Skip to main content

Online sẽ là từ khoá của Thế Giới Di Động trong năm 2024

4 Tháng Ba, 2024

Vào năm 2024 này, Thế Giới Di Động cho biết sẽ tập trung tăng doanh thu mảng online ở tất cả các chuỗi với kỳ vọng thúc đẩy tăng trưởng.

“Online” là một từ khoá được các cổ đông và lãnh đạo Thế giới Di động nhắc tới nhiều lần tại cuộc gặp gỡ nhà đầu tư mới đây.

Năm ngoái, mảng kinh doanh online đóng góp cho Đầu tư Thế Giới Di Động khoảng 17.000 tỷ đồng, tương đương 89% năm 2022 – thời điểm đại dịch bùng phát thúc đẩy nhu cầu mua trực tuyến, và góp 14% tổng doanh thu toàn tập đoàn.

Ông Đoàn Văn Hiểu Em – CEO chuỗi Thế giới Di động (TGDĐ) và Điện máy Xanh (ĐMX) khẳng định nếu xét về doanh thu và số lượng đơn hàng thiết bị di động – điện máy trên nền tảng online, chuỗi này vẫn đang duy trì vị thế số một của mình.

Năm nay, với định hướng bán hàng đa kênh, Đầu tư Thế Giới Di Động đặt mục tiêu kênh online sẽ đóng góp 5-30% vào doanh thu toàn tập đoàn, tuỳ từng ngành hàng.

Trong đó, kế hoạch là tách mảng kinh doanh online riêng với chuỗi bán lẻ. Ông Hiểu Em cho biết đội ngũ đảm nhiệm online sẽ chịu trách nhiệm toàn bộ kết quả kinh doanh của mảng này. Trước đây, các chuỗi của Đầu tư Thế Giới Di Động vốn duy trì song song hai mảng online và offline.

Lãnh đạo tập đoàn cho hay, nếu trước khách hàng đã quen với việc được đón tiếp nhiệt tình ngay khi ghé cửa hàng thì nay mua online, trải nghiệm này sẽ được thay thế bằng những chương trình flashsale (giảm giá chớp nhoáng), cung cấp ưu đãi trên từng danh mục sản phẩm.

Thậm chí, nhân viên của cửa hàng cũng thường xuyên gợi ý khách đặt hàng trên website để hưởng ưu đãi và có thể chọn nhận hàng tại đó, không cần chuyển qua khâu giao vận.

Ngoài ra, lãnh đạo tập đoàn tự tin khẳng định mảng online sẽ có sự hậu thuẫn về giá ưu đãi từ lượng các nhà cung cấp lớn đi kèm danh mục hàng hoá đa dạng. Nhờ đó, hoàn toàn có đủ sức cạnh tranh với các đơn vị thương mại điện tử khác.

“Mô hình kinh doanh online thiết bị điện máy của chúng tôi nhận được trợ lực rất lớn từ chuỗi cửa hàng rộng khắp. Bên cạnh đó, chúng tôi còn có hệ thống kho bãi, dịch vụ giao nhận, lắp đặt, chăm sóc khách hàng, hậu mãi… hỗ trợ phía sau”, ông Hiểu Em chia sẻ.

Từ cuối năm ngoái, nhân viên tại TGDĐ hay ĐMX đã tiến hành livestream trên các nền tảng mạng xã hội để chốt đơn hàng online, từ điện thoại tới phụ kiện có mức giá rẻ.

Song song với việc đẩy mạnh kinh doanh online, Đầu tư Thế Giới Di Động đã tiến hành tái cấu trúc từ quý IV/2023 với việc đóng hơn 200 cửa hàng vật lý. Lãnh đạo công ty cho biết sẽ cân nhắc tiếp tục đóng thêm các cửa hàng với tiêu chí “dẹp bỏ những thứ không mang lại hiệu quả”.

Ngoài hai chuỗi TGDĐ và ĐMX, AvaKids cũng là một thương hiệu được Đầu tư Thế Giới Di Động đặt mục tiêu phát triển mảng online với tham vọng “trở thành trang mua sắm online số 1 trong tâm trí các bà mẹ bỉm sữa”.

“Chuỗi AvaKids có khoảng 64 cửa hàng. Hiện đạt doanh thu 1,7 tỷ đồng/cửa hàng/tháng trong khi con số của năm 2023 là hơn 800 triệu đồng. Năm nay, chúng tôi không chú trọng mở rộng Avakids, thay vào đó là tập trung nhiều cho mảng online, đẩy mạnh phương thức kinh doanh này để đáp ứng thói quen mua hàng của các bà mẹ bỉm sữa. 64 cửa hàng này được xem là các hub (trung tâm – pv) phục vụ mảng bán hàng online của chuỗi”, ông Hiểu Em cho biết.

Online cũng là chiến lược được tập đoàn của Chủ tịch Nguyễn Đức Tài dồn sức cho chuỗi bán lẻ tạp hoá Bách Hoá Xanh trong năm nay. Cách đây một năm, thời điểm điều hành chuỗi Bách Hoá Xanh, ôngPhạm Văn Trọng tuyên bố sẽ đưa trang bán hàng online của chuỗi này trở thành số một Việt Nam.

Dễ hiểu khi online trở thành trọng tâm của Đầu tư Thế Giới Di Động trong năm nay. Số liệu của Metric cho thấy năm ngoái, mô hình kinh doanh B2C (doanh nghiệp tới khách hàng) trên các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đạt gần 500.000 tỷ đồng.

Trong đó, 5 sàn phổ biến Shopee ,Lazada, Tiki, Sendo, TikTok Shop chiếm 47% doanh thu. Con số này tăng đáng kể so với 31,4% năm 2021. Do đó có thể thấy nhà bán ICT trên các sàn thương mại điện tử đang “gặm nhấm” thị phần của các đơn vị kinh doanh theo chuỗi truyền thống như Đầu tư Thế Giới Di Động.

Đối thủ của tập đoàn, FPT Shop thuộc FPT Retail cũng có động thái đẩy mạnh mảng kinh doanh online khi tiến hành livestream bán iPhone 15 khi sản phẩm này ra mắt hồi năm ngoái.

Dự báo doanh thu và sản lượng bán bán ra trên các sàn bán lẻ trực tuyến B2C Việt Nam tiếp tục tăng mạnh và đạt 650.000 tỷ đồng trong năm nay. Trong đó, doanh thu ICT trên 5 sàn thương mại điện tử phổ biến dự kiến tăng 35% so với cùng kỳ lên 310.000 tỷ đồng.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Bài viết liên quan