Skip to main content

Người Việt Nam chi gần 8 tỷ USD mua hàng trên Shopee, TikTok Shop và Lazada trong 6 tháng đầu năm 2025

24 Tháng Bảy, 2025

Doanh số bán hàng (GMV) trên 4 sàn thương mại điện tử lớn đạt hơn 202.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2025. Tuy nhiên, số lượng gian hàng lại giảm 6%, cho thấy thị trường đang bị thanh lọc mạnh mẽ.

Doanh số bán hàng trên 4 sàn thương mại điện tử lớn đạt hơn 202.000 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm. Tuy nhiên, số lượng gian hàng lại giảm 6%, cho thấy thị trường đang bị thanh lọc mạnh mẽ.

Nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn vừa công bố báo cáo thương mại điện tử 6 tháng đầu năm 2025, ghi nhận doanh số bán hàng trên 4 sàn chính gồm Shopee, Lazada, Tiki và TikTok Shop đạt 202.300 tỷ đồng (khoảng 7,8 tỷ USD), tăng gần 42% so với cùng kỳ năm trước. Sản lượng hàng bán ra cũng tăng hơn 25%, lên mức 1,9 triệu sản phẩm.

Dù vậy, số lượng gian hàng lại giảm 6% xuống còn 537.900 shop, cho thấy quá trình thanh lọc ngày càng khốc liệt.

TikTok Shop đe dọa vị thế Shopee

Theo Metric.vn, mức tăng trưởng tích cực trong nửa đầu năm đến từ các yếu tố mùa vụ như lễ hội đầu năm, kỳ nghỉ hè và nhu cầu tiêu dùng thiết yếu.

Tháng 1 ghi nhận mức tăng 50% nhờ Tết đến sớm, tạo hiệu ứng kích cầu mạnh mẽ. Tháng 2 bứt phá với mức tăng 73% do nền so sánh thấp từ kỳ nghỉ Tết 2024.

Trong khi đó, các tháng tiếp theo duy trì đà tăng ổn định với mức tăng lần lượt 16% (tháng 3), 32% (tháng 4), 45% (tháng 5) và 46% (tháng 6), nhờ loạt chiến dịch khuyến mãi và nhu cầu mua sắm mùa hè.

Đáng chú ý, thị trường thương mại điện tử đang chứng kiến xu hướng tái cấu trúc thị phần (market share) rõ rệt. TikTok Shop trở thành tâm điểm với tốc độ tăng trưởng doanh số 69%, kéo thị phần từ 29% lên 39%. Mô hình “giải trí kết hợp mua sắm” đang phát huy sức hút mạnh mẽ, đặc biệt trong giới trẻ.

Riêng Shopee vẫn giữ ngôi đầu với 58% thị phần, nhưng tốc độ tăng trưởng chậm lại và thị phần sụt giảm so với mức 63% cùng kỳ năm ngoái, phản ánh sức ép cạnh tranh ngày càng lớn.

Mặt khác, Lazada và Tiki tiếp tục hụt hơi khi doanh số lần lượt giảm 48% và 63%, thị phần vì thế cũng thu hẹp.

Sự xáo trộn trên cho thấy sự thay đổi rõ rệt trong hành vi tiêu dùng và là tín hiệu để các sàn TMĐT điều chỉnh chiến lược, đặc biệt chú trọng đầu tư vào trải nghiệm nội dung và bán hàng tương tác trực tiếp.

Người bán nhỏ lẻ đang bị loại khỏi cuộc chơi

Dữ liệu của Metric.vn cho thấy xu hướng thị trường ngày càng nghiêng về các nhà bán lớn và cửa hàng chính hãng (shop Mall). Trong 6 tháng đầu năm, số lượng shop phát sinh đơn hàng giảm hơn 80.000 so với cùng kỳ 2024 và giảm hơn 55.000 so với 6 tháng cuối năm ngoái.

