Chạy quảng cáo cạnh nội dung “xấu” – các nhãn hàng thiệt hại đến mức nào?
80% người tiêu dùng Mỹ cho biết sẽ tránh hoặc ngừng mua một sản phẩm nếu sản phẩm đó được quảng cáo cạnh một nội dung cực đoan, độc hại trên mạng.
Facebook đang đối mặt với cuộc khủng hoảng khi hơn 100 thương hiệu hàng đầu thế giới đồng loạt tẩy chay quảng cáo mang tên Stop Hate for Profit (Ngừng kiếm tiền từ sự thù địch) nhằm phản ứng việc mạng xã hội này không kiểm soát những nội dung độc hại, mang tính thù địch, phân biệt đối xử trên nền tảng của mình.
Honda, Pepsi và Hershey’s là những cái tên mới nhất hưởng ứng chiến dịch tẩy chay này cùng những tên tuổi như Verizon, Unilever, P&G, Coca-Cola với việc ngừng quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội của Facebook đến hết tháng 7 hoặc hết năm 2020.
Chiến dịch tẩy chay này có thể là tạo ra những tác động mang tính bước ngoặt đối với các công ty truyền thông xã hội, vốn thu lợi khủng từ quảng cáo nhưng lại không sẵn sàng hoặc không thể đảm bảo rằng chúng không chìm trong những nội dung độc hại.
Hủy hoại danh tiếng vì quảng cáo cạnh nội dung xấu độc
Theo một nghiên cứu của tổ chức Trustworthy Accountability Group (TAG) vào năm 2019, 80% người Mỹ sẽ tránh hoặc ngừng mua một sản phẩm nếu sản phẩm đó được quảng cáo cạnh một nội dung cực đoan hoặc độc hại trên mạng.
Đây là khảo sát được phối hợp thực hiện cùng Brand Safety Institute (BSI), với 1.017 người tham gia để xem sức ảnh hưởng của việc đặt sai vị trí quảng cáo ảnh hưởng tới quyết định mua sắm của họ. 73% người tham gia khảo sát tin rằng việc đặt các quảng cáo sáng tạo bên cạnh những nội dung độc hại trên Facebook huỷ hoại danh tiếng của các thương hiệu.
Mối quan ngại lớn nhất đối là nội dung ‘người lớn’, với 72% người được hỏi cho rằng các thương hiệu nên hành động để quảng cáo của họ không có liên quan tới những nội dung này.
Nội dung bạo lực cũng là một mối lo khác đối với khách hàng. 70% người tham gia khảo sát nói rằng các thương hiệu nên ưu tiên hành động để ngăn chặn quảng cáo của họ xuất hiện bên cạnh những nội dung bạo lực.
Có tới 90% nói rằng các nhãn hàng phải đảm bảo quảng cáo của họ không chạy trên những trang web hay ứng dụng có nội dung độc hại hoặc không phù hợp. Chỉ 2% nói rằng các thương hiệu không phải chịu trách nhiệm khi việc này xảy ra.
“Khảo sát này cho thấy những rủi ro thực sự với doanh thu của một công ty đến từ một cuộc khủng hoảng về an toàn thương hiệu”, Mike Zaneis, CEO của TAG và cũng là đồng sáng lập của BSI.
“Những ảnh hưởng về danh tiếng có thể khó đong đếm, nhưng khách hàng nói rằng họ sẽ phản ứng bằng cách đóng hầu bao nếu các thương hiệu không có những động thái cần thiết để bảo vệ chuỗi cung ứng của mình khỏi những rủi ro như phát ngôn thù địch, độc hại và vi phạm bản quyền”.
Các nhãn hàng: Không khoan nhượng
Unilever, công ty tuyên bố dừng quảng cáo trên Facebook cũng như Instagram và Twitter, cho biết: “Tiếp tục quảng cáo trên những nền tảng này chẳng mang lại giá trị gì cho khách hàng của chúng tôi và cả cộng đồng.
Chúng tôi công nhận nỗ lực của các đối tác, nhưng vẫn còn rất nhiều việc phải làm, đặc biệt là với những phát ngôn thù địch, gây chia rẽ trong thời điểm bầu cử nhạy cảm tại Mỹ”.
Trong khi đó, nhà mạng Verizon cho biết sẽ dừng quảng cáo trên Facebook và Instagram cho đến khi Facebook có “một giải pháp chấp nhận được” để xử lý những nội dung độc hại, theo Wall Street Journal.
“Chúng tôi đang áp dụng những chính sách nghiêm ngặt về nội dung và tuyệt đối không khoan nhượng. Chúng tôi sẽ hành động nếu những chính sách đó bị vi phạm”, đại diện Unilever cho biết.
Coca-Cola Co. cũng tuyên bố dừng quảng cáo trên tất cả nền tảng mạng xã hội trong ít nhất 30 ngày, bao gồm Facebook.
“Chúng tôi sẽ nhân cơ hội này để đánh giá lại các tiêu chuẩn và chính sách quảng cáo của mình, nhằm xem liệu có cần phải đưa ra những thay đổi trong nội bộ hay không và chúng tôi kỳ vọng các đối tác mạng xã hội sẽ loại bỏ những nội dung thù địch, bạo lực và không phù hợp trên nền tảng của họ”, CEO James Quincey của Coca-Cola cho biết trong một thông cáo.
Trong thông báo dừng quảng cáo trên Facebook, thương hiệu Ben & Jerry’s – thuộc sở hữu của Unilever – kêu gọi Facebook “hành động quyết liệt hơn để ngăn chặn việc các nền tảng mạng xã hội của mình bị lợi dụng nhằm chia rẽ dân tộc; đàn áp cử tri; xúi giục, kích động phân biệt chủng tộc và bạo lực; và làm suy yếu nền dân chủ của nước Mỹ”.
Trong một cuộc phỏng vấn mới đây, Tamara Rogers, giám đốc marketing của hãng dược phẩm GlaxoSmithKline (GSK), cho rằng “vấn đề Facebook là một thách thức thật sự” mà mọi nhà tiếp thị đang phải đối mặt. Dù đánh giá cao những nỗ lực của Facebook để giải quyết các vấn đề, tình hình hiện tại rất phức tạp.
“Đến một lúc nào đó, khi mọi thứ bùng lên đến mức mà chúng tôi rơi vào tình thế tiêu cực, chúng tôi phải đảm bảo gìn giữ hình ảnh thương hiệu của mình.
Các thương hiệu của chúng tôi phục vụ mọi người, vì vậy chúng tôi cần phải làm những điều đúng đắn”, bà Rogers nói.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo Hà Anh | MarketingTrips via enternews