Skip to main content

Chiến lược tập trung vào nông thôn của WinMart+

6 Tháng Ba, 2024

Mỗi tháng, trung bình mỗi cửa hàng WinMart+ nông thôn mang về gần 500 triệu đồng doanh thu.

Theo Tổng cục Thống kê, tính đến hết năm 2023, hơn 61% dân số  Việt Nam sống ở nông thôn – đưa nơi đây trở thành thị trường tiềm năng cho các nhà bán lẻ. Đầu năm ngoái, trong một động thái mở rộng thị phần kênh bán lẻ hiện đại, Masan Group – đơn vị sở hữu và vận hành hệ thống WinMart/WinMart+ đưa ra mô hình cửa hàng tạp hoá cho vùng nông thôn và ngoại thị.

Theo bà Nguyễn Thị Phương – CEO WinCommerce (thuộc Masan Group), thị trường bán lẻ nông thôn ước tính có quy mô 50 tỷ USD nhưng rất ít nhà bán lẻ chuyên nghiệp tham gia do người dân có mức thu nhập và chi tiêu thấp hơn thành thị. Khu vực này cần một mô hình hiệu quả mới có thể chiến thắng.

WinMart+ Rural được Masan Group lựa chọn để xây dựng dành riêng cho khu vực nông thôn. Các cửa hàng này có độ nhận diện đơn giản, màu sắc bắt mắt. Hàng hóa bên trong được chọn lọc phù hợp lối sống và khả năng kinh tế, tập trung mạnh vào các chương trình khuyến mãi.

Diện tích các siêu thị này khoảng 80 – 100m2, danh mục gồm hàng hóa nội địa giá rẻ, hoa quả nhập khẩu  phân khúc trung bình.

Sau một năm triển khai mô hình mới, trao đổi với chúng tôi mới đây, phía Masan Group thông tin đã chuyển đổi 1.100 cửa hàng WinMart+ khu vực nông thôn sang chi phí thấp trong nửa cuối năm, vượt kế hoạch ban đầu là 676 điểm.

Doanh thu trung bình mỗi cửa hàng WinMart+ nông thôn tăng từ 12,9 triệu đồng/ngày lên 15 triệu đồng/ngày. Tức mỗi tháng trung bình mỗi cửa hàng WinMart+ nông thôn mang về gần 500 triệu đồng doanh thu – con số đáng kể nếu so với các cửa hàng tạp hoá nhỏ lẻ.

Để cạnh tranh với chợ truyền thống và các cửa hàng tạp hoá và chợ truyền thống, WinMart+ khu vực nông thôn được áp dụng chiến lược giá rẻ.

Trong đó, tại WinMart+ ở vùng nông thôn, ngoại thành các địa phương, Masan Group triển khai ụ đảo hero items – trưng bày 100 sản phẩm giá rẻ. Ngoài ra, khách hàng Hội viên WIN còn được mua với giá rẻ hơn 20% các mặt hàng như rau, thịt.

Để bán được giá rẻ tại những khu vực này, theo WinCommerce khâu logistics đóng vai trò quan trọng. Trong đó trợ lực từ đơn vị logistics nội bộ – Supra được thành lập năm 2022.

Hiện hệ thống trung tâm phân phối Supra đang có 10 cụm kho (bao gồm 6 cụm kho khô và 4 cụm kho lạnh). 50% hàng hóa của WinCommerce được vận chuyển thông qua Supra.

Kết quả Supra giúp WinCommerce giảm chi phí vận chuyển 11% đối với cả sản phẩm bảo quản ở nhiệt độ thường và sản phẩm tươi sống nhờ tối ưu hoá lưu lượng hàng hoá.

Ngoài ra, để có giá rẻ WinCommerce cũng tăng thu mua nguồn nguyên liệu địa phương. Trung bình mỗi năm, đơn vị bán lẻ của tỷ phú Nguyễn Đăng Quang thu mua và tiêu thụ 83.000 tấn nông sản địa phương.

Cuối cùng, giá rẻ cho người tiêu dùng nông thôn đến từ các nhãn hàng riêng dựa vào sản phẩm do Masan Consumer sản xuất. Theo WinCommerce, họ phát triển các nhãn hàng riêng đặc trưng có giá thành rẻ hơn từ 10 tới 20% so với các sản phẩm cùng phân khúc trên thị trường.

Không chỉ Masan Group, thời gian qua, một ông lớn bán lẻ khác là Saigon Co.op cũng đẩy mạnh chiến lược tiến về khu vực nông thôn của mình. Tại các địa phương, Saigon Co.op bám vào thị trường các huyện, thị bằng thương hiệu Co.op Food.

Mô hình kinh doanh mới tập trung vào tuyến huyện được lãnh đạo Saigon Co.op nhắc đến trong Hội nghị tổng kết hoạt động kinh doanh năm 2023 mới đây. Trong đó đáng kể nhất là hệ thống Co.opmart Chợ Mới (An Giang) và Trung tâm thương mại SenseMarket – Co.opmart Cái Bè (Tiền Giang).

Saigon Co.op đặt mục tiêu cán mốc 900 điểm bán vào cuối năm nay, tập trung thúc đẩy mô hình cửa hàng mới, áp dụng điện toán hoá, số hoá vào hoạt động bán lẻ.

Trong khi đó, ban lãnh đạo Masan Group xác định nông thôn là một thị trường nhiều cơ hội khi nhận định “chợ truyền thống là kênh bán lẻ đang thoái trào”.

CEO WinCommerce phân tích rằng với mô hình đại siêu thị, dù chính quyền đã rất nỗ lực, hạ tầng thương mại và giao thông vẫn đi chậm hơn sự phát triển của xã hội. Quỹ đất để phát triển mô hình đại siêu thị không còn nhiều, giá đất lại cao. Trong khi chợ truyền thống gặp vấn đề cố hữu như vệ sinh an toàn thực phẩm, trải nghiệm của khách hàng.

“Hiện nay những kênh này đang thoái trào ở Việt Nam, còn trên thế giới đã thoái trào từ lâu”, bà Phương khẳng định.

Vì thế, trong thời gian tới, WinCommerce sẽ  theo đuổi mô hình siêu thị và minimart (siêu thị cỡ nhỏ) với chuỗi WinMart và WinMart+ dựa trên lợi thế như sự thuận tiện, giải quyết được cơ bản nỗi trăn trở của người dân về vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm, trải nghiệm của khách hàng cũng hoàn toàn khác biệt.

“Sau một năm triển khai, chúng tôi đã tìm ra mô hình thành công. Với 400 triệu đồng doanh thu một tháng, chúng tôi đã có lời giải cho mô hình nông thôn”, bà Nguyễn Thị Phương kết luận hồi năm ngoái.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Doanh Nghiệp & Kinh Doanh

Bài viết liên quan