Skip to main content

Lợi nhuận của Samsung chạm đáy 14 năm

7 Tháng Tư, 2023

Kết quả kinh doanh quý I năm 2023 của Samsung có thể khiến nhiều nhà đầu tư “choáng váng” với lợi nhuận dự kiến giảm xuống mức thấp nhất 14 năm kể từ năm 2009.

Lợi nhuận của Samsung chạm đáy 14 năm
Lợi nhuận của Samsung chạm đáy 14 năm

Samsung Electronics dự kiến công bố kết quả sơ bộ quý đầu tiên của năm 2023 vào ngày 7/4 và kết quả đầy đủ vào cuối tháng 4. Tuy nhiên, tình hình có vẻ không mấy khả quan với tập đoàn này, vì quý I thường là mùa thấp điểm đối với thị trường chip, Reuters đưa tin.

“Mảng công nghiệp bán dẫn của Samsung dự kiến sẽ chịu lỗ lớn trong quý I/2023. Cùng với đó, các mảng kinh doanh khác cũng hoạt động kém hiệu quả”, ông Kim Un-ho, nhà phân tích tại IBK Investment & Securities cho biết.

Theo công ty cung cấp dữ liệu tài chính Refinitive, lợi nhuận hoạt động quý I của “gã khổng lồ” Hàn Quốc có thể giảm xuống còn 1,08 nghìn tỷ won (hơn 820 triệu USD) trong quý I, giảm hơn 92% so với cùng kỳ năm 2022.

Advertisement

Đây cũng là kết quả kinh doanh thấp nhất của Samsung kể từ năm 2009, khi lợi nhuận quý I của công ty ở mức khoảng 590 tỷ won do nhu cầu từ các trung tâm dữ liệu và nhà sản xuất máy tính chậm lại trong bối cảnh kinh tế toàn cầu suy thoái, kéo theo tỉ lệ chip tồn kho ngày càng cao.

Công ty theo dõi dữ liệu Hàn Quốc FnGuide thậm chí còn ước tính lợi nhuận hoạt động quý I/2023 của Samsung giảm tới 94,62% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 759,7 tỷ won.

Trong khi mảng kinh doanh điện thoại di động vẫn thuận buồm xuôi gió, đơn vị bán dẫn của Samsung lại có khả năng chịu khoản lỗ hàng quý hơn 3 nghìn tỷ won.

“Giá chip bộ nhớ DRAM và NAND đã giảm đáng kể trong quý I, khiến định giá hàng tồn kho giảm theo. Vấn đề này có thể khiến mảng kinh doanh chất bán dẫn của Samsung tiếp tục chịu lỗ một thời gian nữa”, ông Kim Un-ho nhận định.

Advertisement

Giá chip bộ nhớ DRAM (được sử dụng trong điện thoại thông minh, PC và server lưu trữ) đã giảm khoảng 20%, trong khi giá chip flash NAND (sử dụng cho các kho lưu trữ dữ liệu) giảm khoảng 10-15% trong quý I, theo dữ liệu của công ty nghiên cứu thị trường TrendForce.

Khách hàng của Samsung cũng đang hạn chế mua chip mới để tận dụng hết nguồn hàng tồn kho, bởi nhu cầu về thiết bị công nghệ vẫn chậm trong bối cảnh lạm phát gia tăng. Họ cũng thận trọng hơn trong việc thực hiện các khoản đầu tư mới khi lãi suất tăng cao.

Ngành bán dẫn dự kiến sẽ tiếp tục ảm đạm từ nay đến nửa cuối năm 2023, do đó, các đối thủ của Samsung như Micron (Mỹ) và SK Hynix (Hàn Quốc) đã bắt đầu cắt giảm các kế hoạch đầu tư.

Trong khi đó, Samsung lại làm điều ngược lại. Hồi tháng 2, Samsung cho biết họ có kế hoạch vay 20.000 tỷ won từ công ty con Samsung Display để đảm bảo chi phí hoạt động ngành bán dẫn đến tháng 8/2025.

Advertisement

Tập đoàn công nghệ này đang tận dụng cơ hội để mở rộng thị phần và đón đầu sự phục hồi của thị trường, theo các nhà phân tích. Tính đến năm 2022, Samsung vẫn là nhà sản xuất chip nhớ, TV và điện thoại thông minh lớn nhất thế giới.

Nguyễn Tuyết (Theo Reuters, Pulse News)

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | MarketingTrips 

Advertisement

Bài viết liên quan

Nổi bật

Advertisement