹ và người dân không bị ảnh hưởng.
Giám đốc Bảo mật thông tin liên bang Chris DeRusha cho biết động thái “nằm trong cam kết của Washington về bảo vệ hạ tầng số cũng như sự riêng tư, an ninh cho người dân Mỹ”.
Theo OMB, đây là “bước đi quan trọng để ứng phó các nguy cơ từ ứng dụng đối với dữ liệu nhạy cảm của chính phủ”. Một số cơ quan liên bang như Bộ Quốc phòng, Bộ An ninh Nội địa Mỹ đã áp dụng hạn chế với TikTok từ lâu.
TikTok chưa bình luận về bản ghi nhớ của OMB. ByteDance, công ty sở hữu TikTok, nhiều lần bác bỏ sử dụng ứng dụng để theo dõi người dân Mỹ và cho rằng các nội dung sai lệch khiến lo ngại gia tăng.
Quốc hội Mỹ hồi tháng 12/2022 thông qua dự luật cấm nhân viên liên bang sử dụng TikTok trên các thiết bị của chính phủ. Ủy ban Đối ngoại Hạ viện Mỹ hôm nay sẽ bỏ phiếu về một dự luật cho phép Tổng thống Joe Biden có quyền cấm TikTok trên mọi thiết bị ở Mỹ.
“Dự luật cho phép chính quyền Tổng thống Biden cấm TikTok hoặc bất kỳ ứng dụng nào đe dọa an ninh quốc gia”, Hạ nghị sĩ Mike McCaul, chủ tịch ủy ban, nói. “Bất cứ ai tải ứng dụng TikTok về thiết bị đều đồng nghĩa đã mở ‘cửa hậu’ tiếp cận thông tin cá nhân của họ”.
Liên minh Tự do Dân sự Mỹ (ALCU) phản đối, kêu gọi quốc hội Mỹ không cấm ứng dụng TikTok bởi điều này ảnh hưởng đến quyền của hàng triệu người theo Tu chính án Thứ nhất về tự do tôn giáo, tự do ngôn luận và tự do báo chí.
“Thật đáng tiếc nếu Ủy ban Đối ngoại Hạ viện muốn kiểm duyệt hàng triệu người Mỹ, hành động không dựa trên thông tin thực tế mà dựa vào sự hiểu lầm về cấu trúc doanh nghiệp của chúng tôi”, TikTok ngày 27/2 phản ứng về cuộc bỏ phiếu, thêm rằng họ đã chi hơn 1,5 tỷ USD cho các nỗ lực bảo vệ dữ liệu.
TikTok đang đối mặt với sự giám sát ngày càng tăng của phương Tây trong những tháng gần đây vì lo ngại Bắc Kinh có thể thu thập dữ liệu người dùng.
Canada ngày 27/2 ban lệnh cấm sử dụng mạng xã hội TikTok trên các thiết bị của chính phủ, cho rằng ứng dụng tạo ra rủi ro ở cấp độ “không thể chấp nhận được” đến sự riêng tư và an ninh. Hội đồng châu Âu và Ủy ban châu Âu tuần trước cũng cấm nhân viên hai cơ quan này cài đặt TikTok trên điện thoại sử dụng cho mục đích công việc vì lý do tương tự.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer