Thuật toán Facebook EdgeRank 2022 cho Digital Marketer
Vào năm 2022, thuật toán xếp hạng trên Facebook (EdgeRank) được tạo thành từ 4 tín hiệu xếp hạng chính: recency (nội dung mới cập nhật), popularity (mức độ phổ biến), content type (loại nội dung) và relationship (mức độ thân thiết giữa người dùng với thương hiệu).
Tính đến cuối năm 2021, phạm vi tiếp cận tự nhiên (organic reach) vẫn tiếp tục giảm.
Phạm vi tiếp cận trung bình cho một bài đăng tự nhiên trên Facebook giảm xuống còn 5,2%. (Vào cuối năm 2019 là 5,5% và năm trước đó là 7,7%).
Trong khi đó, tỷ lệ tương tác trung bình (AER) vào năm 2020 cho một bài đăng tự nhiên trên Facebook là 0,25%. Con số đó giảm xuống còn 0,08% đối với những Trang hoặc tài khoản cá nhân có hơn 100.000 người theo dõi.
Thuật toán của Facebook ngày càng trở nên khó khăn đối với những nội dung có thương hiệu không phải trả phí (branded organic content).
Tuy nhiên, mọi chiến lược marketing trên Facebook đều cần cả nội dung có trả phí lẫn nội dung tự nhiên, có nghĩa là đã đến lúc bạn cần khám ra những gì thực sự đang điều hướng mức độ hiệu quả trên nền tảng.
Việc tìm hiểu rõ các thuật toán và những yếu tố xếp hạng chính trên Facebook là những gì các Digital Marketer nên làm.
Thuật toán Facebook là gì?
Thuật toán Facebook là những yếu tố quyết định những bài đăng mà mọi người sẽ nhìn thấy mỗi khi họ kiểm tra nguồn cấp dữ liệu Facebook (News Feed) của họ và những bài đăng đó hiển thị theo thứ tự nào.
Về cơ bản, Facebook từng nhắc nhở nhiều lần rằng không có một thuật toán duy nhất nào cả, mà là “bao gồm nhiều yếu tố xếp hạng và mô hình máy học khác nhau” được xây dựng để dự đoán bài đăng nào sẽ “có giá trị và ý nghĩa nhất đối với một cá nhân về lâu dài.”
Nói cách khác, thay vì thể hiện mọi bài đăng có sẵn trên Facebook theo thứ tự thời gian, thuật toán Facebook sẽ đánh giá mọi bài đăng, cho điểm và sau đó sắp xếp nó theo thứ tự quan tâm giảm dần đối với từng người dùng. Quá trình này xảy ra mỗi khi người dùng làm mới (refresh) nguồn cấp tin tức của họ.
Tóm tắt lịch sử của thuật toán của Facebook.
Thuật toán của Facebook vào 2003-2009.
Điều đầu tiên: tất cả chúng ta đều biết rằng Facebook ra đời vào năm 2004 bởi nhà sáng lập Mark Zuckerberg.
- Nguồn cấp tin tức Facebook ra mắt vào năm 2006.
- Nút Thích xuất hiện vào năm 2007.
- Năm 2009, Facebook đưa ra thứ tự sắp xếp trong đó các bài đăng có nhiều lượt thích nhất sẽ được đưa lên đầu nguồn cấp dữ liệu.
Thuật toán của Facebook vào 2015.
Facebook bắt đầu quan tâm đến trải nghiệm người dùng nên đã bắt đầu hạ thứ hạng các Trang đăng tải các nội dung quảng cáo quá mức. (tức là các bài đăng tự nhiên nhưng có nội dung giống với quảng cáo.)
Cũng trong năm 2015, Facebook đã cung cấp cho người dùng khả năng thúc đẩy thuật toán trực tiếp: tính năng “Xem trước” (See First) cho phép người dùng ưu tiên các bài đăng của các Trang mà họ yêu thích trong nguồn cấp dữ liệu của họ.
Thuật toán của Facebook vào 2016.
Vào năm 2016, Facebook đã thêm một tín hiệu xếp hạng đó là “thời gian sử dụng”. Nói cách khác, Facebook bắt đầu đo lường giá trị của một bài đăng dựa trên lượng thời gian người dùng dành cho bài đăng đó, ngay cả khi họ không thích hay chia sẻ nó.
Các video trực tiếp cũng được ưu tiên vì nó mang lại thời gian xem nhiều hơn gấp 3 lần so với các video thông thường.
Thuật toán của Facebook vào 2017.
Đây là năm mà Facebook bắt đầu ưu tiên các phản ứng cảm xúc (emotional reactions), bằng cách coi trọng các phản ứng (tức là các phản ứng hình trái tim hoặc khuôn mặt giận dữ, mặt cười ‘haha’…) hơn là lượt Thích như trước kia.
Một tín hiệu xếp hạng khác cũng được thêm vào video đó là tỷ lệ xem hoàn thành. Nói cách khác, những video được mọi người xem càng lâu thì càng được ưu tiên hiển thị.
Thuật toán của Facebook vào 2018.
Vào tháng 1 năm 2018, Mark Zuckerberg đã thông báo rằng thuật toán Facebook giờ đây sẽ ưu tiên “các bài đăng có thể thúc đẩy các cuộc trò chuyện và những tương tác mang nhiều ý nghĩa.”
Cập nhật này được cho là Facebook đang đáp lại những lời chỉ trích rộng rãi về những tác động tiêu cực của các nền tảng mạng xã hội nói chung và với Facebook nói riêng. Facebook từ đó quan tâm nhiều hơn đến yếu tố sức khỏe tinh thần của người dùng.
Để có được sức hút, các thương hiệu giờ đây sẽ cần phải tìm kiếm được nhiều lượt tương tác có giá trị cao hơn, ví dụ như: bình luận, phản ứng, trả lời bình luận…
Thuật toán của Facebook vào 2019.
Các cập nhật trong năm 2019 bao gồm: ưu tiên các “video gốc và có chất lượng cao” có thể giúp người xem xem lâu hơn 1 phút và đặc biệt là video thu hút sự chú ý dài hơn 3 phút.
Facebook cũng bắt đầu ưu tiên hiển thị các bài đăng và nội dung từ “bạn bè thân thiết”: tức là những người mà mọi người tương tác với nhau nhiều nhất, cho dù đó là bằng cách gắn thẻ nhau trong ảnh, gửi tin nhắn trực tiếp trong Messenger hay bình luận.
Thuật toán của Facebook trong 2020.
Facebook thông báo rằng họ đang giúp người dùng hiểu thuật toán hơn và kiểm soát dữ liệu của chính họ để đưa ra cho thuật toán những phản hồi tốt hơn.
Tuy nhiên, mọi người ngày càng quan tâm đến quyền riêng tư của họ và đối với nhiều người, “các quảng cáo liên quan hơn” dường như không phải là một sự đánh đổi xứng đáng.
Trong khi đó, vào năm 2020, Facebook đã thông báo rằng thuật toán của họ giờ đây sẽ đánh giá độ tin cậy và chất lượng của các bài báo để quảng bá tin tức có căn cứ thay vì thúc đẩy những thông tin sai lệch.
Cập nhật thuật toán Facebook 2022.
Theo Margaret Mitchell, chuyên gia về AI và là cựu nhân viên Google, người dùng cần biết chi tiết lý do tại sao họ nhìn thấy những gì đang hiển thị, như phản hồi các bài đăng, quảng cáo…
Theo Mitchell, Facebook có thể cho phép người dùng tùy chọn xem những thứ được tối ưu hóa cho mình, như tần suất muốn xem nội dung từ gia đình, bạn bè, hoặc hình ảnh em bé. “Tại sao không để người dùng kiểm soát chúng?”, bà đặt câu hỏi. “Minh bạch là chìa khóa, vì nó khuyến khích hành vi tốt từ các mạng xã hội”.
Sasha Costanza-Chock, Giám đốc nghiên cứu của Algorithmic Justice League, cho rằng cần tăng cường kiểm toán độc lập đối với các hoạt động của thuật toán.
Các nhà nghiên cứu, nhà báo điều tra hoặc chuyên gia thuộc các cơ quan quản lý sẽ tham gia vào quy trình này, bởi họ có kiến thức và thẩm quyền để yêu cầu quyền truy cập vào các hệ thống thuật toán.
Tuy vậy, một số chuyên gia đánh giá, rào cản khiến Facebook không thay đổi thuật toán là mạng xã hội này quá tập trung vào tầm quan trọng của sự tương tác hoặc thời gian người dùng dành cho việc cuộn, nhấp chuột vào các bài đăng và quảng cáo trên nền tảng.
“Sẽ rất khó thay đổi, nó liên quan đến cảm giác người dùng khi sử dụng Facebook, chứ không hẳn chỉ là thời gian họ gắn bó trên đó”, James Mickens, Giáo sư khoa học máy tính tại Harvard, nhận xét.
Dù hy vọng Facebook điều chỉnh thuật toán nhiều hơn để hướng tới lợi ích công cộng, ông băn khoăn: “Điều gì sẽ thuyết phục Facebook và các công ty tương tư bắt đầu thay đổi theo hướng này?”.
Trong khi đó, theo Haugen, về cơ bản, Facebook quyết định về những nội dung họ muốn người dùng xem, nhưng giữ bí mật về quyết định đó với công chúng vì thay đổi thuật toán có thể ảnh hưởng đến thu nhập của công ty.
Thuật toán Facebook hoạt động như thế nào trong năm 2022 và hơn thế nữa.
Về bản chất, thuật toán lõi của Facebook vẫn không thay đổi ngay cả trong 2022 và có thể là tiếp sau này, dưới đây là một số điểm chính trong thuật toán của nền tảng.
- Đầu tiên, Facebook lấy tất cả các bài đăng có sẵn trong mạng lưới kết nối của người dùng (inventory) và cho điểm các bài đăng đó theo các tín hiệu xếp hạng định trước, như loại bài đăng, lần truy cập gần đây, v.v.
- Tiếp theo, Facebook loại bỏ các bài đăng mà người dùng không có khả năng tương tác dựa trên những hành vi trước đây của người dùng đó. Facebook cũng giáng cấp những nội dung mà người dùng không muốn xem (những nội dung dụ dỗ click chuột, thông tin sai lệch hoặc nội dung mà họ từng chỉ định là họ không thích).
- Sau đó, Facebook chạy một mô hình máy học trên các bài đăng còn lại để chấm điểm chúng theo cách được cá nhân hóa và xếp hạng chúng theo thứ tự giá trị.
- Cuối cùng, Thuật toán của Facebook sẽ tự động sắp xếp một loạt các loại nguồn và kiểu phương tiện truyền thông thú vị mà người dùng có thể muốn cuộn qua.
Facebook EdgeRank 2022 và 4 dấu hiệu xếp hạng chính của Facebook:
- Relationship – Mối quan hệ: Bài đăng đó có phải từ một người, doanh nghiệp, nguồn tin tức hoặc nhân vật công chúng mà người dùng thường tương tác hay không? Bạn càng tương tác nhiều từ một thương hiệu thì nội dung từ họ càng được ưu tiên hiển thị.
- Content Type – Loại nội dung: Loại nội dung nào trong bài đăng và loại phương tiện truyền thông nào mà người dùng tương tác nhiều nhất? (là video, ảnh hay liên kết, v.v.). Facebook hiện ưu tiên hiển thị các kiểu nội dung theo thứ tự: video, hình ảnh, liên kết, và các bài đăng thuần về văn bản (text).
- Popularity – Mức độ phổ biến: Những người đã xem bài đăng đó phản ứng với nó như thế nào? (Đặc biệt là bạn bè của bạn). Có phải họ đang chia sẻ nó, bình luận về nó, bỏ qua nó, hay tỏ ra không đồng tình với nó hay không? Những nội dung càng được nhiều người tương tác (đặc biệt là bạn bè của bạn) thì càng có cơ hội được hiển thị nhiều hơn.
- Recency – Mức độ mới mẻ của nội dung: Bài đăng đó được đăng khi nào? Bài đăng càng mới thì càng được ưu tiên hiển thị.
Ngoài ra bạn cũng cần lưu ý rằng, nếu các dấu hiệu là như nhau thì Facebook sẽ tính đến các dấu hiệu tiếp theo.
Ví dụ nếu bạn đăng nội dung video (đang được ưu tiên hàng đầu) nhưng lượng tương tác quá ít so với những bài đăng bằng hình ảnh (mặc dù ít được ưu tiên hơn video) thì bài đăng bằng hình ảnh này vẫn sẽ được ưu tiên hiển thị nhiều hơn.
Cũng tương tự, nếu các bài đăng là cùng loại nội dung và cùng có nhiều lượt tương tác thì các bài đăng có nhiều lượt bình luận hơn sẽ được ưu tiên hiển thị nhiều hơn. Lượt bình luận sẽ được ưu tiên nhiều hơn so với lượt thích hay chia sẻ.
Kết luận.
Bởi bản chất là thuật toán của các nền tảng mạng xã hội như Facebook hay Instagram vẫn không ngừng thay đổi, bằng cách nhập nhật và hiểu thuật toán của Facebook trong 2022 và hơn thế nữa, bạn có nhiều cách hơn để tối ưu hoá nội dung của mình.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen