Skip to main content

Nghi vấn có ‘bàn tay của bot’ trong đợt bán vé concert BlackPink

9 Tháng Bảy, 2023

Có lượng tài khoản xếp hàng đến hơn 200.000, nhưng sau một ngày mở bán, nhiều hạng ghế trong concert của BlackPink tại Hà Nội vẫn chưa được lấp đầy hoàn toàn.

Nghi vấn có 'bàn tay của bot' trong đợt bán vé concert BlackPink
Nghi vấn có ‘bàn tay của bot’ trong đợt bán vé concert BlackPink

Trưa 7/7, vé concert Born Pink tại thủ đô Hà Nội chính thức được mở bán qua website của đơn vị phân phối Ticketbox.

Chỉ sau vài phút, lượng người trong phòng chờ để được mua đạt hơn 100.000. Đỉnh điểm, có hơn 200.000 tài khoản đợi mua vé buổi diễn đầu tiên của BlackPink tại sân vận động Mỹ Đình vào cuối tháng 7.

Tuy nhiên, sau hơn một ngày chính thức mở bán, vé của 2 buổi biểu diễn từ nhóm nhạc Hàn Quốc vẫn còn. Điều này dấy lên nghi vấn lượng lớn trong hàng chờ là bot (công cụ tự động) của dân phe vé.

Phòng chờ ảo đông người, nhưng vé chưa bán hết.

Trong khung giờ 12-15h ngày 7/7, có lúc số thứ tự được cấp để mua vé concert Born Pink đêm đầu tiên vượt 220.000. Với mức tối đa mỗi tài khoản được mua là 4 vé, những người vào sau còn ít cơ hội giao dịch.

Tuy nhiên, đến 14h cùng ngày, nhiều hạng vé vẫn có thể được mua. Những khách hàng có số thứ tự 80.000-130.000 có thể giao dịch bình thường. Đây là điều bất thường bởi đã có hàng chục nghìn tài khoản xếp hàng nhưng không thực hiện giao dịch.

Trước ngày mở bán, cộng đồng người hâm mộ BlackPink có phản hồi tiêu cực về giá bán vé buổi diễn. Cụ thể, nhiều khu vực được cho là đắt hơn đáng kể so với mức tương đương tại các nước khác. Điều này khiến một số hạng ghế bị “ế ẩm”.

Đến 14h ngày 8/7, sau hơn một ngày mở bán, một số hạng ghế của buổi diễn Born Pink Hà Nội vẫn có thể được mua trực tiếp qua website nhà phân phối.

“Các hạng vé VIP sát sân khấu, hoặc khu giá rẻ 1,2-3,8 triệu đồng được nhiều người quan tâm, sớm hết. Khi tôi vào được web, chỉ còn những lựa chọn xa sân khấu, giá cao, nên quyết định không mua nữa”, bà K.D., nhân viên văn phòng ngụ tại TP.HCM cho biết.

Ngoài ra, bot (công cụ tự động) để săn vé cũng là một trong những nguyên nhân được nhắc đến.

Giống như những đơn vị bán vé trực tuyến trên khắp thế giới, Ticketbox cũng sử dụng công nghệ phòng chờ ảo (virtual waiting room) để phân bố số thứ tự xếp hàng giao dịch.

Theo chuyên gia từ Seatgeek, công ty chuyên phát triển công nghệ bán vé, hàng chờ là giải pháp bắt buộc trong ngành này. Nguyên nhân là website không thể xử lý hàng trăm nghìn đến cả tỷ giao dịch trong cùng thời điểm.

Điểm yếu của giải pháp bán vé qua phòng chờ ảo, giá cố định là có thể bị tấn công bởi bot (công cụ tự động), có tốc độ truy cập nhanh hơn hẳn con người. Chúng được thiết lập để thực hiện lệnh mua, thanh toán tại một số khu vực nhất định. Theo WJS, đây là một trong những vấn nạn lớn nhất của ngành bán vé online.

Tình huống tương tự cũng từng xảy ra hồi cuối 2022, trong đợt bán vé concert của ca sĩ Taylor Swift trên Ticketmaster. Trong một ngày, có hơn 2 triệu vé đã được bán ra. Tuy nhiên, đơn vị phân phối cho biết họ nhận đến 3,5 tỷ yêu cầu xếp hàng đợi mua.

Trong đợt mở bán vé concert BlackPink vừa qua cũng xuất hiện nhiều điểm bất thường. Đỗ Hương, ngụ Đống Đa, Hà Nội, cho biết bản thân và một người bạn cùng reload (tải lại) trang bán vé, bấm mua cùng thời điểm. Tuy nhiên, số thứ tự lại chênh lệch đến hàng chục nghìn.

Phương thức định giá động.

Một trong những công cụ dần được áp dụng để chống lại bot mua vé là Dynamic Pricing (chiến lược định giá động).

Thay vì một mốc cố định, chiến lược định giá này khiến giá bán của mỗi đơn vị có thể thay đổi dựa trên sự quan tâm của người dùng. Nếu số đông cùng đổ xô tìm đến một hạng ghế, cùng khung giờ, công cụ tính toán của nền tảng sẽ tự động đẩy mức giá tăng lên.

Đợt mở bán vé concert Born Pink vừa qua trên Ticketbox vẫn áp dụng việc định giá cố định, chưa có Dynamic Pricing.

Ticketmaster, một trong những đơn vị đi đầu trong cách phân phối này, cho rằng nó đem lại lợi ích cho nghệ sĩ. Bởi nó vận hành dựa trên số tiền người hâm mộ sẵn sàng trả để trải nghiệm buổi diễn.

Bằng các thuật toán tính dựa trên các biến số đầu vào cung cấp, mức giá thay đổi đúng theo quy tắc cung cầu của thị trường.

Cách bán vé này cũng giúp giải quyết vấn nạn “phe vé” đầu cơ, khi những vị trí được nhiều sự quan tâm, sẽ tự động tăng giá, gây khó trong việc bán lại kiếm lời. Các khu vực ít hấp dẫn lại có giá bán tốt, giúp khán giả dễ dàng chi tiêu hơn.

Về mặt lý thuyết, Dynamic Pricing tạo ra sự cân bằng giữa nhu cầu – giá bán của từng khu vực. Do đó, tỷ lệ lấp đầy, số lượng vé bán ra sẽ tối ưu hơn.

Tuy nhiên, nhiều cộng đồng người hâm mộ vẫn tẩy chay Dynamic Pricing bởi nó bị xem như một hình thức “hút máu” của các công ty.

Cụ thể, những buổi diễn của những nghệ sĩ toàn cầu như BTS, BlackPink, Taylor Swift, The Weeknd thường xuyên cháy vé trong thời gian ngắn. Vì vậy, người dùng luôn phải mua vé với giá bị đẩy lên cao bởi các thuật toán.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Hà Anh  | Theo Zing   

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …