VNG lỗ quý thứ 10 liên tiếp và lỗ hơn 2000 ty năm 2023
VNG công bố báo cáo kết quả kinh doanh quý I, tiếp tục ghi nhận lỗ sau thuế song tình hình đã cải thiện so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo tài chính quý I/2024, CTCP VNG (mã: VNZ) ghi nhận doanh thu thuần đạt 2.259 tỷ đồng, tăng trưởng 22% so với cùng kỳ năm ngoái. Dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn là cột trụ chính khi đóng góp tới 1.772 tỷ đồng trong quý vừa rồi.
Công ty cho biết hầu hết các chi phí như bán hàng, quản lý doanh nghiệp… đều giảm so với cùng kỳ, điều này giúp lỗ sau thuế giảm 66% so với cùng kỳ năm trước, từ 90 tỷ đồng xuống còn 31 tỷ đồng. Trong đó, cổ đông không kiểm soát chịu lỗ 45 tỷ đồng và cổ đông công ty mẹ có lợi nhuận 13,7 tỷ đồng.
Đây là quý thứ 10 liên tiếp mà VNG báo lỗ kể từ quý IV/2021. Ban lãnh đạo VNG cho biết lỗ luỹ kế tiếp tục xuất hiện do nhóm công ty tiếp tục thúc đẩy hoạt động quảng cáo các sản phẩm mới và sản phẩm chiến lược.
Tổng tài sản của VNG đạt gần 11.000 tỷ đồng, tăng 14% so với đầu năm, với gần 6.200 tỷ đồng là tài sản ngắn hạn. Tại thời điểm ngày 31/3/2024, VNG ghi nhận tiền và các khoản tương đương tiền là 4.441 tỷ đồng, tăng 15% so với mức 3.837 tỷ đồng của thời điểm kết thúc năm 2023. Tính đến hết quý đầu năm, VNG nắm giữ 309 tỷ đồng tiền mặt, trong khi tiền gửi ngân hàng là 2.524 tỷ đồng.
Về các khoản đầu tư tài chính dài hạn, hầu hết công ty liên kết của VNG đều đang thua lỗ, ngoại trừ Dayone ghi nhận lãi nhẹ. Tiki Global, Rocketeer và Beijing Youtu đã lỗ hết khoản đầu tư với con số lần lượt là 510 tỷ, 33 tỷ và 35 tỷ đồng. Các công ty khác cũng đang báo lỗ như Telio (290 tỷ đồng); Funding Asia (82 tỷ đồng) và OCG (2,2 tỷ đồng).
Khoản đầu tư tại Zion của VNG tăng nhẹ với tỷ lệ sở hữu đạt 73,758%, tương đương 3.554 tỷ đồng. Hiện đơn vị sở hữu ZaloPay là khoản đầu tư vào công ty con lớn nhất của VNG.
Ngoài ra, công ty cũng rót 898 tỷ đồng vào CTCP Dịch vụ dữ liệu Công nghệ thông tin Vi Na, cũng như hàng trăm tỷ đồng vào công ty TNHH Phát triển phầm mềm VTH, CTCP Dịch vụ mạng Vi Na, công ty TNHH Verichains… Tính đến ngày 31/3/2024, tổng giá trị các khoản đầu tư vào công ty con của VNG vượt hơn 5.000 tỷ đồng, tăng 4% so với thời điểm cuối năm ngoái.
Vì sao VNG lỗ hơn 2.300 tỷ đồng trong năm 2023?
Theo báo cáo tài chính hợp nhất đã kiểm toán bởi E&Y Việt Nam, CTCP VNG (Mã: VNZ) ghi nhận doanh thu năm 2023 đạt 7.593 tỷ đồng, giảm nhẹ so với mức 7.800 tỷ đồng của năm trước. Kết quả này cũng giảm khoảng 13% so với báo cáo tự lập.
Công ty cho biết giá vốn bán hàng và cung cấp dịch vụ đã tăng thêm khoảng 1.000 tỷ đồng so với năm trước, lên mức 5.304 tỷ đồng. Do đó, lợi nhuận gộp thu về khoảng 2.288 tỷ đồng, giảm 34% so với năm 2022.
Năm 2023, doanh nghiệp tiếp tục báo lỗ sau thuế tới 2.317 tỷ đồng, tăng so với mức lỗ 1.578 tỷ đồng của năm trước đó. Lỗ sau thuế thuộc về cổ đông công ty mẹ ở mức 2.101 tỷ đồng, tăng gần gấp đôi so với mức lỗ 1.077 tỷ đồng của năm 2022. Trước đó, báo cáo tự lập cho thấy lỗ sau thuế cả năm của VNG chỉ khoảng 756 tỷ đồng.
Theo lý giải của VNG, nguyên nhân có sự chênh lệch lớn ở phần lỗ sau thuế trên báo cáo tài chính hợp nhất so với các báo cáo trước đó là do sự thay đổi trong chính sách kế toán liên quan đến việc ghi nhận doanh thu trò chơi trực tuyến.
Cụ thể, cho đến năm 2022, VNG áp dụng chính sách kế toán này do tính chất đặc thù của hoạt động kinh doanh trò chơi trực tuyến và hệ thống theo dõi dữ liệu người chơi của VNG. Theo đó, phần doanh thu trò chơi trực tuyến được ghi nhận khi thẻ và/hoặc mã số thẻ trò chơi trực tuyển hoặc tin nhắn được bán cho người sử dụng,
Bắt đầu từ năm 2023, VNG chuyển sang ghi nhận doanh thu trò chơi trực tuyến khi nghĩa vụ thực hiện với người chơi được hoàn thành.
“Việc ghi nhận doanh thu trò chơi trực tuyến trên cơ sở hệ thống đã cho phép theo dõi và ghi nhận số liệu người chơi một cách chi tiết. VNG thực hiện việc ghi nhận doanh thu chưa thực hiện cho phần nghĩa vụ chưa hoàn thành đối với người chơi. Việc thay đổi trong chính sách kế toán này được áp dụng từ ngày 1/1/2023 trên cơ sở phi hồi tố”, VNG cho biết.
Theo đó, dữ liệu tương ứng của báo cáo tài chính hợp nhất là không so sánh được với dữ liệu của kỳ kế toán năm hiện tại do ảnh hưởng của việc thay đổi chính sách kể toán trên cơ sở phi hồi tố nêu trên.
Mảng dịch vụ trò chơi trực tuyến vẫn là cột sống trong cơ cấu doanh thu của VNG với 5.482 tỷ đồng. Ngoài ra, dịch vụ giá trị gia tăng trên mạng viễn thông và internet đóng góp 971 tỷ đồng và quảng cáo trực tuyến đóng góp khoảng 916 tỷ đồng.
Tính đến thời điểm 31/12/2023, tổng tài sản công ty ở mức 9.595 tỷ đồng. Tổng nợ ghi nhận ở mức 6.784 tỷ đồng và vốn chủ sở hữu là 2.810 tỷ đồng.
Kết thúc năm 2023, VNG ghi nhận tiền và tiền gửi ngân hàng ở mức 3.975 tỷ đồng, tăng thêm 900 tỷ đồng so với con số ghi nhận đầu năm.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nguồn: Tổng hợp