Nike chọn CEO của mình là một chuyên gia công nghệ và đây là lý do
Nike đã đầu tư rất nhiều vào công nghệ và phân tích dữ liệu trong những năm qua, nhận thấy rằng vị CEO mới của mình nên là người có thể dẫn dắt nó vào một tương lai, nơi sẽ tập trung vào bán hàng trực tiếp dựa trên dữ liệu khách hàng.
Đến ngày 13/1/2020, Mark Parker, CEO của Nike kể từ năm 2006, sẽ từ chức. Bất ngờ là người sẽ đảm nhiệm vai trò chủ tịch và giám đốc điều hành tiếp theo của thương hiệu thể thao lớn nhất thế giới này sẽ là John Donahoe, một giám đốc công nghệ lâu năm.
Lý lịch của ông cho thấy đây là một người quản lý chuyên nghiệp hơn là người có tầm nhìn về chiến lược hay tiếp thị trong lĩnh vực thời trang.
Donahoe hiện là CEO của ServiceNow, một nhà cung cấp dịch vụ điện toán đám mây cho các doanh nghiệp toàn cầu. Trước đó, ông đã từng là CEO của eBay từ năm 2008 đến 2015, đồng thời là CEO kiêm giám đốc quản lý của công ty tư vấn quản lý Bain & Co.. Và ông cũng đã tham gia hội đồng quản trị của Nike từ năm 2014.
Nhìn qua, Donahoe có vẻ không phải là sự lựa chọn rõ ràng nhất để tiếp nối thành công của Parker, người bắt đầu tại công ty với tư cách là một nhà thiết kế giày dép và có kiến thức cùng kinh nghiệm sâu sắc về giày thể thao.
Nhưng đó là điều mà hội đồng quản trị của Nike, tin tưởng một cách rõ ràng rằng nó là cần thiết. Bởi công ty này đã và đang chuẩn bị sẵn sàng cho một tương lai tập trung vào việc bán hàng trực tiếp cho người tiêu dùng thông qua dữ liệu thu thập được, các cửa hàng hỗ trợ công nghệ và hệ sinh thái trực tuyến.
Những gì Donahoe hiểu là công nghệ và đó là thứ mà Nike đã đầu tư rất nhiều trong thời gian qua. Năm ngoái, công ty đã mua lại công ty phân tích dữ liệu Zodiac. Năm nay, họ mua thêm Celect, một công ty chuyên về phân tích dự đoán. Tất cả là một phần trong chiến lược sử dụng dữ liệu khách hàng của Nike để trở nên cá nhân hơn ở quy mô lớn, theo như những gì Parker đã vạch ra trước đó.
Các khoản đầu tư này đã trở thành một phần trong hệ thống phản ứng của Nike trước những biến động lớn trên thị trường mua sắm. Ngành công nghiệp bán lẻ đã phải vật lộn để sinh tồn trong những năm qua, với sự gục ngã và đóng cửa với số lượng kỷ lục. Năm 2017, Nike tuyên bố ý định chuyển sự tập trung từ kinh doanh bán buôn sang một nhóm các nhà bán lẻ nhỏ hơn.
Đồng thời, nó đã tăng doanh số bán hàng trực tiếp cho khách hàng, đặc biệt là bán hàng trực tuyến, thông qua các trang web thương mại điện tử và các ứng dụng như SNKRS và ứng dụng Nike. Ngay cả các cửa hàng mới mở của công ty cũng được thiết kế để hoạt động một cách tương thích và trơn tru với những ứng dụng này.
Trong quý gần đây nhất của công ty, doanh số bán hàng kỹ thuật số đã tăng 42%. Công ty đang kêu gọi thêm nữa những nỗ lực trong việc kết nối trực tiếp với người mua hàng, hành vi mua hàng trực tiếp của người tiêu dùng, và đó lý do họ cần thuê Donahoe để lãnh đạo việc đó.
“Tôi rất vui mừng khi thấy John sẽ gia nhập đội ngũ của chúng tôi”, CEO Parker nói trong một tuyên bố. “Chuyên môn của anh ấy về thương mại kỹ thuật số, công nghệ, chiến lược toàn cầu và khả năng lãnh đạo kết hợp với các mối quan hệ bền chặt của anh ấy cùng thương hiệu, khiến John là nhân tố phù hợp, lý tưởng để tăng tốc quá trình chuyển đổi kỹ thuật số của Nike và giúp nó phát triển tích cực”.
Thông báo về sự thay đổi CEO được đưa ra trong bối cảnh Nike đang gặp nhiều scandal. Alberto Salazar, một huấn luyện viên chạy bộ do Nike hậu thuẫn, được phát hiện việc đang thử nghiệm các loại thuốc tăng cường hiệu suất trên các vận động viên điền kinh. Một thí nghiệm được cho là đã diễn ra trong phòng thí nghiệm tại trụ sở của Nike.
Năm ngoái, một nhóm cựu nhân viên của Nike cũng đệ đơn kiện công ty vì phân biệt đối xử về giới, khiến cho tầng lớp quản lý bị lung lay, bao gồm sự ra đi của Trevor Edwards, chủ tịch thương hiệu Nike và cũng là người kế nhiệm của Parker.
Trong cơ cấu quản lý mới của mình, Parker sẽ vẫn ở lại với công ty với tư cách là chủ tịch điều hành. Nike cho biết ông sẽ hợp tác chặt chẽ với các quản lý cấp cao như Donahoe.
Nike không phải là công ty duy nhất muốn tiếp cận một cách trực tiếp với người tiêu dùng, thông qua việc tìm kiếm một nhà lãnh đạo mới từ thế giới công nghệ. Năm 2016, Starbucks chọn Kevin Johnson lên làm CEO thay thế Howard Schultz, giám đốc lâu năm của chuỗi cửa hàng cà phê này.
Johnson đã từng làm giám đốc công nghệ của Starbucks từ năm 2015, nhưng trước đó đã từng là CEO của công ty phát triển các sản phẩm mạng máy tính Juniper Networks và giám đốc điều hành tại Microsoft.
Giống như Nike, Starbucks cũng ngày càng xây dựng định hướng kinh doanh tương lai của mình xoay quanh công nghệ, bằng việc đầu tư vào ứng dụng, các chương trình đặt và giao hàng trên thiết bị di động. Kể từ khi Johnson nắm quyền, cổ phiếu Starbucks đã tăng 43% và công ty đang trên đà tăng trưởng mạnh mẽ trong những quý gần đây.
Chipotle Mexican Grill, một chuỗi nhà hàng bình dân chuyên phục vụ nhanh tại Mỹ cũng đã tìm thấy thành công dưới sự quản lý của một CEO xuất thân từ giới công nghệ. Brian Niccol tiếp quản chuỗi cửa hàng này khi nó đang hỗn loạn sau một loạt vụ bê bối về an toàn thực phẩm.
Ông ngay lập tức tập trung vào việc xây dựng ứng dụng cho công ty, hướng việc kinh doanh vào đặt hàng kỹ thuật số và giao hàng, nhờ đó giúp cổ phiếu công ty tăng gấp ba kể từ khi nhận chức.
Còn Nike, công ty đang ở thời kỳ đỉnh cao khi có giá cổ phiếu cao nhất mọi thời đại. Đó cũng chính là lý do việc từ chức của Parker đang rất được chú ý.
Nike không cần xoay sở để sinh tồn, nhưng một CEO thông thạo về công nghệ có thể sẽ giúp công ty mở rộng vị thế dẫn đầu trong mọi cuộc cạnh tranh và trở thành lá cờ đầu, hướng dẫn cũng như tạo ra xu thế đổi mới cho thế hệ khách hàng kỹ thuật số tiếp theo.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Theo Hà Anh | MarketingTrips via Trí Thức Trẻ