Skip to main content

Doanh nghiệp Việt ứng phó ra sao trước làn sóng thương mại điện tử giá rẻ của Trung Quốc

15 Tháng Mười, 2024

Doanh nghiệp Việt cần nâng cao chất lượng sản phẩm và giá cả cạnh tranh để tăng sức chống chịu trước sự đổ bộ của các nền tảng thương mại điện tử Trung Quốc.

Đơn hàng từ nước ngoài chiếm 80% doanh thu hàng tháng của Poong Craft qua gian hàng trực tuyến Shopee. Chủ gian hàng, chị Trần Thị Tuyết Hoa nói nhờ thương mại điện tử, những bông hoa đan móc thủ công của chị đã được xuất khẩu sang Singapore, Malaysia và Đài Loan (Trung Quốc).

Theo Tech in Asia, nhờ các nền tảng thương mại điện tử lớn như Shopee và Lazada, những rào cản gia nhập cho người bán ở Đông Nam Á đã được giảm bớt. Điều này giúp các doanh nghiệp nhỏ trong khu vực mở rộng ra thị trường quốc tế.

Tuy nhiên, điều Hoa luôn lo ngại là sự cạnh tranh từ các sản phẩm Trung Quốc tương tự. “Chúng thường có giá thấp hơn rất nhiều, đôi khi chỉ bằng một nửa giá sản phẩm của tôi”, Hoa nói.

Advertisement

Báo cáo của Deloitte năm nay cho thấy, các nhà bán hàng trực tuyến xuyên biên giới trên toàn cầu đang coi các thị trường mới nổi như “mỏ vàng” mới, và Đông Nam Á là một trong những mục tiêu chính.

“Mỏ vàng” bị bỏ lỡ

Dù vậy, các chuyên gia trong ngành cho rằng, những người bán hàng ở Đông Nam Á khi vươn ra thị trường quốc tế vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Các thách thức này bao gồm sự cạnh tranh gay gắt với Trung Quốc, quy định nghiêm ngặt từ các nước khác, chi phí vận hành tăng cao và các yêu cầu ngày càng khắt khe từ các nền tảng.

Theo Deloitte, 38,5% doanh nghiệp thương mại điện tử xuyên biên giới của Trung Quốc đã thâm nhập thị trường Đông Nam Á, trong đó có các tên tuổi lớn như TikTok Shop, Shein và Temu.

Những nền tảng lớn này, cùng với Shopee và Lazada, thường áp dụng mô hình quản lý toàn diện để hỗ trợ người bán trong các khâu như vận chuyển, thông quan và thanh toán.

Advertisement

“Phương pháp này giúp giảm thiểu rủi ro vận hành, cho phép người bán mở rộng quốc tế mà không cần lập văn phòng nước ngoài hay quản lý chuỗi cung ứng phức tạp,” Zhou Junjie, Giám đốc Thương mại Shopee, cho biết.

Shopee lần đầu tiên ra mắt nền tảng dành cho các nhà bán hàng xuyên biên giới tại Đông Nam Á vào năm 2019. Nền tảng này bắt đầu từ Malaysia và sau đó mở rộng sang Indonesia, Việt Nam, Thái Lan và Philippines.

Riêng tại Việt Nam, nền tảng này đã thúc đẩy doanh số bán hàng quốc tế tăng gấp 8 lần kể từ năm 2022, với hơn 350.000 doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) cùng 1.000 thương hiệu trong nước tiếp cận các thị trường ASEAN thông qua Shopee.

Từ tháng 8, nền tảng mua sắm Taobao của Trung Quốc đã cung cấp dịch vụ vận chuyển quốc tế miễn phí đối với các đơn hàng quần áo cho người mua sắm tại Singapore, Malaysia, Hàn Quốc, Đài Loan, Hong Kong và Macau. Chương trình này cũng bao gồm chi phí trả hàng và hướng dẫn các mặt hàng trả về kho toàn cầu của Taobao, giúp giảm thiểu rủi ro cho các nhà bán hàng xuyên biên giới.

Advertisement

Trong khi đó, các doanh nghiệp Đông Nam Á cũng đang mở rộng sự hiện diện trong khu vực. Crosify, một công ty Việt Nam chuyên sản xuất các sản phẩm gỗ bán tại Mỹ, Canada và Australia, có kế hoạch đưa thương hiệu đồ chơi giáo dục Kalotoys trở lại Việt Nam và mở rộng sang Malaysia và Thái Lan trong vài năm tới.

“Tôi tin rằng Đông Nam Á sẽ là trung tâm tăng trưởng toàn cầu trong 10 năm tới nhờ cơ cấu dân số trẻ, thu nhập khả dụng tăng và tiềm năng tăng trưởng kinh tế đáng kể”, ông Đồng Đức Thành, đồng sáng lập Crosify, chia sẻ. “Việc thiếu vắng các thương hiệu lớn trong lĩnh vực đồ chơi giáo dục cũng tạo ra cơ hội tốt để chúng tôi xâm nhập và xây dựng độ nhận diện cao trong thị trường này”.

Giống như ông Thành, 68% lãnh đạo doanh nghiệp cũng xác định Đông Nam Á là khu vực có tiềm năng tăng trưởng triển vọng nhất, theo một cuộc khảo sát khác được thực hiện bởi dịch vụ vận chuyển FedEx Express.

“Niềm lạc quan này được thúc đẩy bởi các hiệp định thương mại khu vực và song phương ngày càng gia tăng, mở ra những cơ hội mới cho các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong thương mại xuyên biên giới,” bà Kawal Preet, Chủ tịch khu vực châu Á – Thái Bình Dương của FedEx, nhận định.

Advertisement

Mải mê với Âu – Mỹ

Mặc dù Đông Nam Á mang lại nhiều cơ hội, các nhà bán hàng và nhà sản xuất trong khu vực vẫn có xu hướng tập trung vào các thị trường thương mại điện tử lớn tại Bắc Mỹ, châu Âu và Đông Á.

Ông Thành cho biết, trong vòng 5 năm tới, trọng tâm phát triển và nguồn thu chính của công ty vẫn sẽ là từ thị trường Mỹ, vì thị trường thương mại điện tử ở Đông Nam Á vẫn chưa phát triển đến mức độ tương tự.

Theo ước tính của eMarketer vào năm 2023, mặc dù dẫn đầu thế giới về tăng trưởng bán lẻ và thương mại điện tử, Đông Nam Á chỉ đạt mức thâm nhập thương mại điện tử khoảng 10%, so với mức trung bình toàn cầu là 18,9% vào năm 2022.

Ông Roy Wan, Nhà sáng lập kiêm CEO Return Helper – một công ty cung cấp dịch vụ hậu cần và quản lý hàng trả trên toàn cầu, cho biết, các nhà bán hàng Đông Nam Á có thể dễ dàng bán hàng trong khu vực hơn. Tuy nhiên, “họ vẫn muốn nhắm đến thị trường Mỹ hoặc Trung Quốc” vì đây là những thị trường lớn hơn.

Advertisement

Ông cũng nhận xét rằng các thương hiệu Đông Nam Á thường gặp khó khăn với chi phí vận chuyển cao và thời gian giao hàng dài khi phục vụ khách hàng ở phương Tây. Trong khi đó, các đối thủ Trung Quốc có lợi thế nhờ hệ thống logistics hiệu quả, giúp giao hàng đến Mỹ nhanh hơn gấp ba lần so với các công ty từ Thái Lan hoặc Malaysia.

Nhiều nhà bán hàng trong khu vực vì vậy đã chọn cách nhập hàng từ Trung Quốc, đặt sản xuất tại đây và gửi trực tiếp đến khách hàng quốc tế, không cần vận chuyển hàng về nước.

Mối đe doạ lớn dần

Ông Damien Yeo, chuyên gia phân tích từ BMI thuộc Fitch Solutions, giải thích: “Hiện nay không có trung tâm sản xuất nào khác có thể cung cấp mức độ quy mô và chất lượng như Trung Quốc, từ giá cả, chất lượng đến sự đa dạng sản phẩm.”

Ông Li Jianggan, CEO Momentum Works nhận định rằng Đông Nam Á đã trở thành điểm đến lý tưởng cho hàng tiêu dùng Trung Quốc nhờ vào khoảng cách gần.

Advertisement

Thương mại điện tử đã giúp tăng trưởng xuất khẩu của Trung Quốc, với các nền tảng như Shein, AliExpress, TikTok Shop và Temu đang mở rộng mạnh mẽ trên toàn cầu. Theo hải quan Trung Quốc, giá trị xuất nhập khẩu qua các nền tảng kỹ thuật số của nước này đạt 2.400 tỷ nhân dân tệ (khoảng 339 tỷ USD) trong năm 2023, tăng 15,6% so với năm trước.

Một khảo sát của Statista thực hiện tại 41 quốc gia trong năm 2023 cho thấy, 37% người tiêu dùng chọn các trang thương mại điện tử của Trung Quốc khi mua sắm trực tuyến từ nước ngoài. Trung Quốc cũng được xem là thị trường hàng đầu trong các giao dịch mua sắm xuyên biên giới tại các nền kinh tế lớn như Mỹ, Anh và Nhật Bản.

Ông Li cũng chia sẻ rằng các nhà bán hàng Trung Quốc có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc bán các sản phẩm tiêu dùng tiêu chuẩn hóa cho thị trường phương Tây. Trong khi đó, các doanh nghiệp Đông Nam Á lại có lợi thế trong việc bán các sản phẩm ngách, dù hệ thống hỗ trợ của họ còn hạn chế.

Hướng đi cho nhà bán Việt

Tuy nhiên, lợi thế của Trung Quốc có thể gặp rủi ro nếu các mức thuế nhập khẩu bổ sung và các chính sách trả đũa khác được áp dụng trong bối cảnh căng thẳng thương mại kéo dài.

Advertisement

Nhiều quốc gia trên thế giới, bao gồm cả các nước Đông Nam Á, đang áp dụng hoặc cân nhắc áp thêm thuế đối với các mặt hàng nhập khẩu có giá trị nhỏ, như các đơn hàng từ thương mại điện tử. Biện pháp này chủ yếu nhằm giảm bớt sự xâm nhập của các sản phẩm kém chất lượng từ Trung Quốc và đảm bảo sự cạnh tranh công bằng giữa các nhà bán lẻ trực tuyến.

Ông Li nhận xét: “Đây là một xu hướng tích cực khi các nhà hoạch định chính sách đang hướng tới những quyết định chủ động và cân bằng hơn, thay vì phản ứng đơn thuần theo xu hướng”. Ông kỳ vọng các cơ quan chức năng sẽ dành thời gian để hiểu rõ hơn về sự vận hành của các phân khúc thị trường khác nhau và đưa ra các quyết định phù hợp hơn.

Ông nói thêm: “Điều này sẽ giúp người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn với các mức giá khác nhau, đồng thời giúp các ngành công nghiệp trong nước trở nên cạnh tranh hơn, cả trong nước và trên thị trường quốc tế”.

Trong khi đó ông Thành – CEO Crosify, nhận thấy cần phải đầu tư thêm vào nghiên cứu, phát triển, kiểm tra và tùy chỉnh sản phẩm để có thể cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc, nơi có nhiều nhà sản xuất đồ chơi.

Advertisement

Ông tin rằng lợi thế của Crosify nằm ở khả năng tạo ra các sản phẩm chất lượng với giá hợp lý nhờ vào lực lượng lao động có tay nghề cao và chi phí sản xuất thủ công thấp hơn tại Việt Nam.

“Nhiệm vụ của chúng tôi không phải là thay thế Trung Quốc trong việc sản xuất hàng hóa kém chất lượng. Giống như Nhật Bản và Hàn Quốc, chúng tôi phải hướng tới việc phát triển các sản phẩm ‘Made in Vietnam’ với chất lượng cao và giá cả cạnh tranh”, ông Thành nhấn mạnh.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Advertisement

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Chiến lược mới của Starbucks tại thị trường Trung Quốc

21 Tháng Mười Một, 2024
Trước đó, McDonald’s và Yum! cũng đã bán cổ phần cho các công ty tư nhân tại Trung Quốc để …

Đọc nhiều

McKinsey: Các xu hướng tiêu dùng chính tại Việt Nam năm 2024

28 Tháng Mười Hai, 2023
Từ sự gia tăng trải nghiệm đa kênh cho đến các hoạt động bền vững, là những bước phát triển quan …
Advertisement