Elon Musk nhiều lần nói ông ngưỡng mộ WeChat và muốn tạo một ứng dụng tương tự. Ngày 24/7, khi chuyển Twitter thành X, ông lặp lại mục tiêu đó: “Đây không đơn giản là một công ty đổi tên, mà là sứ mệnh phải tiếp bước.
Cái tên Twitter chỉ có nghĩa khi là những dòng tin dài tối đa 140 ký tự được gửi qua lại – như tiếng chim hót. Nhưng những tháng tới, ứng dụng sẽ trở thành trung tâm tài chính cá nhân của người dùng. Khi đó, tên gọi Twitter không còn ý nghĩa gì nữa, đã đến lúc phải tạm biệt con chim”.
Linda Yaccarino, CEO Twitter, cũng mô tả nền tảng mới sẽ tập trung vào âm thanh, video, tin nhắn và thanh toán, giúp người dùng “kết nối với nhau theo những cách chúng ta mới chỉ tưởng tượng về nó”.
Theo giới phân tích, Elon Musk đang muốn biến nền tảng X thành một WeChat của phương Tây, nhưng tham vọng này khó trở thành hiện thực.
Môi trường khác biệt.
WeChat được Tencent Holdings ra mắt năm 2011 để thay thế phần mềm chat cho PC trước đó có tên QQ. Ban đầu, nó được gọi là Weixin, nhưng đổi thành WeChat năm 2012, khi số lượng người dùng đạt 100 triệu.
Theo thời gian, ứng dụng tích hợp hàng loạt chương trình con bên trong. Người dùng có thể sử dụng kết hợp để nhắn tin, gọi thoại và video, mạng xã hội, thanh toán di động, trò chơi, tin tức, đặt phòng trực tuyến và các dịch vụ khác. Năm 2018, WeChat lần đầu vượt một tỷ tài khoản hoạt động mỗi tháng, chủ yếu là từ Trung Quốc.
Trong khi đó, mạng xã hội Twitter, tên mới là X, có cơ sở dữ liệu người dùng nhỏ hơn nhiều cũng như tính năng hạn chế. Tại Trung Quốc, có một ứng dụng với chức năng tương tự X là Sina Weibo.
“Sina Weibo cũng là một trong những mạng xã hội lớn ở Trung Quốc, nhưng nó phục vụ người dùng bằng chức năng rất khác so với WeChat”, Kendra Schaefer, trưởng bộ phận nghiên cứu chính sách công nghệ tại Trivium China, nhận xét.
“Weibo không quan trọng trong cuộc sống hàng ngày như WeChat. Người dùng chỉ sử dụng để kết nối và theo dõi thông tin”.
Quay trở lại những năm 2000, trước thời đại của smartphone, lĩnh vực Internet tại Trung Quốc được xem là “nơi thử nghiệm các xu hướng mới” do có rất ít quy định.
“Một sự tự do như miền tây hoang dã”, Kai von Carnap, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc của tổ chức phi lợi nhuận Merics, nói. “Hoàn toàn không có biện pháp bảo vệ người lao động, bảo vệ dữ liệu hoặc quy định cạnh tranh”.
Tencent là một trong những công ty đi đầu thử nghiệm các nền tảng cho người dùng và “hái quả ngọt”, nhưng hầu hết công ty khác thất bại. Quan trọng hơn, Tencent tích hợp thành công hệ thống thanh toán vào QQ, làm cơ sở xây dựng WeChat sau này – yếu tố theo giới chuyên gia là đặc biệt quan trọng đối với một siêu ứng dụng.
Đây cũng là lý do Elon Musk nhiều lần nói về việc bổ sung chức năng thanh toán cho Twitter, thậm chí đặt mục tiêu nền tảng “có thể trở thành một nửa hệ thống tài chính toàn cầu”.
Tại Trung Quốc, khi WeChat phát triển, nhiều người không có tài khoản ngân hàng hay thẻ ngân hàng. Đây là môi trường không thể tốt hơn cho ứng dụng của Tencent phát triển. “Người dân nhanh chóng sử dụng điện thoại để thanh toán. Và rồi, những chiếc smartphone đó nhanh chóng trở thành ví tiền của chính họ”, Schaefer giải thích.
Nhưng ở Mỹ và các nước phương Tây lại khác. “Không có tài khoản ngân hàng” gần như không có trong khái niệm của người dân ở đây.
Đa số đều sử dụng thẻ tín dụng và phương thức thanh toán này phổ biến ở mọi nơi. “Tại sao mọi người lại cần chuyển sang ứng dụng của Elon Musk để thanh toán một thứ gì đó?”, Schaefer nói.
Thanh toán qua app trên smartphone ở Mỹ tương đối hiếm. Theo nghiên cứu của eMarketer, một nửa số người dùng điện thoại ở Mỹ có thể sẽ chấp nhận thanh toán di động vào cuối 2025. Trong khi đó, 64% dân số Trung Quốc đã làm điều này từ 2021, theo China UnionPay.
Vấn đề quản lý cũng là một rào cản khác. Khác với Trung Quốc, Mỹ và châu Âu có luật chặt chẽ về tài chính và nền tảng hoạt động đa lĩnh vực. Chính các quy định đã khiến dự án tiền số của Facebook không thể thành hiện thực. Những dự án tài chính khác cũng phải tuân thủ hàng loạt quy định khiến họ nản lòng và bỏ cuộc.
“WeChat phát triển trong một môi trường không có hoặc rất ít quy định. Đây là điều kiện cần, nhưng Elon Musk không làm được cho X”, Kai von Carnap nhận định.
Tên miền X.com đã ra đời trước năm 2000, khi Elon Musk muốn tạo ra “một siêu thị tài chính” để phá vỡ ngành ngân hàng, nhưng sau đó được sáp nhập và trở thành PayPal.
“Elon Musk như đang cố xây lại kế hoạch công ty tài chính cũ bằng cách ghép nó vào một doanh nghiệp hoàn toàn không liên quan”, nhà phê bình Paris Marx viết trên blog.
“Ông ấy đang lặp lại sai lầm trong quá khứ bằng cách tham gia một lĩnh vực mà bản thân không hiểu những ý tưởng lớn, không lắng nghe phản hồi, nắm giữ những chiến lược không hiệu quả và đối xử với nhân viên của mình như rác”.
Trong khi đó, Schaefer cho rằng Elon Musk vẫn có thể thành công với X dưới vai trò siêu ứng dụng, nhưng tỷ lệ thấp. “Nếu Elon Musk muốn thêm cơ chế thanh toán vào mạng xã hội (Social Network) và xem nó là chìa khóa để mở ra siêu ứng dụng, tôi nghĩ ông ấy đã đúng”, Schaefer nói. “Nó không phải ý tưởng tồi, nhưng cần xem nó vận hành trong tương lai thế nào”.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips