Một vài xu hướng thương hiệu nổi bật trong 2022 (P1)
Nếu bạn đang tìm cách tối ưu hoá chiến lược thương hiệu của mình trong 2022, một số xu hướng nổi bật dưới đây rất đáng để bạn tham khảo.
Xây dựng thương hiệu hay branding là gì?
Xây dựng thương hiệu là quá trình tạo ra một nhận thức khác biệt và thống nhất về doanh nghiệp trong tâm trí của người tiêu dùng mục tiêu dựa trên nghiên cứu và phát triển.
Thương hiệu là thứ dùng để phân biệt khi so sánh với những doanh nghiệp hay đối thủ khác, nó bao gồm những bản sắc, đặc điểm nhận dạng, nội dung, các sản phẩm và dịch vụ, những hình ảnh công khai hay thông điệp mà doanh nghiệp đã truyền tải ra bên ngoài.
Trong điều kiện lý tưởng nhất, thương hiệu phải dễ dàng truyền đạt sứ mệnh và tầm nhìn của doanh nghiệp đến những bên liên quan ngoài doanh nghiệp.
Chiến lược thương hiệu là gì?
Chiến lược thương hiệu là tất cả những tư duy định hướng đằng sau các hành động được thực hiện với tư cách là một thương hiệu.
Chiến lược thương hiệu thông thường được phát triển dựa trên các mục tiêu về sự hiện diện trên thị trường, đối tượng mục tiêu và khả năng thực hiện các kế hoạch triển khai.
Không giống như các kế hoạch hành động cụ thể mà thương hiệu dự định thực hiện để giành được khách hàng và đạt được các mục tiêu chung, các chiến lược thương hiệu thường mang tính tổng thể về cách bạn sẽ chi tiêu, về định hướng triển khai, về việc ai sẽ làm gì, ở đâu và khi nào.
Tầm quan trọng của thương hiệu và chiến lược thương hiệu.
Xây dựng một thương hiệu và thực hiện các chiến lược thương hiệu là sứ mệnh quan trọng quyết định liệu doanh nghiệp có trở nên nổi bật giữa đám đông hay có nhận được sự quan tâm của các nhóm đối tượng mục tiêu hay không. Dĩ nhiên, có rất nhiều lý do để bạn buộc phải xây dựng thương hiệu, nhưng dưới đây là một số lý do hàng đầu.
Hỗ trợ tăng trưởng.
Về bản chất, khách hàng không chỉ cần các sản phẩm (thậm chí là không cần trong nhiều trường hợp), khách hàng cần các giải pháp hay các mối quan hệ tương hỗ với doanh nghiệp ở cấp độ con người.
Do đó, việc xây dựng nên những tính cách thương hiệu dễ nhận biết, khác biệt và thân thiện với họ có thể giúp thương hiệu dễ dàng nhận được sự quan tâm hơn.
Thay vì chỉ đơn giản là mua các sản phẩm và dịch vụ của doanh nghiệp, khách hàng sẽ ủng hộ và kết nối sâu hơn với các thương hiệu phù hợp với giá trị của họ.
Bảo vệ hình ảnh thương hiệu.
Chiến lược thương hiệu của doanh nghiệp không chỉ được thiết kế để xây dựng và phát triển các mối quan hệ với khách hàng mà còn nhằm giúp bảo vệ hình ảnh thương hiệu (brand image) và bản sắc thương hiệu (brand identity) trước các phản hồi tiêu cực (nếu có) trên thị trường.
Nếu không có một chiến lược thương hiệu rõ ràng và bài bản ngay từ đầu, thật khó để giải quyết các vấn đề hay khủng hoảng phát sinh.
Tạo ra sự khác biệt trên thị trường.
Mặc dù quá trình xây dựng thương hiệu thường rất tốn thời gian và ngân sách. Tuy nhiên, thế giới hay môi trường bên ngoài cũng sẽ luôn thay đổi và qua mỗi khoảng thời gian nhất định, các xu hướng xây dựng thương hiệu mới sẽ xuất hiện.
Để đối phó với các vấn đề này, bạn sẽ cần phát triển một chiến lược thương hiệu thống nhất và linh hoạt có thể vừa thích ứng nhanh với các xu hướng mới nổi vừa trở nên nổi bật và khác biệt hơn so với các đối thủ cạnh tranh khác hiện có.
Các xu hướng xây dựng thương hiệu hàng đầu cho năm 2022.
Vào năm 2022, các thương hiệu sẽ cần nhận thức rõ hơn về nhu cầu đang thay đổi nhanh chóng của người tiêu dùng và thị trường.
Các xu hướng thương hiệu và chiến lược marketing sẽ cần được áp dụng một cách nhanh chóng hơn để trở nên khác biệt trước đám đông.
Dưới đây là những xu hướng thương hiệu hàng đầu cho năm 2022 bạn có thể tham khảo.
1. Các nhà Marketer cần tìm ra những sự cân bằng tốt hơn.
Tiếp thị thương hiệu (brand marketing) thường là một quá trình được triển khai và hướng tới các mục tiêu dài hạn, trong đó mức độ nhận thức về thương hiệu của các nhóm đối tượng mục tiêu sẽ được cải thiện dần theo thời gian.
Tuy nhiên, bởi lý do là thương hiệu ‘luôn sống và không thể chờ đợi’, việc tìm ra các điểm cân bằng giữa dài hạn và ngắn hạn sẽ là chìa khóa quan trọng của những người làm marketing trong các năm tới.
Các đội nhóm marketing sẽ cần cân bằng các hoạt động ngắn hạn (bán hàng) với các nỗ lực xây dựng thương hiệu dài hạn để đảm bảo họ vừa có thể đáp ứng các nhu cầu trước mắt, vừa phát triển bền vững trong tương lai.
Một nghiên cứu gần đây của LinkedIn chỉ ra rằng cả hai cách tiếp cận đều sẽ thất bại nếu bị tách biệt – vì vậy hãy đảm bảo đội nhóm của mình luôn giữ được các điểm cân bằng phù hợp.
2. Cần phải xem yếu tố con người hay khách hàng là trọng tâm của mọi nỗ lực.
Theo báo cáo tiêu dùng toàn cầu năm 2022, 62% người tiêu dùng cho rằng các doanh nghiệp hay thương hiệu cần quan tâm đến họ nhiều hơn. Và kết quả là, 60% người tiêu dùng sẽ mua hàng nhiều hơn nếu điều đó xảy ra.
Người tiêu dùng muốn các thương hiệu kết nối với họ không chỉ để bán hàng mà là mang lại những trải nghiệm khách hàng có ý nghĩa, khiến cuộc sống của họ trở nên dễ chịu hơn.
Các hoạt động truyền thông của thương hiệu theo đó sẽ không nên chỉ tập trung vào việc thu hút khách hàng hay bán hàng, các yếu tố cảm xúc mang đậm yếu tố con người cũng nên được đề cao trong các chiến lược.
Hết phần 1!
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Hà Anh