Skip to main content

CEO DeepMind của Google: Thuật toán mới của Google sẽ làm lu mờ ChatGPT

18 Tháng Bảy, 2023

Demis Hassabis, CEO DeepMind, mảng chuyên nghiên cứu và phát triển AI (trí tuệ nhân tạo) của Google cho biết nền tảng đang phát triển một hệ thống có tên là Gemini hướng tới mục tiêu khai thác các thuật toán mới, thứ có thể làm lu mờ các chatbot AI như ChatGPT.

CEO DeepMind của Google: Thuật toán mới của Google sẽ làm lu mờ ChatGPT
CEO DeepMind của Google: Thuật toán mới của Google sẽ làm lu mờ ChatGPT

Dẫn lại ví dụ từ một chương trình trí tuệ nhân tạo có tên AlphaGo từ phòng thí nghiệm DeepMind AI của Google đã từng làm nên lịch sử khi nó đã đánh bại một kỳ thủ vô địch cờ vây.

Giờ đây, Demis Hassabis, nhà đồng sáng lập và CEO của DeepMind (đã được Google mua lại vào năm 2014) cho biết các kỹ sư của Google đang sử dụng các kỹ thuật từ AlphaGo để tạo ra một hệ thống AI mới có tên là Gemini, AI sẽ đánh bại chatbot AI ChatGPT của OpenAI.

Theo mô tả, Gemini là một mô hình ngôn ngữ lớn hoạt động chủ yếu với văn bản (text) vốn có bản chất tương tự như GPT-4 hiện đang được tích hợp trong ChatGPT.

Tuy nhiên, Gemini sẽ không chỉ dừng lại ở đó, nó sẽ còn được kết hợp với các kỹ thuật khác trong AlphaGo, với mục tiêu mang lại những năng lực mới cho hệ thống như khả năng lập kế hoạch hoặc giải quyết vấn đề.

CEO Hassabis nói: “Ở cấp độ cao, bạn có thể coi Gemini là sự kết hợp một số điểm mạnh của các hệ thống kiểu AlphaGo với khả năng sử dụng ngôn ngữ tuyệt vời của các mô hình ngôn ngữ lớn.”

AlphaGo dựa trên một kỹ thuật mà DeepMind là đơn vị tiên phong có tên là học tăng cường (reinforcement learning), trong đó hệ thống sẽ học cách xử lý các vấn đề khó vốn đòi hỏi phải chọn loại hành động nào nên được thực hiện (như cách đưa ra nước đi trong môn cờ vây), bằng cách liên tục lặp lại quá trình học hỏi và theo dõi hiệu suất (kết quả được tạo ra từ các quyết định khác nhau).

CEO này cũng cho biết Gemini vẫn đang trong quá trình phát triển và dự kiến sẽ tiêu tốn hàng trăm triệu USD. CEO Sam Altman của OpenAI cũng từng tiết lộ rằng việc tạo ra GPT-4 đã tiêu tốn của công ty hơn 100 triệu USD.

Gemini được xem là “át chủ bài” của Google trong cuộc đua AI.

Khi Gemini hoàn thành, nó sẽ giúp Google hạn chế các mối đe doạ từ phía đối thủ, thậm chí là nó có thể làm lu mờ các chatbot AI như ChatGPT.

Kể từ khi ChatGPT ra mắt, Google đã gấp rút tung ra chatbot AI có tên là Bard cùng với đó là tích hợp AI tổng quát vào hàng loạt sản phẩm như công cụ tìm kiếm (Google Search) hay Google Ads (đơn vị quảng cáo của Google).

Đội nhóm mới của Google DeepMind theo đó cũng đang tăng cường nghiên cứu các năng lực và kỹ thuật mới của hệ thống AI của Google.

Xây dựng những tư duy mới.

Việc đào tạo một mô hình ngôn ngữ lớn như GPT-4 của OpenAI liên quan đến việc cung cấp một lượng lớn văn bản (text) được chọn làm dữ liệu đầu vào từ sách, hệ thống các trang web mở và các nguồn khác, sau đó đưa các dữ liệu này vào phần mềm học máy được gọi là máy biến áp (transformer).

Ngoài một số kỹ thuật cơ bản như sắp xếp và dự báo ký tự, một bước bổ sung quan trọng khác trong việc tạo ra các chatbot AI như ChatGPT (và các mô hình ngôn ngữ có khả năng tương tự khác) là sử dụng phương pháp học tăng cường (reinforcement learning) dựa trên những phản hồi từ con người đối với các câu trả lời để từ đó tối ưu hệ thống.

Kinh nghiệm sâu sắc của DeepMind với kỹ thuật học tăng cường được dự báo là có thể cho phép các kỹ sư tạo ra cho Gemini nhiều loại năng lực mới hơn.

CEO Hassabis cũng cho biết thêm rằng việc các mô hình ngôn ngữ lớn tìm hiểu thế giới một cách gián tiếp thông qua văn bản (text) chính là điểm hạn chế lớn nhất.

Từ góc nhìn này, các nhà nghiên cứu của Google DeepMind hiện đang tìm cách kết nối từ rô-bốt đến khoa học thần kinh vào hệ thống AI của mình.

Khả năng học hỏi từ trải nghiệm thực tế của thế giới, giống như con người và động vật, được cho là chìa khoá có thể khiến cho các mô hình AI có nhiều khả năng hơn (và sát với thực tế hơn).

Tương lai của AI vẫn là một dấu chấm hỏi lớn.

Trong khi những tiến bộ mới đây của AI đã giúp tạo ra không ít sự lạc quan về công nghệ này, nhiều chuyên gia trong ngành, bao gồm cả những người trực tiếp tham gia vào quá trình xây dựng thuật toán (Algorithm) cũng đặt ra câu hỏi là liệu AI có bị sử dụng cho mục đích xấu hay không, hay liệu nó có thể vượt ra khỏi tầm kiểm soát hay không.

Một số người trong ngành công nghệ thậm chí đã kêu gọi tạm dừng việc phát triển các thuật toán mạnh hơn để tránh tạo ra những điều gì đó nguy hiểm hơn.

CEO Hassabis cho biết rằng với những gì mà AI có thể mang lại và quá trình phát triển nó gần như không thể dừng lại, nếu được thực hiện đúng cách, nó sẽ là công nghệ có lợi nhất cho nhân loại từ trước đến nay.

CEO này cũng cho biết một trong những nguyên nhân lớn khác khiến nhiều người lo ngại về AI đó là vì các doanh nghiệp hiện đang tự phát triển nó một cách riêng biệt, khi các giới học thuật hay cơ quan kiểm soát không thể tìm hiểu và can thiệp.

Ngược lại, Google DeepMind có thể làm cho các hệ thống của mình dễ tiếp cận hơn (và minh bạch hơn) với các nhà khoa học bên ngoài. Các nhà nghiên cứu ngoài doanh nghiệp có thể tìm hiểu những tính năng mới nhất của AI.

“Tôi rất muốn thấy giới học thuật sớm tiếp cận với các mô hình tiên phong này.” CEO Google DeepMind nói.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

 

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …