Skip to main content

Bộ trưởng Công Thương trả lời về việc có hay không livestream bán hàng thu trăm tỷ

6 Tháng Sáu, 2024

Khi bị hỏi “cá nhân livestream thu về cả trăm tỷ đồng mỗi ngày là thật hay ảo”, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên không trả lời thẳng mà thừa nhận “khó quản”.

Vấn đề thương mại điện tử xuất hiện nhiều vi phạm, hiện tượng cá nhân bán hàng livestream khó quản lý được nhiều đại biểu chất vấn Bộ trưởng Công Thương Nguyễn Hồng Diên, chiều 4/6.\

Ông Đỗ Chí Nghĩa, Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội, đề cập thời gian qua mạng xã hội xôn xao những cuộc livestream bán hàng trên các ứng dụng, doanh thu đạt cả trăm tỷ một ngày. “Bộ trưởng có cho rằng những thông tin quảng bá đó có đúng hay không? Với hình thức kinh doanh thương mại điện tử, cần phải làm thế nào để quản lý được chất lượng của các sản phẩm theo hình thức kinh doanh này?”, ông hỏi loạt câu hỏi với Bộ trưởng Công Thương.

Trả lời sau đó, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên nói sẽ đẩy mạnh kết nối, chia sẻ dữ liệu giữa các bộ ngành và các địa phương và đưa ra cơ chế giám sát đầu tư nước ngoài trong thương mại điện tử. Song, phần trả lời này của ông Diên không đề cập trực tiếp tới câu hỏi của đại biểu Nghĩa.

Không hài lòng, ông Tạ Văn Hạ (Phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội) tranh luận. Ông nêu thực tế về việc chưa có chế tài xử lý người bán hay sàn thương mại điện tử khi xảy ra tình trạng hàng giả, nhái. Ông đề nghị Bộ trưởng Công thương đưa ra giải pháp khắc phục tình trạng này để bảo vệ người tiêu dùng.

Trả lời, Bộ trưởng Diên thừa nhận “thực sự khó khăn trong quản lý bán hàng online, livestream”. Theo ông, trách nhiệm quản lý này không chỉ của ngành Công Thương mà cần sự phối hợp của các bộ, ngành liên quan như thông tin truyền thông, tài chính.

Giải pháp tốt nhất, ông Diên nói là phải có sự phối hợp giữa các cơ quan. Trong đó, lực lượng quản lý thị trường sẽ tập trung đấu tranh làm rõ sai phạm của người bán hàng online. Trường hợp chứng minh được vi phạm của người bán online, livestream…, ngành chức năng sẽ xóa vĩnh viễn các trang kinh doanh online. Việc này sẽ giúp từng bước giảm vi phạm pháp luật trong bán hàng online.

Đại biểu Đỗ Chí Nghĩa cũng tranh luận. Ông đề nghị Bộ trưởng Công thương Nguyễn Hồng Diên làm rõ về “hiện tượng livestream”.

Theo ông Nghĩa, gần đây xuất hiện việc livestream bán hàng trên mạng xã hội có doanh thu cả trăm tỷ đồng mỗi ngày. Ông đề nghị Bộ trưởng Diên trả lời về tính xác thực của thông tin này và nếu đúng, Bộ Công Thương hãy nêu về biện pháp quản lý hình thức thương mại điện tử (eCommerce).

Hơn nữa, ông Nghĩa thấy giá bán ở các phiên livestream thường thấp hơn giá đại lý rất nhiều, “gây bất ổn thị trường”. Ông đề nghị Bộ trưởng Diên nêu nhận định về vấn đề này cùng cách xử lý và có học hỏi kinh nghiệm của nước nào trên thế giới để giải quyết triệt để hay không.

Phần trả lời của Bộ trưởng Diên sau đó có đề cập về livestream nhưng lại không trả lời thẳng “bán hàng doanh thu trăm tỷ là thật hay ảo”. Do đó, đại biểu Nghĩa giơ biển xin tranh luận.

“Tôi đề nghị Bộ trưởng trả lời thẳng vào câu hỏi là các livestream vừa rồi Bộ biết không, thật hay ảo và biện pháp bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng như thế nào”, ông Nghĩa nói.

Đại biểu Nghĩa cho rằng ông Diên chỉ tập trung nói về các sàn thương mại điện tử thì “rất dễ vì đã có định danh”. Cái đáng lo, theo ông, là quản lý các cá nhân bán hàng bởi mỗi phiên livestream họ thu về cả trăm tỷ đồng. Nếu như đi theo giải pháp ông Diên đưa ra là xóa các trang, ông Nghĩa nói “cũng không giải quyết được vì lập lại trang mới rất dễ”.

“Cứ theo đuổi không đúng hướng như vậy sẽ khó giải quyết dứt điểm vấn đề, cơ quan quản lý có thể còn vất vả dài. Hậu quả thì người tiêu dùng lãnh đủ, thuế thì thất thu”, ông Nghĩa bình luận.

Đáp lại chất vấn của đại biểu Nghĩa, Bộ trưởng Nguyễn Hồng Diên vẫn không trả lời thẳng vào câu hỏi mà nhắc lại “cần phối kết hợp với lực lượng chức năng, tăng cường công tác truyền thông để nâng cao nhận thức của người dân”.

Chia sẻ với các đại biểu Quốc hội, ông Diên cũng cho biết Việt Nam đang đối mặt với 3 thách thức trong thương mại điện tử. Trong đó, người tiêu dùng đối mặt với mất an toàn dữ liệu cá nhân. Hàng giả, hàng kém, chất lượng… đổ bộ, ảnh hưởng tới doanh nghiệp sản xuất, tiêu dùng. Cùng đó, tỷ lệ thất thu thuế trên thương mại điện tử còn lớn.

Hình thức bán hàng qua livestream, đặc biệt trên các sàn giao dịch thương mại điện tử ngày càng trở nên phổ biến. Theo dự báo của công ty tư vấn McKinsey & Company, mua sắm trực tiếp qua livestream có tiềm năng thúc đẩy tới 20% tổng doanh số bán hàng thương mại điện tử vào đầu năm 2026.

Thực tế, hoạt động này mang lại doanh thu lớn cho người bán và cả người được thuê livestream. Theo Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây là một nguồn thu nhập chịu thuế. Do đó, cá nhân có thu nhập từ 100 triệu đồng một năm trở lên phải kê khai nộp loại thuế này.

Thứ trưởng Nguyễn Đức Chi tại họp báo Chính phủ thường kỳ chiều 1/6 cũng cho rằng, người livestream bán hàng trên mạng có thể phát sinh doanh thu, thu nhập. Bởi thế họ sẽ phải kê khai, nộp thuế thu nhập cá nhân.

Hiện, tốc độ phát triển thương mại điện tử bình quân khoảng 20-25% một năm, quy mô thị trường này khoảng 21 tỷ USD.\

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VnExpress

Bài viết liên quan