Trong việc một “TikToker” đăng video bị đánh giá là “truyền bá mê tín dị đoan”, chủ kênh cho biết một trong những lý do khiến cô đăng video này lên TikTok là nền tảng này dành cho độ tuổi trên 13.
Trong điều khoản sử dụng, TikTok cũng ghi rõ: “Dịch vụ chỉ dành cho người từ đủ 13 tuổi trở lên”. Tuy nhiên, không cần phải chứng minh đủ 13 tuổi, người dùng vẫn có thể xem được các video đăng công khai trên nền tảng này.
Trang TikTok.com hiển thị toàn bộ nội dung công khai của người dùng trên toàn thế giới.
Người không có tài khoản sẽ bị hạn chế một số tính năng, như bấm nút Yêu thích, xem bình luận hay lưu video. Các tác vụ vẫn thực hiện được là tìm kiếm video, tìm kiếm người dùng, xem video, chia sẻ video.
Cơ chế này khiến TikTok bị đánh giá là “dễ” hơn cả Douyin – phiên bản TikTok được ByteDance phát triển riêng cho thị trường Trung Quốc.
Tuy nhiên, khác với TikTok, người Trung Quốc buộc phải tải ứng dụng Douyin về để sử dụng, không thể truy cập thông qua trình duyệt web.
TikTok không gắn nhãn nội dung hạn chế trẻ em.
Trên một số nền tảng video lớn khác, như YouTube, khi tải video lên, người dùng sẽ được yêu cầu khai báo nội dung có dành cho trẻ em không.
Nếu có, hệ thống sẽ thiết lập giới hạn, để chỉ những người trên 18 tuổi mới có thể xem được. TikTok hiện chưa có tùy chọn này, mà chỉ dừng lại ở việc phân loại video công khai, riêng tư, hoặc chế độ bạn bè.
Một yếu tố khác khiến các chuyên gia lo ngại là việc khai gian tuổi của người dùng.
Dữ liệu nội bộ của TikTok từng được trang The New Yorks Times phát hiện cho thấy khoảng 1/3 trong số 49 triệu người dùng nền tảng này tại Mỹ dưới 14 tuổi, trong khi độ tuổi tối thiểu để dùng TikTok là 13.
“Mối lo ngại đến từ việc những người dưới 13 tuổi có thể nói dối để vượt qua giới hạn độ tuổi, trong khi nền tảng này lại không yêu cầu sự đồng ý từ người giám hộ”, trang này viết.
Thách thức về việc kiểm soát độ tuổi người xem là điều mà hầu hết nền tảng mạng xã hội, như TikTok, YouTube, đều gặp phải.
Theo chuyên gia công nghệ Phạm Hồng Phước, các mạng xã hội này phải liên tục cập nhật các chính sách và áp dụng cơ chế kiểm tra nội dung để đảm bảo sự an toàn cho nền tảng và cho người dùng.
Chẳng hạn, YouTube có chính sách dán nhãn video để kiểm soát chặt hơn các video cho trẻ em, đồng thời người dùng có quyền báo cáo video nguy hiểm để YouTube xử lý.
TikTok mới đây đã cập nhật thêm nhiều điều khoản bảo vệ người dùng nhỏ tuổi. Chẳng hạn, Family Pairing cho phép kết nối các tài khoản trong gia đình, để phụ huynh có thể quản lý việc sử dụng TikTok của trẻ em.
Các tài khoản TikTok từ 13 đến 15 tuổi sẽ được đặt mặc định ở chế độ riêng tư và tắt tính năng đề xuất, livestream cũng như nhận tin nhắn.
“Tuy nhiên, phụ huynh cũng không nên phó mặc việc kiểm soát cho nền tảng, hay tin tưởng vào những kênh mang danh thiếu nhi.
Thiếu nhi mỗi nước không giống nhau, người làm nội dung cho trẻ em cũng chẳng ai như ai. Vậy nên, phụ huynh cần phải để mắt, canh chừng trẻ khi giải trí trên các mạng xã hội”, chuyên gia Phạm Hồng Phước chia sẻ.
TikTok hiện là một trong những ứng dụng phổ biến nhất tại Việt Nam. Trên cả iOS và Android, ứng dụng này liên tục nằm trong top 5 được tải về nhiều nhất.
Nhiều nội dung guy hiểm cho trẻ em từng xuất hiện trên nền tảng này TikTok. Một bé gái 10 tuổi ở Palermo (Italia) từng quấn thắt lưng quanh cổ để thực hiện “Thử thách Bất tỉnh” trên TikTok, nhưng bị ngạt và chết não.
Italy phải yêu cầu mạng xã hội này chặn những người dùng chưa được xác minh độ tuổi. Ngoài ra, ByteDance chủ sở hữu của TikTok cũng từng bị phạt 5,7 triệu USD, vì vi phạm luật riêng tư của trẻ em tại Mỹ.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips
Theo VnExpress