Có gì ‘lạ’ ở chiến lược quảng cáo mới của Apple khi ra mắt chip Silicon
Apple thường giữ bí mật sản phẩm của mình cho đến khi sẵn sàng để bán, nhưng ngày 22/6 là một ngoại lệ.
CEO Tim Cook của công ty cho biết, Apple sẽ sản xuất máy tính Mac mới với một tính năng đột phá vào cuối năm nay.
Sản phẩm được đề cập là máy Mac đầu tiên sau 15 năm không có bộ xử lý được thiết kế và sản xuất bởi Intel, gã khổng lồ về công nghệ chip của Mỹ. Thay thế cho Intel là một chip được phát triển và sản xuất bởi chính Apple.
Quyết định này là một chiến thắng lớn của ARM, hãng thiết kế các bộ xử lý đến từ Cambridge (Anh). Công nghệ nền tảng của công ty này sẽ được dùng để xây dựng chip của Apple dùng cho MacBook.
Người tiêu dùng có thể hình dung lượng công việc sẽ lớn thế nào khi Apple thực hiện chuyển đổi này. Hàng nghìn nhà phát triển phần mềm sẽ phải thích ứng, viết lại code để điều chỉnh phù hợp với sự chuyển đổi. Về phần mình, Apple phải đầu tư hàng triệu USD vào chip silicon của riêng mình.
Chiến lược quảng cáo của Apple khi ra mắt
Việc Apple phải phụ thuộc vào Intel khiến công ty luôn cảm thấy khó chịu. Chip của Intel đã giúp Microsoft trở thành đối thủ truyền kiếp của Apple trong những năm 1990.
Khi Steve Jobs trở lại Apple vào năm 1997, ông đã phê duyệt một loạt các quảng cáo châm biếm nhằm vào Intel và so sánh nhược điểm các thiết kế của Intel với các chip PowerPC của Mac do IBM phát triển.
Ví dụ trong một quảng cáo, Apple dùng một chiếc xe lu chèn qua máy tính Intel, thể hiện cách Apple “nghiền nát đối thủ cạnh tranh”. Ở một quảng cáo khác, kỹ thuật viên Intel cần chữa cháy sau khi bị “hun khói” bởi máy tính Mac dùng chip PowerPC của IBM.
Năm 2005, Hợp tác giữa IBM và Apple chấm dứt. Jobs tuyên bố chuyển sang dùng chip của Intel, nhưng công ty đủ tầm ảnh hưởng để yêu cầu các nhãn dán “Intel Inside” không xuất hiện trên máy Mac. Nhưng cùng năm đó, Intel đã từ chối lời đề nghị phát triển chip cho iPhone vì không thấy được tiềm năng của thị trường điện thoại thông minh.
Apple đã phải đặt hàng bộ xử lý sử dụng kiến trúc chip ở ARM và Samsung sản xuất. Năm 2008, một năm sau khi iPhone ra mắt, hãng đã mua công ty bán dẫn PA Semi, bắt đầu hành trình tự phát triển và đi đến đích cuối là thông báo vừa qua.
Kể từ khi iPhone ra mắt vào năm 2007, Apple đã dần trở thành một trong những công ty bán dẫn tiên tiến nhất thế giới.
Các sản phẩm của công ty chủ yếu sử dụng linh kiện tự mình thiết kế thay vì các linh kiện có sẵn của Intel. Công ty tự hào rằng iPad có thể sánh ngang với máy chơi game cầm tay. Các nhà phân tích so sánh iPhone với máy tính để bàn khi nói đến sức mạnh xử lý.
Hiện nay, máy tính xách tay MacBook và máy tính để bàn iMac của Apple là hai sản phẩm duy nhất phải dựa vào bộ xử lý máy tính được thiết kế bởi một công ty khác. Thay đổi điều này sẽ thúc đẩy ưu điểm cho máy tính Mac.
Phó chủ tịch Apple, Johny Srouji, cho biết, các máy tính Mac mới sẽ mang lại hiệu suất cao nhất, với mức tiêu thụ điện năng thấp nhất. Tuy nhiên, các chuyên gia công nghệ vẫn thất vọng do thiếu bằng chứng thống kê.
Các bản demo ấn tượng cho thấy các phần mềm ngốn tài nguyên như Photoshop và Tomb Raider chạy hoàn hảo trên công nghệ mới.
Điều quan trọng là các chip riêng của Apple có chi phí thấp hơn rất nhiều so với mua từ Intel. Tóm lại, các máy tính mới của Apple sẽ rẻ hơn, mạnh hơn, thời lượng pin dài hơn và có tỷ suất lợi nhuận cao hơn. Chris Caso, nhà phân tích tại Raymond James, cho biết, ông dự kiến Intel sẽ mất 4 tỷ USD doanh thu một năm.
Intel đã bị bỏ rơi, mặc dù việc chuyển đổi dự kiến sẽ mất vài năm, và mất rất nhiều chi phí. Các nhà phát triển sẽ phải viết lại code của họ để hỗ trợ các thiết kế mới.
Thêm nữa, hiện chưa rõ bằng cách nào các tính năng được đánh giá cao như khả năng mô phỏng Windows của Microsoft sẽ hoạt động. Các tính năng này vốn là lợi thế của chip Intel.
Apple còn một mục tiêu khác
Chuyển đổi máy Mac sang chip dựa trên cấu trúc ARM sẽ không chỉ phân biệt chúng với hầu hết các máy Windows mà còn đưa máy tính Apple đến gần hơn với công nghệ nền tảng dùng cho thiết bị di động.
Thỏa thuận này là một cú hích đối với ARM. Công ty này đã phát triển và chiếm lĩnh thị trường bộ xử lý của điện thoại thông minh. ARM tạo và cấp phép cho các thiết kế cơ bản trong các bộ xử lý.
Nhưng việc thâm nhập vào máy tính đại diện cho một thị trường mới, nơi công ty phải đối đầu với Intel. Theo các nhà phân tích của IDC, ARM mới chỉ có 0,4% thị trường bộ xử lý của máy tính.
Apple tiết lộ rằng lợi ích ngay lập tức của việc chuyển đổi là các máy Mac sẽ có thể chạy hàng triệu ứng dụng dành cho iPhone và iPad.
Cùng lúc đó, hệ điều hành máy tính mới của Mac (MacOS Big Sur) được thiết kế lại để trông và cảm thấy giống iPhone iOS hơn, làm mờ đi ranh giới giữa các thiết bị Apple về trải nghiệm cũng như công nghệ.
Hợp nhất iPhone, iPad và Mac là trọng tâm trong chiến lược của Apple, lấy đó làm trung tâm của cuộc sống số cùng với các dịch vụ, như trợ lý giọng nói Siri, bảng điều khiển sức khỏe, dịch vụ âm nhạc và truyền hình.
Nó có thể thúc đẩy doanh số của Mac, hiện chỉ chiếm 6,9% doanh số máy tính bán ra trong quý đầu tiên của năm nay.
Trong khi đó, iPhone chiếm 13,7% doanh số điện thoại thông minh, theo Gartner. Doanh số bán hàng của Mac còn bị trì trệ nhiều năm bởi sự cố bàn phím thiếu độ tin cậy, mới chỉ được sửa chữa gần đây.
Điều quan trọng là Apple có thể tăng cường kiểm soát máy tính Mac. Đây là các thiết bị duy nhất của Apple cho phép cài đặt phần mềm mà không cần thông qua App Store của Apple, nơi công ty kiếm được lợi nhuận khổng lồ từ hoạt động bán ứng dụng.
Geoff Blaber, nhà phân tích của CCS Insight cho biết, đây là một lợi thế lớn trong việc đảm bảo sự phát triển liên tục của Mac, giống iPhone hiện nay đã trở thành công cụ tạo ra doanh thu và lợi nhuận khổng lồ. Đã có các doanh nghiệp khác được xây dựng nhờ vào đó. Theo thời gian, điều này sẽ củng cố lợi thế của hệ sinh thái Apple.
Máy tính Mac của Apple thường bị coi như sản phẩm thứ yếu so với iPhone. Bằng cách đưa Mac ngang bằng với người anh em nhỏ hơn của mình, Tim Cook hi vọng sẽ làm mới được nó.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo Hà Anh | MarketingTrips