Song, các shop Mall, dù chỉ chiếm 3,4% tổng số gian hàng, lại đóng góp tới 29% tổng doanh số trên Shopee và TikTok Shop. Xu hướng này cho thấy sự đào thải ngày càng khốc liệt trong thương mại điện tử khi thị trường đang tập trung vào nhóm nhà bán lớn có khả năng duy trì đơn hàng ổn định.

Bên cạnh đó, báo cáo chỉ ra người tiêu dùng đang ngày càng ưu tiên các cửa hàng chính hãng nhằm đảm bảo chất lượng sản phẩm và độ tin cậy của dịch vụ.

Ngoài ra, việc tăng trưởng doanh số của shop Mall trên cả 2 nền tảng đều cao phản ánh xu hướng mua sắm đang dịch chuyển mạnh về phía các thương hiệu có uy tín. Điều này cũng cho thấy tâm lý tiêu dùng ngày càng khắt khe, đề cao sự an tâm khi mua sắm trong bối cảnh hàng hóa kém chất lượng tràn lan. Shop Mall vì thế không chỉ là nhóm dẫn dắt doanh số mà còn là chỉ dấu cho thay đổi trong hành vi tiêu dùng trên sàn thương mại điện tử.

Trong nửa đầu năm, nhóm hàng nhập khẩu ghi nhận doanh số 7.500 tỷ đồng với hơn 164 triệu sản phẩm bán ra, tốc độ tăng trưởng doanh số đạt gần 7% trong khi sản lượng gần như không thay đổi, phản ánh xu hướng gia tăng giá trị đơn hàng.

Dù thị phần tổng thể chỉ đạt 6%, nhóm hàng nhập khẩu vẫn duy trì sức tiêu thụ tốt nhờ mức giá trung bình thấp, khoảng 45.625 đồng/sản phẩm. Thực tế này cho thấy người tiêu dùng vẫn ưa chuộng mua sắm số lượng lớn với chi phí tối ưu, đặc biệt trong nhóm sản phẩm phổ thông.

Điều này tạo ra thách thức rõ rệt cho nhà bán nội địa trong việc duy trì sức cạnh tranh, thúc đẩy nhu cầu đầu tư vào chất lượng sản phẩm, dịch vụ hậu mãi và tốc độ giao hàng để giữ chân khách hàng.

Theo dự báo của Metric.vn, doanh số thương mại điện tử trong quý III có thể đạt 122.800 tỷ đồng, sản lượng tiêu thụ vào khoảng 1,236 triệu sản phẩm. So với quý trước, mức tăng lần lượt đạt 21% về doanh số và 27% về sản lượng, cho thấy đà phục hồi và mở rộng của thị trường tiếp tục được duy trì.

Động lực chính đến từ loạt chương trình khuyến mãi lớn mùa hè như “Mega Sale” và “Back to School”, cùng với xu hướng tiêu dùng online vẫn giữ được nhịp tích cực sau nửa đầu năm sôi động.

Hành vi mua sắm trong quý này tiếp tục tập trung vào các nhóm ngành hàng thiết yếu như hàng tiêu dùng nhanh, thực phẩm, đồ gia dụng và chăm sóc sức khỏe. Xu hướng này phản ánh rõ tâm lý ưu tiên giá trị sử dụng và chất lượng sản phẩm trong bối cảnh thị trường ngày càng chọn lọc.

Đồng thời, các sàn thương mại điện tử đang tăng tốc đầu tư vào hạ tầng logistics, thúc đẩy các hình thức bán hàng mới như livestream và ưu đãi vận chuyển, giúp tăng khả năng chuyển đổi đơn hàng. Những nỗ lực này không chỉ tạo thêm lợi thế cạnh tranh mà còn góp phần củng cố đà tăng trưởng mạnh mẽ của thị trường trong giai đoạn cao điểm cuối năm.

Special Offer từ MarketingTrips:

  • Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
  • Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips vớfi chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
  • Đăng ký (dành cho Agency): Sign up

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến mới nhất về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Theo Znews

Bài viết liên quan

Nổi bật