Skip to main content

Apple nhọc nhằn với các vụ kiện về độc quyền trong hệ sinh thái

24 Tháng Ba, 2024

Ngày 21/3, Apple – công ty công nghệ vốn hoá lớn nhất thế giới, chính thức bị Bộ Tư pháp (DOJ) và 15 tiểu bang tại Mỹ khởi kiện với cáo buộc độc quyền thị trường smartphone, uy hiếp đối thủ nhỏ hơn và đẩy giá tăng cao để thu lợi nhuận.

Trước đó, hàng loạt ông lớn công nghệ bao gồm Alphabet Google, Meta Platforms và Amazon đều đã bị chính quyền liên bang khởi kiện từ thời Tổng thống Donald Trump cho đến Tổng thống Joe Biden.

Song, việc Apple – công ty vốn hoá gần 3.000 tỷ USD – tượng đài của giới công nghệ, bị DOJ đứng đơn kiện, là một cột mốc cho thấy những doanh nghiệp công nghệ Mỹ đang đứng trước “cơn bão” như những người đồng nghiệp của họ tại Trung Quốc từng hứng chịu kéo dài suốt 32 tháng.

Cuộc chiến xoay quanh iPhone

Với hơn một tỷ chiếc iPhone đã được bán ra, thiết bị này là “con gà đẻ trứng vàng” của Apple, và giờ nó cũng là trung tâm của cuộc chiến pháp lý sắp tới. Cốt lõi lập luận của DOJ là việc Apple đang tìm mọi cách để duy trì sự phổ biến của iPhone, cùng với những chiến thuật ngầm khác để mang lại lợi thế với những thiết bị như Apple Watch hay dịch vụ Apple Pay.

DOJ cho biết, việc “Nhà Táo” tính giá 1.599 USD cho một chiếc iPhone khiến công ty này thu lợi nhiều hơn bất kể hãng sản xuất smartphone nào khác trong ngành. Chưa kể, công ty này còn thu phí của các đối tác kinh doanh từ các lập trình viên phần mềm cho đến doanh nghiệp tín dụng, thậm chí cả những đối thủ như Google – điều này góp phần đẩy giá tăng cao và người tiêu dùng cuối cùng phải gánh chịu.

Mô hình kinh doanh của Apple từ lâu dựa vào việc tính phí đối với các sản phẩm và công ty này quy định gần như tất cả các chi tiết, từ cách thức hoạt động cho đến cách sử dụng thiết bị. DOJ đang tìm cách loại bỏ mô hình này bằng cách buộc Apple cung cấp thêm các lựa chọn xung quanh việc sử dụng ứng dụng hay phần cứng mà công ty vốn hoá 2,7 ngàn tỷ USD thiết kế.

Trong khi đó, Apple nói rằng vụ kiện đe doạ đến “bản chất công ty”, khi họ luôn muốn tạo ra sự khác biệt của sản phẩm trong một thị trường cạnh tranh khốc liệt và nếu thành công thì vụ kiện sẽ cản trở việc tạo ra “công nghệ mà mọi người đều trông đợi từ Apple – nơi có hệ sinh thái phần cứng, phần mềm và dịch vụ giao thoa”.

Thay đổi lớn phía trước

Việc Apple bị cơ quan chức năng đưa vào tầm ngắm gợi nhớ tới việc Bắc Kinh cũng đã có những động thái “nghiêm khắc” đối với lĩnh vực công nghệ nước này vài năm trước. Khi đó, Ant Group – tập đoàn công nghệ khổng lồ hàng đầu đại lục bị “án điểm” dẫn tới tỷ phú sáng lập Jack Ma phải từ bỏ mọi quyền hành và tập đoàn chấp nhận tái cơ cấu toàn diện.

Trong 32 tháng sóng gió tại Trung Quốc, hàng ngàn tỷ USD vốn hoá thị trường bốc hơi, gần 40 doanh nghiệp công nghệ như Alibaba, Tencent, Meituan… bị triệu tập, chấn chỉnh.

“Tổng thống Biden ủng hộ mạnh mẽ việc thực thi luật chống độc quyền một cách công bằng”, thư ký báo chí Nhà Trắng cho hay. Trong khi đó, DOJ cũng đang tìm kiếm một giải pháp “chia nhỏ” hoặc giảm quy mô của gã khổng lồ công nghệ vốn hoá lớn nhất thị trường, khi coi đây là một giải pháp đem tới sự công bằng.

Hồ sơ kiện dài 88 trang cho thấy, nguyên đơn tập trung vào “giải phóng thị trường smartphone khỏi những hành vi phản cạnh tranh của Apple, từ đó khôi phục cạnh tranh để giảm giá điện thoại cho người tiêu dùng, giảm phí với các nhà phát triển và duy trì đổi mới sáng tạo cho tương lai”.

DOJ trích dẫn một chuỗi email của Steve Jobs, người đồng sáng lập Apple qua đời năm 2011, nói rằng “thật không vui khi chứng kiến” việc người tiêu dùng có thể dễ dàng chuyển từ iPhone sang điện thoại Android và thề sẽ “ép buộc” các nhà phát triển phải sử dụng hệ thống thanh toán của mình nhằm “khoá cứng” cả nhà phát triển và người tiêu dùng.

Theo quan điểm của DOJ, Apple đang chiếm hơn một nửa thị trường smartphone ở Mỹ và những “thiệt hại” với người tiêu dùng đã cấu thành trên thực tế. Đáp lại, đại diện “Nhà Táo” cho biết, sẽ cố gắng thuyết phục cơ quan chức năng đánh giá trên góc độ nhìn nhận thị trường toàn cầu – nơi iPhone chỉ chiếm 1/5 lượng người dùng.

Đơn khiếu nại yêu cầu tòa án ngăn Apple sử dụng quyền kiểm soát phân phối ứng dụng, hợp đồng và sử dụng giao diện phần mềm riêng để làm suy yếu các đối thủ và tiến hành các biện pháp cần thiết khác “để khôi phục các điều kiện cạnh tranh trên các thị trường bị ảnh hưởng bởi hành vi trái pháp luật”.

Apple cũng đang phải chịu các cuộc điều tra chống độc quyền ở châu Âu, Nhật Bản và Hàn Quốc, cũng như các vụ kiện từ các đối thủ của công ty như Epic Games.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo VietnamNet

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …