Metaverse thiếu hụt nhân sự có khả năng xây dựng
Chỉ cần có hiểu biết về metaverse, bạn sẽ được các công ty công nghệ săn đón, đưa ra mức lương hậu hĩnh và hơn thế nữa.
Vũ trụ ảo metaverse là một trong những từ khóa được quan tâm gần đây, đặc biệt là các ông lớn công nghệ như Meta, Apple, Google.
Tuy nhiên, khái niệm này vẫn còn mơ hồ với số đông. Có thể một số người đã từng nghe qua metaverse nhưng ít ai trong số đó hiểu tường tận về nó.
Do đó, các hãng công nghệ đang tìm kiếm những ứng cử viên tiềm năng có hiểu biết về cách thức hoạt động của metaverse và phát triển nó.
Khi metaverse trở thành một nghề.
Cụ thể, theo dữ liệu Digital Business School (ISDI) thu thập được, “chuyên gia metaverse” là một trong những ngành nghề được các công ty công nghệ săn đón nhất cùng với 40 chức danh khác, nghe lạ lẫm y hệt khoa học viễn tưởng.
Kỹ sư khoa học dữ liệu, lập trình viên full stack và kiến trúc sư mảng điện toán đám mây là những vị trí yêu cầu bằng STEM.
Trong khi đó, những công việc khác như nhà hoạch định truyền thông hay chuyên viên mảng nghệ thuật sẽ đòi hỏi ứng viên phải có hiểu biết về công nghệ và kỹ năng giao tiếp vì liên quan trực tiếp tới marketing.
El país cho biết ISDI đã khảo sát 2.300 công ty đang tuyển dụng nhân tài công nghệ trên thị trường, trong đó có tập đoàn đình đám IBM hay thương hiệu mỹ phẩm L’Óreal nổi tiếng của Pháp.
Theo José Luis Sánchez, Giám đốc truyền thông tại công ty dịch vụ và tư vấn IT Accenture, từng lọt top 500 của Fortune, “chuyên gia metaverse” là những người có khả năng phát triển hệ sinh thái và các tài sản kỹ thuật số có liên quan cùng với công nghệ thực tế tăng cường (AR), thực tế ảo (VR) và thực tế hỗn hợp (MR).
Hiểu một cách đơn giản, họ là những người có thể đem môi trường thực tế kết hợp với những nội dung siêu thực trong thế giới ảo.
“Tuy nhiên, tuyển dụng những nhân tài ở lĩnh vực này là cả một khó khăn”, José Luis Sánchez nói. Một “chuyên gia metaverse” phải biết kết hợp thiết kế, khả năng sáng tạo AR, VR và MR cùng với kỹ thuật đặc thù trên từng nền tảng.
Tiến sĩ Cathy Barrera tại Đại học Harvard cho rằng metaverse là một thuật ngữ rộng, bao trùm rất nhiều công nghệ khác nhau, có cả những lĩnh vực cũ, đã xuất hiện từ lâu.
Theo chuyên gia, một số những công ty đã áp dụng công nghệ thực tế tăng cường trong quá trình gia công sản phẩm. Một vài công ty khác lại dùng thế giới ảo để giúp nhân viên làm việc hiệu quả hơn từ xa.
Bên cạnh đó, có những ông lớn tham vọng hơn, muốn dùng metaverse để tiếp cận đến nhiều người dùng như Meta. Hãng công nghệ đang ấp ủ ý định xây dựng cả một vũ trụ ảo mà người dùng có thể tiến vào bất cứ lúc nào chỉ với vài thiết bị nhỏ trên tay.
Nhân tài Metaverse được săn đón.
ỞTây Ban Nha, Trường Đại học Complutense Madrid đã đi đầu trong việc cấp bằng cho những chuyên gia về lĩnh vực metaverse.
Năm ngoái, ngôi trường này đã cấp chứng chỉ và chứng nhận cho VR và AR. Đến năm nay, Đại học Complutense lại tiếp tục mở lớp thạc sĩ chuyên nghiên cứu về vũ trụ ảo.
Giáo sư Eduardo Herranz Sánchez tại đây cho biết hứng thú của mọi người đối với việc nghiên cứu về metaverse đã tăng mạnh trong thời gian gần đây.
“Chương trình của chúng tôi chỉ nhận 36 sinh viên nhưng đã có đến 250 đơn đăng ký. Đó là còn chưa tính đến những lá đơn hỏi về thông tin khóa học”, giáo sư chia sẻ.
Theo Sánchez, nhiều công ty rất muốn thành lập những đội ngũ chuyên về các công nghệ mang tính đột phá, đặc biệt là metaverse.
Do đó, các cơ sở giáo dục đã tận dụng điều này và mở các khóa học online về vũ trụ ảo. Chỉ cần tra cụm từ khoá “khóa học về metaverse” (metaverse course), bạn sẽ thấy rất nhiều lựa chọn khác nhau từ các trường học.
Do đó, những ứng viên có sẵn kỹ năng về metaverse sẽ được các công ty săn đón và có quyền chọn lựa làm việc ở bất cứ đâu. Sự khan hiếm nhân tài trong lĩnh vực này đã buộc các công ty đến từ nhiều lĩnh vực khác nhau phải đua nhau để thu hút nhân sự.
Các nhà tuyển dụng đối xử niềm nở với các ứng viên như khách hàng, thậm chí còn đưa ra mức lương hậu hĩnh và vận dụng những chiêu trò để lôi kéo, thuyết phục họ.
Bên cạnh khó khăn trong việc tuyển dụng, đại diện các công ty được ISDI nói rằng thách thức lớn nhất là làm thế nào để đào tạo ra những tài năng trong một lĩnh vực yêu cầu kỹ thuật cao như thế.
Nếu nộp đơn vào vị trí này, tỷ lệ chọi của các ứng viên chỉ có 1:7, thấp hơn rất nhiều so với 1:55 với nhóm ngành thiết kế trải nghiệm người dùng và giao diện người dùng UX/UI.
Song, tiến sĩ Cathy Barrera tại Đại học Harvard không hề lo lắng trước sự thiếu hụt nhân tài này. Bà cho rằng mỗi giai đoạn sẽ có nhiều công nghệ mới và cần nhiều ngành nghề mới.
“Ở thời điểm hiện tại, metaverse và blockchain là những chủ đề được quan tâm. Nhưng chỉ vài năm sau, điều này sẽ thay đổi và các công nghệ khác sẽ lên ngôi”, bà nói.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer
Nam Nguyen | MarketingTrips