Apple – Quảng cáo quá đà và truyền thông điệp tiêu cực
Dường như Apple đang thổi phồng các rủi ro về sức khỏe, tạo tâm lý lo lắng, khiến người dùng thấy rằng Apple Watch là thiết bị không thể thiếu trong cuộc sống.
Bài viết thể hiện quan điểm của tác giả Rado Slavov đăng trên Phone Arena.
Có thể kiếm lợi nhuận bằng cách làm mọi người sợ hãi để bán thiết bị y tế hoặc dược phẩm hay không? Đây là câu hỏi tôi tự đặt ra mấy ngày qua.
Sau khi Apple công bố Watch Series 6 và Watch SE vào tuần trước, đột nhiên một suy nghĩ thú vị xuất hiện trong đầu tôi: có phải Apple bắt đầu sa đà vào chiến thuật hù dọa nhằm bán được càng nhiều đồng hồ càng tốt?
Quảng cáo quá đà
Thành thật mà nói, miễn là các nguyên tắc đạo đức cơ bản không bị vi phạm, chiến lược kinh doanh sẽ có xu hướng nghiêng về những lĩnh vực hứa hẹn lợi nhuận cao nhất.
Tuy nhiên, mỗi công ty có triết lý và bản sắc riêng, chúng làm nên giá trị cốt lõi, đồng thời tạo dựng các nguyên tắc đạo đức cơ bản của doanh nghiệp.
Chẳng hạn, đó có thể là phong cách thiết kế đặc trưng, xuyên suốt trong mọi sản phẩm. Họ không bao giờ bán ra một sản phẩm không tuân thủ nguyên tắc. Điều này tạo nên sự khác biệt giữa doanh nghiệp với các đối thủ trên thị trường.
Hoặc công ty nào đó hoạt động với phương châm “không tạo ra căng thẳng không cần thiết cho mọi người”.
Nếu Apple quan tâm đến nguyên tắc như vậy thì họ đã không đưa ra một số quảng cáo quá đà, kể về những người trải qua khủng hoảng sức khỏe nghiêm trọng nhưng được cứu sống kịp thời nhờ cảnh báo sớm của Apple Watch.
Đừng hiểu sai ý tôi, nếu những câu chuyện này có thật thì sản phẩm của Apple quá tuyệt vời. Tôi không bao giờ tìm cách hạ thấp giá trị của việc đó.
Nhưng câu hỏi đặt ra là: bạn gửi thông điệp gì đến thế giới này khi hướng sự chú ý vào vài trường hợp hiếm hoi, chẳng hạn như người đàn ông 26 tuổi được đưa đến bệnh viện sau khi Watch thông báo nhịp tim cao bất thường?
Đây rõ ràng là tình trạng cực kỳ nghiêm trọng, nhưng cũng rất hiếm khi xảy ra.
Truyền thông điệp tiêu cực.
Vậy, thông điệp ở đây là gì? Apple cho rằng mọi người đang gặp nguy hiểm, luôn có điều bất ổn âm thầm bên trong cơ thể nhưng khó nhận ra? Hay họ muốn nói “bạn có thể chết bất cứ lúc nào, ngay cả khi đang ở độ tuổi 20”. Đây không phải là thông tin tích cực đối với tôi.
Hoặc thông điệp đầy đủ được hiểu như: “Bạn nghĩ rằng mình còn trẻ và khỏe mạnh, nhưng không thể biết trước điều gì xảy ra – nhìn vào những chuyện đó kìa; vì vậy, hãy mua chiếc đồng hồ này, nó sẽ giúp bạn sống sót trong thế giới nguy hiểm”. Và như thế, vấn đề bị thổi phồng, khiến mọi người lo lắng.
Câu hỏi đặt ra là, từ khi nào đã xuất hiện các quảng cáo mang tính chất hù dọa, khiến cho tác dụng của thiết bị được phóng đại so với thực tế?
Trong kinh doanh, có nhiều trường hợp marketing mang tính chất tương tự như vậy. Tuy nhiên, khi chúng ta chuyển sang lĩnh vực y tế và sức khỏe, mọi thứ cần được xử lý cẩn thận và tốt hơn nữa là áp dụng bổ sung các quy tắc đạo đức.
Đây không còn là việc bán máy tính. Nó làm rối loạn cảm xúc, gia tăng nỗi sợ hãi và lo lắng của con người. Thế giới này đã có đủ căng thẳng rồi, không cần phải thêm nữa.
Một tính năng tốt trong lĩnh vực điện tử tiêu dùng thông thường có thể dễ dàng được coi là yếu tố quyết định sự sống chết trong thế giới chăm sóc sức khỏe. Người dùng tin tưởng vào điều đó, ngay cả khi chưa có tác dụng thực tế.
Bởi vì tâm lý chung của chúng ta thường nghĩ “mọi thứ đều có thể xảy ra”, hoặc “nếu điều đó xảy ra thì sao?”. Tốt hơn là được an toàn, phải không?
Câu hỏi “Điều gì xảy ra nếu…” hữu ích trong cuộc sống, nhưng khi đối mặt với các tình huống có xác suất cực thấp, việc liên tục đặt ra vấn đề này có thể gây tâm lý hoang tưởng về bệnh tật.
Như đã đề cập ở trên, tôi không nghĩ rằng có một câu trả lời hoặc giải pháp rõ ràng cho những câu hỏi này. Nhưng cần xem xét lại cách các công ty tiếp thị sản phẩm có tác dụng chăm sóc sức khỏe, mà Apple Watch là ví dụ điển hình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Cathy Nhung | MarketingTrips