Trong đại hội đồng cổ đông hôm nay, bà Nguyễn Thị Phương – Tổng Giám đốc của WinCommerce (WCM), chủ quản chuỗi siêu thị Winmart và cửa hàng Winmart+, nói đã hoàn thành giai đoạn tái cơ cấu trong năm 2023. Sang năm nay, chuỗi bán lẻ này sẽ quay trở lại chiến lược mở rộng điểm bán.
Công ty đặt mục tiêu mở mới 400-700 cửa hàng và siêu thị, tùy vào tình hình thực tế. Nếu thành công với mục tiêu tối đa, chuỗi này sẽ có hơn 4.000 điểm bán vào cuối năm nay. Doanh nghiệp này tập trung vào các mô hình riêng biệt cho từng khu vực và phân khúc khách hàng.
Ngoài nhân rộng mạng lưới kinh doanh, WinCommerce nêu chiến lược cạnh tranh về giá. Doanh nghiệp sẽ duy trì chỉ số giá ngang bằng hoặc cạnh tranh hơn so với thị trường.
Việc này đến từ gia tăng tỷ lệ sản phẩm mang nhãn hàng riêng và thương hiệu của Masan Consumer. Ngoài ra, họ cũng sở hữu công ty con chuyên về chuỗi cung ứng để xử lý các công việc hậu cần nội bộ giúp tiết giảm chi phí, từ đó có nhiều dư địa để tối ưu hóa chiến lược giá. Dự kiến, doanh thu thuần năm nay đạt 32.500-34.000 tỷ đồng, tăng lần lượt 8-13% so với cùng kỳ.
Chiến lược mở mới cũng bắt đầu mang đến kết quả cho WCM. Trong quý I, doanh thu thuần tăng 8,5% so với cùng kỳ lên 7.957 tỷ đồng. Mô hình cửa hàng Winmart+ chiếm khoảng ba phần tư doanh thu. Biên lợi nhuận gộp tăng 2% lên mức hơn 24%. Riêng nhóm hàng nhu yếu phẩm tiếp tục đạt lợi nhuận thuần sau thuế dương.
WinCommerce là một trong những mũi nhọn tăng trưởng của Tập đoàn Masan trong năm nay. Bên cạnh đó, công ty hàng tiêu dùng Masan Consumer (MCH) cũng là một bộ phận quan trọng.
Doanh nghiệp này ra mắt cơm tự chín với giá bán dự kiến 100.000-150.000 đồng một hộp. Đây là sản phẩm thứ hai nằm trong ngành hàng thay thế bữa ăn tại nhà hàng (RMR), sau lẩu tự sôi.
Bà Nguyễn Trương Kim Phượng – Giám đốc Marketing cấp cao ngành hàng thực phẩm tiện lợi của Masan Consumer (MCH) cho biết với dòng sản phẩm mới, công ty lên kế hoạch mở rộng thị trường mục tiêu từ 1 tỷ USD của ngành hàng mì ăn liền lên 17 tỷ USD của ngành hàng thay thế bữa ăn nhà hàng (RMR).
Các sản phẩm mới của Masan có giá trăm nghìn đồng, cao hơn hẳn so với mức giá vài nghìn đến vài chục nghìn đồng của các sản phẩm ăn liền trên thị trường. Bà Phượng vẫn tự tin dòng sản phẩm này sẽ thành công vì MCH đã có kinh nghiệm “cao cấp hóa” trải nghiệm mì ăn liền từ món ăn mang tính chất chỉ phục vụ người dùng ở những thời điểm khó khăn thành bữa ăn ngon, bổ dưỡng và mang lại sự thoải mái.
Điều này giúp tăng định giá cho các sản phẩm. Bà tin các sản phẩm cao cấp mới sẽ không quá mắc với những người trẻ và nhân viên văn phòng vì “ngoài thức ăn, còn mang lại cho họ những trải nghiệm”.
Cao cấp hóa sản phẩm là một trong những chiến lược quan trọng của Masan Consumer trong thời gian tới. Họ sẽ dùng chiến lược này để mở rộng thêm thị phần nhóm hàng tiêu dùng nhanh (FMCG) trong nước khi hiện tại công ty chỉ mới nắm giữ 8%. Đây cũng là chiến lược để MCH hướng tới thị trường thế giới.
Năm nay, Masan Consumer đặt kế hoạch doanh thu thuần đạt 32.500-36.000 tỷ đồng, tăng hơn từ hơn 8% đến gần 20% so với cùng kỳ. Mức tăng trưởng đóng góp chủ yếu từ ngành hàng thực phẩm tiện lợi, đồ uống và chăm sóc gia đình, cá nhân.
Với những kế hoạch trên, Tập đoàn Masan dự kiến đạt doanh thu thuần hợp nhất 84.000-90.000 tỷ đồng, tăng 7-15% so với cùng kỳ năm 2023. Còn lợi nhuận sau thuế cốt lõi trước phân bổ cho cổ đông thiểu số, dự kiến đạt 2.290-4.020 tỷ đồng, lần lượt tăng hơn 17% và gấp đôi so với năm 2023. Doanh nghiệp này lập các kịch bản khác nhau về điều kiện vĩ mô và kế hoạch đưa ra sẽ dựa trên từng kịch bản.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo VnExpress