Skip to main content

Doanh nghiệp bứt phá nhờ hệ sinh thái thương mại điện tử

28 Tháng Mười Một, 2021

Covid-19 mở ra cơ hội phát triển kinh tế số, khiến chuyển đổi số thành bước ngoặt tất yếu của doanh nghiệp, theo Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam.

Doanh nghiệp bứt phá nhờ hệ sinh thái thương mại điện tử
Source: Pexels

Trong diễn đàn “Bứt phá cùng chuyển đổi số” nằm trong khuôn khổ chương trình CTO Summit 2021, do VnExpress tổ chức và phát trực tuyến ngày 25/11, ông Nguyễn Huy Hoàng, Giám đốc Phát triển Đối tác Kinh doanh Lazada Việt Nam đã đưa ra những nhận định xoay quanh bước ngoặt chuyển đổi số của các doanh nghiệp công nghệ lẫn ngoài công nghệ.

Chuyển đổi số được xem như bước đệm quan trọng giúp doanh nghiệp bứt tốc trong thời đại 4.0. Cộng thêm lực đẩy từ làn sóng chuyển dịch từ offline lên online, ông Hoàng cho rằng chuyển đổi số giờ đây không còn là lựa chọn mà đã thành bước ngoặt tất yếu của doanh nghiệp ở thời điểm hiện tại.

Bình thường mới – vận hội mới.

Trải qua hơn 4 tháng giãn cách xã hội, Việt Nam chính thức bước vào giai đoạn bình thường mới. Làn sóng Covid-19 thứ 4 vừa qua tại Việt Nam đã cho thấy sự chuyển dịch mạnh mẽ của cả thói quen tiêu dùng lẫn nền tảng kinh doanh chính của các doanh nghiệp thương mại đa lĩnh vực.

Theo báo cáo của Google, Temasek và Bain & Company, quy mô thương mại điện tử Việt Nam đạt giá trị 21 tỷ USD và dự kiến đến năm 2025 sẽ tăng lên 57 tỷ USD. Báo cáo cũng ghi nhận có đến 8 triệu người tiêu dùng kỹ thuật số mới kể từ khi đại dịch bùng phát.

Đây là dấu hiệu tích cực cho thấy người dân đã dần quen với các hoạt động mua sắm trên internet. Dù muốn hay không, nhiều người phải thừa nhận họ không biết làm gì ngoài lên mạng trong những ngày giãn cách xã hội.

Mặt khác, hình thức đi chợ, mua sắm hàng thiết yếu và tiêu dùng nhanh trực tuyến tưởng chừng bất khả thi nay lại được chào đón nhiệt tình.

Ông Nguyễn Huy Hoàng đã chỉ ra có đến 53% người dân Việt Nam cho rằng mua sắm hàng tạp hóa, thiết yếu trên mạng đã thành lối sống mới. Đây là sự thay đổi vượt bậc so với trước đại dịch.

Ngoài ra, tâm lý mua sắm “trả thù” cũng thúc đẩy người tiêu dùng mạnh tay chi tiêu, không ngại “mở hầu bao” trong những đợt sale cuối năm. Doanh nghiệp có thể nắm bắt cơ hội này để thúc đẩy doanh số, bù đắp lại quãng thời gian “đóng băng” trước đó.

Theo ông Hoàng, đây chính là dấu hiệu tích cực, mở ra cơ hội cho nền kinh tế phục hồi và phát triển mạnh mẽ hậu suy thoái. Trong đó, chuyển đổi số đã trở thành một xu hướng tất yếu chứ không còn là lựa chọn nếu doanh nghiệp muốn tăng trưởng bứt phá.

Trên hành trình số, thương mại điện tử giữ vai trò là “cánh tay trợ lực”, giúp các doanh nghiệp đối tác “lên sóng” nhanh chóng và dễ dàng hơn nhiều bằng những chính sách và chiến lược số riêng biệt.

Tuy nhiên, vị giám đốc cũng chỉ ra rằng để bắt kịp làn sóng chuyển đổi số, không ít doanh nghiệp đang phải đối mặt với nhiều thách thức do trước nay họ chưa từng hoặc chưa quen với kinh doanh online.

“Đứng trước những cơ hội và thách thức đó, hệ sinh thái thương mại điện tử với hậu thuẫn là nền tảng công nghệ vững chắc, sẽ là chìa khóa giúp tháo gỡ “nút thắt” này cho các doanh nghiệp”, ông Hoàng khẳng định.

“Chìa khóa” giúp doanh nghiệp mở cánh cửa kỹ thuật số.

Ông Nguyễn Huy Hoàng cho biết, để sống sót qua đại dịch, nhiều thương hiệu và doanh nghiệp đã chọn cách “lên sàn” để duy trình kinh doanh.

Theo báo cáo Quý III/2021 của Lazada Việt Nam, số lượng thương hiệu và nhà bán hàng tham gia kinh doanh trên Lazada tăng gấp 1,5 lần.

Trong đó có những thương hiệu lớn như Estée Lauder, Shiseido, Shu Uemura, Starbucks, Dyson, VinMart… Những thương hiệu F&B như Pizza 4P’s, Vua Cua, Paris Baguette… cũng tìm đến “lối thoát” trên thương mại điện tử trong thời điểm dịch bệnh căng thẳng, dừng mọi hoạt động kinh doanh ăn uống tại chỗ.

Đáp lại nỗ lực “lên sàn” của doanh nghiệp, thương mại điện tử đã mang về cho đối tác lượng khách hàng tiềm năng với số lượng bùng nổ. Cũng trong quý III/2021, Lazada Việt Nam đã chứng kiến số lượng đơn hàng và lượng khách mua sắm trực tuyến tăng gấp hai lần so với cùng kỳ năm ngoái.

Nhận xét về động thái của các doanh nghiệp Việt trên, ông Hoàng cho rằng sự phát triển của thương mại điện tử chính là yếu tố thúc đẩy chuyển đổi số mạnh mẽ nhất với họ.

Doanh nghiệp có thể thoải mái tiếp cận nguồn khách hàng sẵn có của các sàn, nhận sự hỗ trợ tiếp thị qua các chương trình, sự kiện, lễ hội mua sắm; đồng thời kết nối vận chuyển hàng từ doanh nghiệp đến tận tay người dùng.

“Quá trình giao hàng kết hợp cùng thương mại điện tử như Lazada nhanh chóng và dễ dàng hơn bởi chúng tôi luôn không ngừng cải tiến về mặt công nghệ. Ứng dụng AI, tự động hóa quy trình và giúp thiết kế tuyến đường vận chuyển hợp lý nhất.

Đây là lợi thế to lớn mà thương mại điện tử mang lại cho doanh nghiệp”, vị Giám đốc phát triển đối tác kinh doanh Lazada Việt Nam cho hay.

Xu thế vững bền trong tương lai.

Hành trình chuyển đối số của doanh nghiệp Việt ở thời điểm hiện tại tuy khả quan, tích cực và ngày càng sôi động, song vẫn còn nhiều trở ngại, thách thức và e dè.

Ông Hoàng dự đoán rằng trong 5 năm tới, dù chuyển đổi số đã ăn sâu trong các tổ chức, doanh nghiệp, không cần thúc đẩy hay nhắc nhiều như hiện nay, các sàn thương mại điện tử vẫn có thể lạc quan về sự phát triển của lĩnh vực này tại Việt Nam và khu vực Đông Nam Á.

Theo báo cáo eConomy 2021 của Google, Temasek và Bain & Company, thương mại điện tử Việt Nam vẫn sẽ duy trì phát triển vượt bậc với tiềm lực khai phóng mạnh mẽ. Mua sắm trực tuyến sẽ không chỉ là một sự lựa chọn, mà dần trở thành một phần của nếp sống của người dân Việt Nam.

Với các số liệu tích cực như 71% người sử dụng internet trong nước từng mua sắm trực tuyến ít nhất một lần, hay có đến 99% người mua sắm trực tuyến mới sẽ tiếp tục mua sắm trong tương lai… Doanh nghiệp hoàn toàn có thể lạc quan về một tương lai kỹ thuật số chiếm lĩnh thị trường và trở thành xu hướng tất yếu không của riêng bất cứ lĩnh vực nào.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

VinVentures công bố báo cáo xu hướng đầu tư khởi nghiệp tại Việt Nam năm 2024

2 Tháng Một, 2025
Quỹ VinVentures cho biết giá trị đầu tư vào các startup tại Việt Nam trong năm 2024 giảm mạnh 30%…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …