Skip to main content

Grab và ShopeeFood thống lĩnh thị trường giao đồ ăn, beFood liệu có làm nên chuyện

10 Tháng Hai, 2024

Tháng 8/2023, ông Niklas Ostberg, đồng sáng lập và Giám đốc điều hành Delivery Hero – công ty mẹ của Baemin đánh giá tích cực về triển vọng tại thị trường châu Á, nhưng ngoại trừ Việt Nam, nơi ông cho rằng hoạt động kinh doanh trong mảng giao đồ ăn “không bao giờ có lãi”.

Đây dường như là lời cảnh báo sớm cho số phận của Baemin tại Việt Nam. 3 tháng sau, ứng dụng giao đồ ăn nổi tiếng đến từ Hàn Quốc thông báo chính thức ngừng hoạt động tại Việt Nam từ ngày 8/12/2023. Lý do được đưa ra là “tình hình kinh tế khó khăn trên toàn cầu, cũng như sự canh tranh khốc liệt của thị trường nước sở tại”.

Miếng bánh không dễ nuốt

Theo báo cáo mới đây của Momentum Works, tổng giá trị hàng hóa (GMV) trên các nền tảng giao đồ ăn tại Việt Nam năm 2023 đạt 1,4 tỷ USD, tăng trưởng mạnh nhất Đông Nam Á với mức tăng 27%, trong khi các thị trường khác chỉ tăng trưởng một con số. Dữ liệu được tổng hợp từ 4 nền tảng Grab, ShopeeFood, Baemin và Gojek.

Mặc dù số liệu chứng minh thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam là “miếng bánh béo bở”, cùng với thực tế là việc đặt đồ ăn online dần trở thành một phần cuộc sống của đông đảo cư dân các đô thị lớn, sự ra đi của Baemin dường như là lời nhắc nhở với những đối thủ còn trụ lại rằng “miếng bánh” này không hề dễ nuốt.

Dữ liệu của Momentum Works cho thấy trong năm 2023, Baemin chiếm 5% tổng GMV trên thị trường giao đồ ăn tại Việt Nam. Ngay cả khi Baemin đã thu hẹp hoạt động đáng kể trước khi rút lui hẳn, tỷ lệ này vẫn cao hơn con số 3% của Gojek – nền tảng đến từ Indonesia cung cấp tính năng giao đồ ăn GoFood.

Theo CEO Jianggan Li của Momentum Works, Goto – công ty mẹ của Gojek – nên thoái vốn khỏi thị trường Việt Nam bởi việc cạnh tranh là không khả thi trong ngắn hạn và trung hạn, khi tình hình kinh doanh chung của Goto ngày càng lỗ. Năm 2022, Goto ghi nhận khoản lỗ ròng lên tới 2,7 tỷ USD, cao gấp hơn 3 lần so với doanh thu của công ty.

Tương tự góc nhìn của ông Niklas Ostberg, ông Phạm Chinh, chuyên gia nghiên cứu thị trường bán lẻ cho biết, trong lĩnh vực giao đồ ăn tại Việt Nam chưa công ty nào có lợi nhuận.

Họ kêu gọi đầu tư và dùng tiền đó để duy trì hoạt động. Chi phí luôn lớn hơn doanh thu nên không biết khi nào có lời. Ai chịu đựng giỏi hơn và tồn tại sau cùng sẽ trở thành người chiến thắng“, ông chia sẻ quan điểm với báo Người lao động.

Grab và ShopeeFood thống lĩnh thị trường, beFood liệu có làm nên chuyện?

Cũng theo dữ liệu của Momentum Works, thị trường giao đồ ăn Việt Nam đang là cuộc đua “song mã” giữa Grab và ShopeeFood, với tỷ trọng GMV lần lượt là 47% và 45%.

Xét trên toàn Đông Nam Á, Grab – kỳ lân công nghệ đến từ Singapore – cũng duy trì vị thế dẫn đầu trong năm 2023. Trong khi đó, ShopeeFood tăng trưởng GMV tới 67% tại khu vực, mặc dù Shopee đang tập trung cho cuộc chiến thương mại điện tử, khiến nền tảng này trở thành đối thủ đáng gờm nhất của Grab tại Việt Nam.

Nhìn vào các nền tảng đang dẫn đầu thị trường, bà Vion Yau – Trưởng Bộ phận Phân tích Momentum Works chỉ ra rằng, đây đều là những cái tên đã hiện diện trên thị trường suốt nhiều năm, hiểu đặc tính của thị trường Việt Nam.

Bên cạnh đó, họ cung cấp các dịch vụ bổ trợ đa dạng như taxi – xe ôm công nghệ hay thương mại điện tử, tạo ra nhiều lợi thế so với các nền tảng chỉ tập trung vào một mảng giao đồ ăn“, chuyên gia này phân tích, đồng thời cho thấy một “tử huyệt” của Baemin khiến ứng dụng này phải dừng chân ở Việt Nam.

Xem xét những yếu tố trên, có một cái tên chưa được đưa vào báo cáo của Momentum Works nhưng dường như khá tiềm năng: ứng dụng Be thuộc sở hữu của Be Group – một doanh nghiệp Việt.

Tính đến tháng 12/2023, Be có khoảng 300.000 tài xế trực tuyến làm việc trên nền tảng, phục vụ hơn 15 dịch vụ khác nhau tới tập khách hơn 9 triệu người ở 40 tỉnh thành. Mỗi tháng, Be đang xử lý hơn 20 triệu giao dịch với tỷ lệ người dùng sử dụng nhiều hơn 2 dịch vụ chiếm hơn 50%.

Theo số liệu do Be Group công bố, họ đang nắm giữ 35% thị phần gọi xe tại Việt Nam. Tuy nhiên, mảng giao đồ ăn lại là một câu chuyện khác. Hồi năm 2019, Be Group từng phải hoãn kế hoạch ra mắt beFood sau 6 tháng nghiên cứu và chuẩn bị, nhằm dồn lực cho “cuộc chiến gọi xe”. Tới tháng 4/2022, tính năng beFood mới được triển khai.

Đây được cho là bước đi khôn ngoan của Be Group, khi trước đó thị trường giao đồ ăn đã xuất hiện những cái tên “sớm nở tối tàn” như Lala hay Vietnammm (sau này bán mình cho Baemin). Bên cạnh việc đã xây dựng được nền tảng khách hàng rộng lớn hơn so với thời điểm 2019, Be Group còn vừa được củng cố tiềm lực tài chính khi nhận khoản đầu tư 739 tỷ đồng từ VPBank Securities ngay tháng 1 đầu năm 2024.

Mặc dù vậy, tương tự các nền tảng cung cấp dịch vụ gọi đồ ăn khác, Be sẽ phải đối mặt với thách thức từ việc người tiêu dùng tiếp tục siết chặt chi tiêu vì kinh tế khó khăn, chỉ đặt đồ khi có khuyến mại – đẩy các doanh nghiệp vào cuộc chiến “đốt tiền” để thu hút khách hàng.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Volkswagen dự kiến sa thải hàng chục ngàn nhân viên

25 Tháng Mười Hai, 2024
Nhà sản xuất ôtô hàng đầu châu Âu Volkswagen đạt thỏa thuận với công đoàn trong việc cắt giảm hơn…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …