Cách xây dựng một thương hiệu khiến khách hàng quan tâm và muốn kết nối
Sau nhiều năm lăn lộn trong ngành quảng cáo và thương hiệu, tôi nhận ra rằng xây dựng một câu chuyện thương hiệu sâu sắc có thể mang lại nhiều thành quả to lớn cho doanh nghiệp.
Khi được bổ nhiệm vào vị trí xây dựng chiến lược (brand strategist) cho một công ty quảng cáo, tôi được giao nhiệm vụ gặp gỡ và phỏng vấn khách hàng về cảm nhận của họ với một vài thương hiệu (đồ uống) do tôi phụ trách.
Sau nhiều lần xem xét các đánh giá và cảm nhận của khách hàng với nhóm sáng tạo, tôi nhận ra rằng lắng nghe những gì khách hàng nghĩ là hoạt động vô cùng có ý nghĩa với tư cách là một người làm marketing.
Bằng cách lắng nghe, tôi bắt đầu khám phá ra những thứ mà mình chỉ có thể hiểu được nếu đi sâu vào các cuộc trò chuyện với khách hàng, những thứ tôi sẽ mãi không bao giờ có được nếu chỉ ngồi đó và phân tích dữ liệu.
Tôi cũng dần hiểu ra rằng làm marketing là giúp người khác nói lên tâm tư, suy nghĩ và cảm xúc của họ, còn ‘thương hiệu thực ra chỉ mang tính đại diện để truyền đạt’.
Để có thể giúp khách hàng kết nối sâu hơn với thương hiệu theo những cung bậc cảm xúc thực sự, những câu chuyện thương hiệu có ý nghĩa và hướng tới cộng đồng thường đóng vai trò quyết định.
Tuy nhiên có một sự thật tôi nhận ra là, trong khi không ít các marketer vẫn cho rằng những câu chuyện truyền cảm hứng tốt nhất và có khả năng kết nối tốt nhất là những câu chuyện được trau chuốt nhất, đẹp đẽ nhất, những câu chuyện có sức ảnh hưởng thực sự tới quyết định của khách hàng lại là những câu chuyện THẬT nhất, và thường thì nó đơn giản, ít trau chuốt và gần gũi nhất.
Suy cho cùng, vì doanh nghiệp được tạo nên từ con người, việc khai thác những yếu tố cảm xúc của con người là một trong những cách hiệu quả nhất để xây dựng niềm tin với khách hàng, thứ có thể giúp thương hiệu kết nối sâu và lâu dài hơn với họ.
Dưới đây là một vài cách mà tôi đã học được bạn có thể tham khảo.
Ghi lại những khoảnh khắc quan trọng trong hành trình kinh doanh của doanh nghiệp hay thương hiệu.
Trong quá trình trao đổi với khách hàng hay nghiên cứu và phát triển (R&D), bạn có khám phá ra bất cứ điều gì mới mẻ hay đặc biệt không?
Trong quá trình tuyển dụng nhân sự, có bất cứ câu chuyện nào mà bạn có thể kể lại với các nhóm đối tượng mục tiêu hay không?
Hay trong quá trình phát triển, thương hiệu đã thay đổi như thế nào về văn hóa công sở, cách làm việc với con người, cách “đối xử” với những tài năng trong doanh nghiệp và cả những cải thiện về sản phẩm hay dịch vụ của mình?
Dù cho doanh nghiệp của bạn đang ở đâu, vì doanh nghiệp sẽ luôn cần thay đổi và hoàn thiện, những thay đổi đó chính là nguồn cảm hứng và chất liệu cho những câu chuyện thương hiệu mà bạn có thể kể cho khách hàng, những người sẵn lòng muốn biết “bạn là ai” trước khi ra quyết định.
Bạn cần hiểu rằng, một thương hiệu sống là thương hiệu luôn luôn vận động và thay đổi.
Xây dựng một bản đồ nhận diện thương hiệu.
Tất cả các doanh nghiệp hay thương hiệu đều có những yếu tố thẩm mỹ hay bản đồ nhận diện thương hiệu riêng, đây không chỉ là logo, slogan hay các bản phối màu của thương hiệu, nó còn bao gồm cả yếu tố văn hóa, sứ mệnh của thương hiệu hay quy trình vận hành của doanh nghiệp.
Thông qua các nền tảng như website hay mạng xã hội, thương hiệu có thể sử dụng những hình ảnh để truyền tải các cảm xúc mà sản phẩm hay dịch vụ muốn đại diện.
Cho đến khi khách hàng cảm nhận được những giá trị mà thương hiệu muốn truyền tải, doanh nghiệp khó có thể bán hàng cho họ.
Liên tục chạy các chương trình thử nghiệm với người dùng.
Trong khi những chuyên gia hay cố vấn có kinh nghiệm xây dựng thương hiệu có thể mang lại cho bạn nhiều lời khuyên có giá trị, người dùng hay khách hàng cũng đóng các vai trò tương tự đối với sự phát triển bền vững của thương hiệu.
Bằng cách chọn ra những khách hàng lý tưởng (người có khả năng mua hàng cao nhất) của thương hiệu và xem xét những phản hồi của họ tới các tính năng của sản phẩm hay các chiến dịch quảng cáo mà bạn đã chạy, bạn có thể đảm bảo rằng bạn có thể truyền tải những thứ mà khách hàng của mình mong muốn được nghe nhất và sản phẩm mà họ sẵn lòng mua nhất.
Bên cạnh những ý kiến thẳng thắn mà khách hàng đã chia sẻ, cộng với những dữ liệu mà bạn đã thu thập được từ các nền tảng khác, bạn có đủ “nguyên liệu đầu vào” để xây dựng nên những câu chuyện thương hiệu có khả năng cộng hưởng cao nhất.
Cuối cùng, khi nói đến việc xây dựng thương hiệu, lắng nghe và trao đổi trực tiếp với khách hàng chưa bao giờ mất đi giá trị vốn có của nó.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Giang Nguyễn