5 cách để xây dựng một cộng đồng mạnh cho thương hiệu
Có một cách để bạn có thể xây dựng thị trường của mình mà không cần tốn quá nhiều tiền vào quảng cáo và marketing – đó chính là xây dựng một cộng đồng mạnh cho thương hiệu. Cùng MarketingTrips tìm hiểu các cách để xây dựng một cộng đồng mạnh cho thương hiệu trong bài viết này.
Trong 03 năm đầu tiên kinh doanh, công cụ quản lý mạng xã hội Hootsuite đã tăng từ 0 lên ba triệu người dùng.
Đó là một thành tích khá ấn tượng đối với bất kỳ công ty nào, đặc biệt là với các công ty startup, nhưng điều đáng chú ý hơn nữa là họ đã làm như vậy mà hầu như không có ngân sách quảng cáo hoặc marketing nào.
Thay vào đó, họ phát triển nhờ xây dựng cộng đồng. Theo CEO Ryan Holmes, một nhóm gồm 18 nhân viên và 100 người có ảnh hưởng (influencer) đã phát triển công ty nhờ vào sự tham gia của cộng đồng.
Dưới đây là 05 cách mà bạn có thể sử dụng để phát triển thương hiệu hoặc doanh nghiệp của mình bằng cách coi việc xây dựng cộng đồng cho thương hiệu như là một chiến lược quan trọng hàng đầu.
Trước khi xem các nội dung chi tiết về xây dựng cộng đồng cho thương hiệu, bạn có thể tìm hiểu chuyên sâu về thuật ngữ thương hiệu tại: thương hiệu là gì
1. Xác định thương hiệu của bạn là gì và nó đại diện cho điều gì là bước đầu tiên khi xây dựng cộng đồng.
Trước khi bạn có thể xây dựng một cộng đồng cho thương hiệu của mình, bạn phải biết thương hiệu đó thực chất là gì. Bạn có một tuyên bố về sứ mệnh của nó không?
Bạn có biết chính xác đối tượng và cộng đồng mục tiêu của mình là ai không? Bạn có sẵn sàng xây dựng nội dung để thu hút cộng đồng này mỗi ngày không?
Bạn muốn kiểu người nào trong cộng đồng của mình và quan trọng hơn, bạn không muốn bao gồm những người nào? Bạn chỉ nên chuyển sang bước tiếp theo sau khi bạn đã trả lời những câu hỏi này.
2. Tìm những cách phù hợp để kết nối với cộng đồng của bạn.
Khi bạn đã xác định được thương hiệu của mình đại diện cho điều gì và đối tượng bạn muốn nhắm mục tiêu tới là ai, bước tiếp theo sẽ là ‘địa điểm’ và ‘cách thức’. Bạn sẽ kết nối với khách hàng của mình ở đâu và bằng cách thức nào.
Điều đó có nghĩa là bạn sẽ cần chọn những nền tảng phù hợp dựa trên những tiêu chí như:
- Quy mô đối tượng mục tiêu của bạn
- Cách họ thích tương tác
- Các tính năng bạn cần
- Trình độ hay kỹ năng kỹ thuật của bạn
- Ngân sách của bạn
Khi bạn mới bắt đầu, bạn nên nghĩ nhỏ và đơn giản. Một diễn đàn cơ bản có thể là đủ hay sử dụng các nhóm miễn phí của Facebook nếu người dùng của bạn truy cập nó qua thiết bị di động và mạng xã hội.
Hãy nhớ rằng, phạm vi tiếp cận tự nhiên của Facebook đang bị ‘bóp’ với tốc độ nhanh chóng, vì vậy nhóm (Group) sẽ là cách lý tưởng để bạn tương tác trực tiếp với khách hàng của bạn mà không cần bất cứ khoản chi phí nào.
3. Làm cho những thành viên trong cộng đồng đó của thương hiệu có giá trị và mang tính độc quyền.
Có 05 yếu tố khiến việc tham gia cộng đồng có giá trị đối với khách hàng:
- Ranh giới
- An toàn về mặt cảm xúc
- Cảm giác thân thuộc và nhận diện
- Đầu tư cá nhân
- Một hệ thống ký hiệu chung.
Các thành viên trong cộng đồng của bạn cần cảm thấy an toàn khi chia sẻ với những người khác trong nhóm của bạn.
Họ cần cảm thấy rằng họ được chấp nhận và họ đã ‘giành được’ vị trí của mình trong cộng đồng. Họ cũng cần có khả năng hiểu các chuẩn mực xã hội của nhóm và cách giao tiếp như một “người trong cuộc”.
Làm thế nào bạn có thể xây dựng những yếu tố này trong cộng đồng của mình? Các chiến lược khả thi bạn có thể tham khảo như:
- Xác định rõ ràng và thực thi các tiêu chuẩn kiểm duyệt.
- Giới hạn tư cách thành viên đối với một nhóm được chọn đã đạt được trạng thái nhất định.
- Khuyến khích phát triển các câu chuyện và ‘meme’ độc quyền trong nhóm.
- Mang lại cho người dùng những lợi ích – ngay cả khi đó chỉ là các biểu tượng để sử dụng trong các bài đăng biểu thị trạng thái của họ hoặc các sản phẩm miễn phí, giảm giá, lời mời tham gia các sự kiện bí mật, v.v. Nói cách khác, hãy biến nó trở nên độc quyền, tức chỉ khi là thành viên của nhóm mới có thể nhận được nó.
4. Hãy để cộng đồng tự nói chuyện với nhau.
Mọi cộng đồng nào trước khi thành công cũng sẽ trải qua một giai đoạn khó khăn, khi mà các cuộc trò chuyện sẽ bị cảm thấy hơi gượng ép và mọi người không tự bắt đầu cuộc trò chuyện.
Tuy nhiên, mọi thứ đó sẽ dần trôi qua. Tiếp tục xây dựng cộng đồng của bạn từng người một, và cuối cùng cộng đồng sẽ bắt đầu ‘mượt mà’ một cách tự nhiên.
Đừng nản lòng vì thiếu sự tham gia hoặc phản hồi – Nếu bạn có khách hàng trong cộng đồng, họ đang xem nội dung của bạn và tiếp nhận nội dung đó, họ cũng phải cần một khoảng thời gian nào đó để làm quen. Chìa khóa là gì ư? Hãy tiếp tục cung cấp giá trị.
5. Cho nhiều hơn những gì bạn nhận được cũng nên là ưu tiên khi xây dựng cộng đồng cho thương hiệu.
Cuối cùng, tại sao người dùng của bạn sẽ tiếp tục là một phần của cộng đồng của bạn nếu họ không nhận được bất kỳ giá trị nào từ nó?
Về phần bạn, hãy đầu tư bất kỳ nguồn lực nào bạn có thể để tạo ra những trải nghiệm cộng đồng ấn tượng.
Cung cấp các nguồn thông tin hữu ích. Trả lời câu hỏi. Cung cấp bất kỳ sự hỗ trợ nào bạn có để làm hài lòng các thành viên trong cộng đồng của bạn.
Những nỗ lực của bạn sẽ trở lại với bạn dưới dạng ‘những người theo dõi sẽ bắt đầu tương tác’, sẽ mua hàng của bạn trong tương lai và cũng có thể, họ chính là những người giới thiệu đầy tiềm năng của bạn.
Kết luận.
Nếu bạn là một Brand Marketer, bạn muốn xây dựng một thương hiệu vững mạnh nhưng không muốn tập trung hoặc phụ thuộc quá nhiều vào hoạt động quảng cáo vốn không bền vững, xây dựng nên một cộng đồng thương hiệu (Brand Community) mạnh là cách mà bạn nên thử và tối ưu cho doanh nghiệp của mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh | MarketingTrips