Tổng Giám đốc Điều hành VinaCapital: Việt Nam là nền kinh tế mạnh và có tiềm năng trở thành “con hổ mới” của châu Á
Đổi mới sáng tạo đang là xu hướng tại nhiều hội thảo, chương trình, giải thưởng… tuy nhiên, sự nhiễu loạn thông tin về khái niệm và phương pháp tiếp cận đang trở thành rào cản và là thách thức lớn trên con đường đổi mới, sáng tạo của doanh nghiệp Việt Nam.
Ngày 18 – 19/10/2023, Công ty CP Kết nối Nhân tài – Talentnet Corporation đã tổ chức hội thảo “The Makeover”, với sự hiện diện của 20+ diễn giả, 12+ chủ đề đem đến cho khách tham dự đa dạng thông tin, góc nhìn và giải pháp đột phá trong sự đổi mới và sáng tạo trong các chiến lược quản trị nguồn nhân lực.
Việt Nam là 1 trong 10 thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới
Trước khi vào phiên tọa đàm, ông Brook Taylor, Tổng Giám đốc Điều hành VinaCapital có những nhận định tích cực về nền kinh tế Việt Nam và triển vọng Việt Nam sẽ sớm trở thành “con hổ mới” của châu Á.
Việt Nam đang sở hữu vị thế đầy tiềm năng với những thành công nổi bật trong việc nâng tầm khả năng đổi mới và sáng tạo. Những tín hiệu này chính là kết quả từ viễn cảnh nền kinh tế tích cực và sự quyết liệt của các doanh nghiệp trong việc thúc đẩy đổi mới, sáng tạo.
Tuy nhiên, do sau đại dịch ngành bán lẻ toàn cầu đã nhập khẩu nhiều hàng hóa, nhưng người dân muốn tiết kiệm khiến nhu cầu tiêu dùng thế giới giảm, các nhà bán lẻ tồn kho nhiều buộc họ giảm nhập khẩu, và người Việt Nam cũng tiêu dùng ít đi, đó là lý do tăng trưởng của Việt Nam chậm lại.
Bây giờ hàng tồn kho đã giảm nhiều và nhà nhập khẩu bắt đầu mua hàng trở lại, những đơn hàng bán lẻ của khách hàng toàn cầu sẽ tăng trở lại cùng với sự đầu tư và phát triển cơ sở hạng tầng sẽ là yếu tố tăng trưởng kinh tế. Dự báo năm 2024, nền kinh tế Việt Nam được dự báo tăng trưởng đạt khoảng 6,5%.
Theo ông Brook Taylor, trong 20 năm qua nền kinh tế Việt Nam đã tăng trưởng rất tốt, tỷ lệ hộ nghèo đã giảm xuống mức thấp nhất, tầng lớp trung lưu ngày càng tăng. Việt Nam sẽ là quốc gia phát triển trong thời gian tới, các nước phát triển hiện nay cũng có những nét giống như cách Việt Nam đang đi hôm nay.
“Tôi đã nhìn thấy những hoạt động đổi mới sáng tạo ở doanh nghiệp và lực lượng lao động trẻ Việt Nam có kỹ năng tốt, thích hợp đáp ứng nhu cầu nhân sự cho các doanh nghiệp FDI và các doanh nghiệp trong nước… đây sẽ là những yếu tố quyết định trong xu hướng phát triển chung của nền kinh tế. Việt Nam đang trên con đường phát triển và sẽ trở nên giàu có và sớm là con hổ mới của châu Á”, ông Brook Taylor nói.
Thị trường tiêu dùng ở Việt Nam tăng trưởng từ 13 – 26% và Việt Nam là 1 trong 10 thị trường tiêu thụ lớn nhất thế giới. Việc tham gia của lực lượng lao động trẻ thúc đẩy tiêu dùng nhiều hơn, nhất là phụ nữ.
Với 51,7 triệu người lao động từ 15 tuổi trở lên. Độ tuổi lao động trung bình là 32 tuổi – độ tuổi lao động sung sức và tham gia vào thị trường tích cực nhất sẽ thúc đẩy thương mại bán lẻ ở Việt Nam tăng trưởng nhiều hơn.
“Nền kinh tế ổn định, nguồn tài nguyên dồi dào, đặc biệt là về con người, doanh nghiệp Việt Nam dường như đang sở hữu những lợi thế rất lớn trên hành trình đổi mới”, Tổng giám đốc Điều hành VinaCapita nói.
“Sáng tạo x định hướng = hiệu quả”
Phát biểu dẫn đề cho phiên tọa đàm “Sáng tạo x định hướng = hiệu quả”, bà Tiêu Yến Trinh, Nhà sáng lập kiêm Tổng Giám đốc Talentnet Corporation cho rằng, chỉ một từ giúp doanh nghiệp chinh phục đổi mới, sáng tạo chính là “dám”.
Vậy doanh nghiệp có dám thay đổi để bước ra khỏi vùng an toàn; dám từ bỏ cái tôi, những tính xấu cũ; dám kiến tạo, theo đuổi tầm nhìn lớn để cung cấp nhiều giá trị cho xã hội, cho cộng đồng.
Để củng cố thêm cho nhận định của bà Tiêu Yến Trinh, ông Johan Nyvene Chủ tịch Công ty CP Chứng khoán TP. Hồ Chí Minh (HSC) cho rằng, yếu tố then chốt tạo nên những chiến lược đổi mới đột phá là dù ở đâu doanh nghiệp cũng sẽ sử dụng tài chính và công nghệ như những đòn bẩy hướng đến đổi mới. Lúc này, tư duy của lãnh đạo và lực lượng lao động chính là sự khác biệt quyết định tầm vóc của một một chiến lược đổi mới – sáng tạo.
Tuy nhiên, việc sở hữu một tư duy khác biệt và tinh thần “dám” làm của doanh nghiệp đã đủ để tạo nên một chiến lược đổi mới toàn diện?.
Ông Lê Trí Thông, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc PNJ tin rằng, trong nỗ lực theo đuổi đổi mới (makeover), các nhà quản lý doanh nghiệp đang phải cạnh tranh với quỹ thời gian (timeover) và nguy cơ thất bại (gameover).
“Nỗ lực đổi mới phải được thực hiện phù hợp với đặc điểm ngành và diễn ra trong một quỹ thời gian phù hợp, nếu không đó sẽ là một nỗ lực cải tiến thất bại”, ông Thông nói.
Để hạn chế nguy cơ thất bại, ông Andrea Campagnoli, Partner and Head of Vietnam office, Bain & Company Inc đóng góp vào phiên tọa đàm 4 mẫu số chung của các doanh nghiệp chuyển đổi thành công, đó là: Chất lượng nhân tài và định hướng phát triển đúng đắn; sự kỷ luật; khả năng phối hợp của nhân lực trong tổ chức; sự bền bỉ. Đây là kết quả dựa trên khảo sát từ 70.000 người lao động đã tham gia khảo sát của Bain & Company Inc.
Theo ông Andrea Campagnoli, một sai lầm mà doanh nghiệp thường mắc phải khi đổi mới và chọn đổi mới vì mục đích lợi nhuận. Chia sẻ này cũng là đúc kết của nhiều diễn giả.
“Đổi mới sáng tạo không nên đơn thuần xuất phát từ mục tiêu lợi nhuận, tài chính. Cách tiếp cận này có thể khiến doanh nghiệp không nhận được sự ủng hộ từ đối tác, nhân viên, thậm chí làm suy giảm động lực để đổi mới”, Partner and Head of Vietnam office, Bain & Company Inc chia sẻ.
Special Offer từ MarketingTrips:
- Tham khảo giải pháp Agency Listing từ MarketingTrips: Agency Networks
- Đăng bài không giới hạn trên MarketingTrips với chi phí chỉ bằng 1 bài đăng (Booking): Content Partner
- Đăng ký (dành cho Agency): Sign up
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin tức trực tuyến về Marketing, Digital Marketing, Thương hiệu, Quảng cáo và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Theo tạp chí Thị trường Tài chính Tiền tệ