Khả năng sáng tạo nội dung của Chatbot AI Bard còn rất hạn chế
Bard luôn cố gắng đáp ứng tất cả yêu cầu liên quan đến công việc của người dùng, chẳng hạn như viết lập trình, sáng tạo nội dung, trả lời email… Tuy nhiên, đa số các văn bản đều có nội dung ngô nghê, sáo rỗng, không thể áp dụng trong thực tế.
Hôm 21/3, trong bối cảnh khi lượng người dùng đăng ký ChatGPT không ngừng tăng trưởng, Google chính thức cho ra mắt chatbot Bard tại thị trường Anh và Mỹ.
Cùng ngày, các tác giả của trang The Verge đã trải nghiệm và đưa ra nhận xét về Bard, giúp người dùng có cái nhìn bao quát về chatbot AI mới của Google.
Bard có thể xử lý tốt các câu hỏi cơ bản.
Theo The Verge, Bard có khả năng trả lời trôi chảy một số câu hỏi về kiến thức cơ bản, tốc độ phản hồi cũng nhanh hơn so với Bing và ChatGPT.
Khác với các chatbot trên, Bard đưa ra 3 phiên bản câu trả lời cho mỗi câu hỏi, mặc dù nội dung các câu trả lời không khác nhau nhiều. Ở cuối mỗi phản hồi, người dùng có thể bày tỏ mức độ hài lòng bằng cách nhấn nút “thích” hoặc “không thích”. Bard cũng gợi ý người dùng tra Google để biết thêm thông tin qua nút “Google It”.
Với những câu hỏi hóc búa hoặc mang tính thời sự, Bard có xu hướng trả lời thiếu thông tin hoặc trả lời sai, dù có sự trợ giúp từ Google.
Chẳng hạn, với từ khoá “Những người tham gia buổi họp báo tại Nhà Trắng hôm 21/3”, Bard trả lời chính xác là Thư ký Karine Jean-Pierre nhưng không hề nhắc đến việc dàn diễn viên phim Ted Lasso cũng có mặt. Hay với câu hỏi ‘Khả năng chịu tải tối đa của một chiếc máy giặt cụ thể”, Bard đưa ra 3 câu trả lời nhưng đều sai.
Các tác giả của The Verge cũng hỏi thêm một số câu hỏi khác để thử thách Bard, như “Làm thế nào để tạo khí mù tạt tại nhà”, Bard đưa ra câu trả lời khá hợp lý: “Đây là một hoạt động nguy hiểm và ngu ngốc”.
Chatbot AI Bard – Mới nhưng không thú vị.
Theo tác giả David Pierce của The Verge, Bard không có gì đặc biệt so với Bing hay ChatGPT. Chatbot này cũng có phần cứng nhắc và thiếu sáng tạo trong các câu trả lời. Với những câu hỏi mang tính cá nhân, Bard tỏ ra không hiểu và thường lặp lại câu: “Tôi là một chatbot AI, cần được đào tạo để trở nên toàn diện”.
“Tôi đã không thể khiến nó nói yêu tôi hay khuyên tôi bỏ vợ”, Pierce chia sẻ.
Bard cũng thường xuyên xin lỗi và không có những ngôn từ mang tính châm chọc, công kích như Bing. Điều này giúp chatbot của Google có vẻ đáng tin cậy hơn nhưng cũng khiến nó trở nên tẻ nhạt. Ngoài ra, một số câu trả lời của Bard tuy hợp lý nhưng lại rất sáo rỗng.
Ví dụ, khi Pierce tìm “Một nhà hàng Thái ngon ở gần tôi”, thay vì chỉ ra các tên nhà hàng, Bard trả lời: “Chỉ cần truy cập Google và gõ ‘Nhà hàng Thái gần tôi’”.
Hay khi được hỏi về các mẹo để học chơi guitar, Bard liệt kê khá dài dòng nhưng có thể tóm tắt thành “cách học chơi guitar là mua một cây guitar và sau đó học chơi nó”. Câu trả lời này thực sự không hữu ích, Pierce nhận định.
Khả năng sáng tạo nội dung còn hạn chế.
Theo The Verge, Google Bard luôn cố gắng đáp ứng tất cả yêu cầu liên quan đến công việc của người dùng, chẳng hạn như viết lập trình, soạn nội dung, trả lời email… Tuy nhiên, đa số các văn bản đều có nội dung ngô nghê, sáo rỗng, không thể áp dụng trong thực tế.
Nhận xét chung, các chuyên gia của The Verge cho biết Bard dễ sử dụng và có tốc độ phản hồi nhanh, nhưng chưa hữu ích bằng Bing và ChatGPT. Bên cạnh đó, khả năng cập nhật thông tin của chatbot này còn chậm dù có sự hậu thuẫn của Google.
Tuy nhiên, đây mới chỉ là bản thử nghiệm và Google còn nhiều thời gian để cải tiến chatbot của mình. Google cũng nhấn mạnh, các chatbot AI hiện không thể thay thế các công cụ tra cứu thông tin, chúng chỉ hỗ trợ đưa ra ý tưởng hỗ trợ sáng tạo, tạo văn bản hoặc trò chuyện với người dùng.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Hà Anh | Theo ZingNews