Quảng cáo Facebook: Thấu hiểu & Cài đặt & Tối ưu
Nếu bạn quan tâm đến ngành quảng cáo nói chung hãy cùng tìm hiểu các nội dung như: Quảng cáo Facebook là gì, cách đăng ký tài khoản và chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook, các mục tiêu quảng cáo hiện có trên nền tảng và hơn thế nữa.
Với doanh số gần 500 tỷ USD vào năm 2021 và được dự báo sẽ chạm mốc 600 tỷ USD vào năm 2022 (eMarketer), thị trường quảng cáo kỹ thuật số (Digital Advertising) đang phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Quảng cáo Facebook đang chiếm giữ một thị phần tương đối lớn trong số này.
Các nội dung sẽ được phân tích trong bài bao gồm:
- Quảng cáo Facebook là gì?
- Quảng cáo Facebook hoạt động như thế nào.
- Những ai nên quảng cáo trên Facebook.
- Thuật toán xếp hạng và hiển thị quảng cáo (Ad Rank) của quảng cáo trên Facebook là gì?
- Quảng cáo là gì?
- Vai trò của quảng cáo Facebook đối với doanh nghiệp và thương hiệu.
- Cách đăng ký tài khoản quảng cáo Facebook và bắt đầu khởi chạy các chiến dịch quảng cáo.
- Các loại hình quảng cáo Facebook hiện có là gì?
- Thiết lập Facebook Pixel trong trình quản ký quảng cáo Facebook.
- Các chỉ số chính được sử dụng để đo lường hiệu suất của quảng cáo trên Facebook là gì?
- Một số tư duy cần thiết cho các Advertiser hay Digital Marketer trước khi bắt đầu khởi chạy quảng cáo Facebook.
- Tổng hợp những mẹo mà nhà quảng cáo có thể sử dụng với quảng cáo Facebook
- Một số câu hỏi thường gặp với quảng cáo Facebook là gì?
Bên dưới là nội dung chi tiết.
Quảng cáo Facebook là gì?
Quảng cáo Facebook là một hình thức quảng cáo trực tuyến trên nền tảng mạng xã hội Facebook, thuộc sở hữu của Meta Inc.
Cũng tương tự các nền tảng quảng cáo khác như Google hay TikTok, quảng cáo trên Facebook là hình thức quảng cáo có trả phí (Paid Ads), tức nhà quảng cáo phải trả tiền để được hiển thị nội dung quảng cáo tới các nhóm đối tượng mục tiêu mong muốn.
Điểm khác biệt thú vị của quảng cáo Facebook so với quảng cáo Google là trong khi với quảng cáo trên Google, nhà quảng cáo chỉ phải trả phí khi có ai đó nhấp vào hay tương tác với quảng cáo (PPC), với Facebook, nhà quảng cáo phải trả phí ngay cả khi không có bất kì ai tương tác với các nội dung quảng cáo (CPM).
Google tính phí theo hình thức CPC (PPC) còn Facebook thì tính phí theo hình thức CPM, có nghĩa là, cứ miễn quảng cáo được hiển thị, Facebook sẽ tính phí.
Quảng cáo Facebook hoạt động như thế nào.
Về mặt tổng thể, quảng cáo Facebook thuộc hệ sinh thái quảng cáo lớn hơn đó là quảng cáo tự động (Programmatic Ads) và quảng cáo hiển thị (Display Ads) với định dạng quảng cáo chính là Native Ads (nội dung quảng cáo được hiển thị một cách tự nhiên xen lẫn với các nội dung tự nhiên).
Quảng cáo hiển thị và quảng cáo tìm kiếm (Search Ads) là hai phương thức quảng cáo lớn nhất trong ngành quảng cáo trực tuyến hay kỹ thuật số nói chung, quảng cáo trên Facebook hay các hình thức quảng cáo trên mạng xã hội hầu hết là quảng cáo hiển thị.
Cách thức hoạt động của nền tảng quảng cáo này tương đối đơn giản.
Khi nhà quảng cáo thiết lập xong các tài khoản quảng cáo cũng như thêm các phương thức thanh toán cần thiết, họ có thể bắt đầu xây dựng các chiến dịch quảng cáo nhắm tới các nhóm đối tượng mục tiêu cụ thể hiện có trên Facebook.
Khi các chiến dịch quảng cáo đã được phê duyệt, các mẫu quảng cáo hay nội dung quảng cáo sẽ được hiển thị tới những đối tượng mà nhà quảng cáo đã nhắm mục tiêu trước đó (về mặt lý tưởng là đúng đối tượng) trên nền tảng Facebook, Instagram, Facebook Messenger hay mạng đối tượng (Audience Network) của Facebook.
Đến đây, một số bạn mới có thể thắc mắc rằng vì có rất nhiều nhà quảng cáo (cũng có thể là đối thủ) có thể cùng nhắm mục tiêu tới một (hoặc một nhóm) người dùng cụ thể, vậy Facebook Ads ra quyết định hiển thị quảng cáo dựa trên những yếu tố chính là gì?
Cũng tương tự các nền tảng quảng cáo như Google, bản chất các phiên đấu giá quảng cáo trên Facebook hay cơ chế xếp hạng quảng cáo được thực hiện theo từng phiên cụ thể.
Facebook hay Google sẽ dựa trên các yếu tố tức thời tại từng phiên như số lượng nhà quảng cáo đang muốn tiếp cận đối tượng, chất lượng nội quảng cáo, mức độ liên quan của quảng cáo đến đối tượng hay giá thầu cho mỗi hành động đã được thiết lập trong các chiến dịch tương ứng để quyết định quảng cáo nào sẽ được hiển thị và với chi phí ra sao.
Những ai nên quảng cáo trên Facebook.
Theo thống kê của Statista, hiện có khoảng hơn 10 triệu nhà quảng cáo đang sử dụng quảng cáo Facebook để khởi chạy các chiến dịch quảng cáo.
Mặc dù tuỳ thuộc vào mục tiêu chiến lược cụ thể của từng doanh nghiệp mà bạn có thể quyết định là nên chạy quảng cáo trên Facebook hay không hay nó mang lại những lợi ích gì, dưới đây là một số kiểu doanh nghiệp có thể dễ thành công hơn khi quảng cáo trên nền tảng này.
Những doanh nghiệp không cần phải bán hàng trực tiếp (ngay lập tức).
Nói một cách dễ hiểu, các doanh nghiệp thành công với Facebook thường yêu cầu người dùng hay đối tượng mục tiêu đăng ký hoặc tương tác để được tư vấn chứ không phải là mua hàng ngay lập tức.
Khi môt người dùng nào đó nhấp vào quảng cáo và đến website của bạn, bạn cũng đừng kỳ vọng rằng là họ có thể mua hàng ngay.
Thay vào đó, hãy cố gắng thực hiện các chuyển đổi đơn giản như đăng ký sử dụng thử sản phẩm, đăng ký tư vấn hoặc một buổi gặp tư vấn trực tiếp chẳng hạn.
Vì khách hàng có thể lại tiếp tục tương tác với bạn hoặc thậm chí là mua hàng trong tương lai, hãy sử dụng các phương thức tiếp thị lại (re-marketing) để kết nối với họ.
Những doanh nghiệp với chu kỳ bán hàng (Sales Cycle) dài hoặc giá trị đơn hàng nhỏ.
Như đã phân tích ở trên, khi bạn đã có được những thông tin ban đầu của đối tượng mục tiêu, những gì bạn cần làm tiếp theo là đưa họ vào phễu bán hàng (Sales Funnel) hay chu kỳ bán hàng của doanh nghiệp.
Bạn sẽ cần phải liên hệ tư vấn và hỗ trợ họ, tương tác lại với họ trên nhiều điểm chạm khác nhau, từ online đến offline với mục tiêu cuối cùng là chuyển đổi họ thành khách hàng trong tương lai.
Những doanh nghiệp khác cũng tỏ ra khá thành công với quảng cáo Facebook khi họ bán các sản phẩm hay dịh vụ với giá trị đơn hàng nhỏ.
Chẳng hạn như nếu bạn đang muốn bán một chiếc áo thun với giá chỉ 100k, mục tiêu của bạn hoàn toàn có thể xảy ra (thậm chí là trực tiếp) với Facebook, nhưng nếu bạn đang muốn bán môt chiếc xe hơi với giá hàng tỷ đồng, bạn có thể cần nhiều thời gian hơn hay phải kết hợp nhiều kênh hơn (Multi-channel, Omni-channel) để bán hàng.
Nói tóm lại, các doanh nghiệp B2C hay C2C sẽ hưởng lợi trực tiếp nhiều hơn so với các doanh nghiệp B2B trên nền tảng quảng cáo của Facebook.
Thuật toán xếp hạng và hiển thị quảng cáo (Ad Rank) của quảng cáo trên Facebook là gì?
Cũng tương tự như thuật toán xếp hạng quảng cáo Google Ads, quảng cáo trên Facebook cũng dựa vào một số dấu hiệu hay yếu tố khác nhau để ưu tiên hiển thị quảng cáo đồng thời tính phí cho các quảng cáo đó.
Khi có vô số các nhà quảng cáo cùng muốn hiển thị quảng cáo của họ đến cùng một đối tượng người dùng cụ thể, Facebook sử dụng thuật toán xếp hạng quảng cáo để đưa ra thứ tự ưu tiên hiển thị quảng cáo (hoặc thậm chí là không hiển thị một số quảng cáo không đủ điều kiện) kèm với mức chi phí tương ứng.
Hiện tại, Facebook sẽ sử dụng các dấu hiệu dưới đây để xếp hạng quảng cáo.
- Mức độ liên quan của nội dung quảng cáo với người dùng: Ví dụ nếu một người dùng A đã từng tương tác với thương hiệu B hoặc một thương hiệu C khác tương tự như B, các quảng cáo từ thương hiệu B (hoặc C) sẽ được ưu tiên hiển thị tới A nhiều hơn (so với thương hiệu D nào đó mà A chưa từng biết).
- Mức độ phổ biến của nội dung: Về cơ bản, một nội dung càng được nhiều người tương tác sẽ càng được ưu tiên hiển thị tới cùng một nhóm đối tượng.
- Giá thầu quảng cáo: Nếu các yếu tố nói trên là như nhau giữa các nhà quảng cáo, Facebook Ads sẽ dựa trên giá thầu (mức giá mà nhà quảng cáo đã thiết lập trong chiến dịch quảng cáo) để quyết định quảng cáo nào nên được ưu tiên hiển thị.
Quảng cáo là gì?
Quảng cáo trên Facebook là một trong nhiều phương thức quảng cáo trực tuyến khác ,do đó, để có thể hiểu sâu hơn về thuật ngữ này, bạn cũng cần hiểu quảng cáo (Ads) là gì.
Quảng cáo trong tiếng Anh có nghĩa là Advertising, là khái niệm đề cập đến một phương thức truyền thông marketing trong đó các thương hiệu hay doanh nghiệp sử dụng các thông điệp hay chiến thuật tài trợ công khai để quảng bá cho một sản phẩm hoặc dịch vụ.
Thuật ngữ quảng cáo gắn liền với các hoạt động marketing trong doanh nghiệp.
Cũng tương tự như marketing, quảng cáo cũng được định nghĩa theo một số cách khác nhau tuỳ vào cách tiếp cận, dưới đây là một số định nghĩa phổ biến nhất.
Theo Wikipedia, quảng cáo là một hình thức truyền thông tiếp thị sử dụng các thông điệp được tài trợ công khai để quảng bá hoặc bán một sản phẩm, dịch vụ hoặc ý tưởng.
Các nhà tài trợ cho quảng cáo thường là các doanh nghiệp muốn quảng bá sản phẩm hoặc dịch vụ của họ. Quảng cáo được phân biệt với quan hệ công chúng (PR) ở chỗ nhà quảng cáo phải trả phí để quảng cáo và họ có quyền kiểm soát các thông điệp.
Theo một định nghĩa khác từ Cambridge, quảng cáo là hoạt động các doanh nghiệp thực hiện các chiến thuật khác nhau với mục tiêu thuyết phục người khác mua các sản phẩm hoặc dịch vụ của họ.
Mặc dù quảng cáo có thể được nhìn nhận dưới nhiều góc nhìn khác nhau, bản chất lớn nhất để nhận dạng đâu là một quảng cáo đó là việc các doanh nghiệp hay thương hiệu trả tiền để truyền tải một nội dung nào đó tới khách hàng.
Những gì mà quảng cáo hướng tới đó là doanh số bán hàng.
Vai trò của quảng cáo Facebook đối với doanh nghiệp và thương hiệu.
Cũng tương tự các nền tảng quảng cáo khác, Facebook cung cấp một số giá trị nhất định cho nhà quảng cáo hay thương hiệu nói chung, dưới đây là những gì mà nền tảng quảng cáo này có thể mang lại.
Giúp thương hiệu tiếp cận một lượng khách hàng tiềm năng (mới) lớn trong một khoảng thời gian ngắn.
Với đặc tính quảng cáo của Facebook, nếu thương hiệu không vi phạm các chính sách quảng cáo và quảng cáo đã được duyệt, tốc độ hiển thị quảng cáo là rất nhanh.
Khác với các nền tảng quảng cáo tìm kiếm như Google (Google Search Ads), thương hiệu chỉ có thể tiếp cận khách hàng tiềm năng một cách bị động, tức phải chờ đợi đến khi có ai đó tìm kiếm thì quảng cáo mới có cơ hội xuất hiện.
Với Facebook thì hoàn toàn ngược lại, vì bản chất quảng cáo Facebook là nền tảng quảng cáo hiển thị và tự động, nhà quảng cáo hay thương hiệu có thể chủ động tiếp cận (Reach) khách hàng ngay cả khi họ chưa biết đến thương hiệu trước đó.
Giúp xây dựng độ nhận biết thương hiệu (Brand Awareness) một cách hiệu quả.
Vì có khả năng tiếp cận rộng và nhanh một tệp khách hàng hay người dùng mới, Facebook Ads cũng là một giải pháp giúp xây dựng độ nhận biết thương hiệu.
Những gì mà các quảng cáo cần làm với Facebook là xây dựng một hành trình khách hàng với nhiều các điểm chạm thương hiệu (Brand Touchpoints) khác nhau, chủ động tương tác với họ ở nhiều điểm chạm nhất có thể, và sau đó dần dần đưa họ vào đường dẫn bán hàng (Sales Pipeline), bạn có thể tham khảo qua hình bên dưới.
Giúp xây dựng lượng khách hàng tiềm năng (Lead) và doanh số bán hàng.
Với hầu hết các ngành hàng và kiểu doanh nghiệp, dù cho là B2C, C2C hay B2B, nếu mục tiêu của bạn không phải là bán hàng trực tiếp, Facebook là một lựa chọn thông minh.
Như đã phân tích ở trên, vốn sở hữu thế mạnh là tiếp cận nhanh và rộng, cộng với khả năng nhắm mục tiêu tương đối chính xác, quảng cáo Facebook có thể giúp thương hiệu truyền tải nhanh các thông điệp của mình đến với khách hàng tiềm năng, và khi các thông điệp đó chạm tới các nỗi đau hay nhu cầu của khách hàng, khách hàng có thể hành động ngay.
Một sai lầm mà các nhà quảng cáo trên Facebook thường hay mắc phải đó là muốn bán ngay và nhanh hay thậm chí là muốn bán hàng trực tiếp cho những người chưa từng biết hay tìm hiểu về thương hiệu trước đây.
Chiến lược khôn ngoan là hãy để khách hàng tương tác, hãy hỗ trợ họ đưa ra giải pháp và sau đó sử dụng các chiến thuật tiếp thị lại để thúc đẩy họ hành động.
Doanh nghiệp có thể tiết kiệm hơn nhiều và bán hàng tốt hơn nếu coi Facebook là nền tảng trung gian (để kết nối và hỗ trợ khách hàng) thay vì bán hàng.
Cách đăng ký tài khoản quảng cáo Facebook và bắt đầu khởi chạy các chiến dịch quảng cáo.
Các bước đăng ký tài khoản và khởi chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook tương đối đơn giản, bạn có thể làm theo các bước sau:
- Bước 1: Bạn truy cập https://www.facebook.com/business/ads hoặc https://business.facebook.com/ để đăng ký cho mình một tài khoản.
- Bước 2: Sau khi tài khoản được tạo, bạn điền đầy đủ các thông tin cần thiết về doanh nghiệp hay Trang của mình.
- Bước 3: Bạn thêm phương thức thanh toán.
- Bước 4: Thiết lập các nội dung quảng cáo cũng như các tuỳ chọn mục tiêu cần thiết.
- Bước 5: Xuất bản quảng cáo và chờ được duyệt.
Các loại hình quảng cáo Facebook hiện có là gì?
Sau khi đã đăng ký cho mình các tài khoản quảng cáo (Ad Account) như đã nói ở trên, bạn có thể khám phá nhiều hình thức hay tuỳ chọn quảng cáo khác nhau trên trình quản lý quảng cáo của Facebook.
Như bạn có thể thấy ở trên, hiện Facebook đang cung cấp nhiều kiểu chiến dịch hay mục tiêu quảng cáo khác nhau như: Awareness với mục tiêu là xây dựng độ nhận biết thương hiệu, là traffic nếu bạn muốn thúc đẩy nhiều người dùng truy cập website hay Sales nếu bán hàng là những gì bạn đang quan tâm.
Dưới đây là chi tiết từng loại hình quảng cáo hiện có trên Facebook.
- Awareness: Tăng khả năng mọi người biết và nhớ đến thương hiệu.
- Traffic: Thúc đẩy người dùng truy cập các nền tảng của doanh nghiệp như website, ứng dụng hay các sự kiện trên Facebook.
- Engagement: Bạn nên chọn tuỳ chọn này nếu mục tiêu của bạn là mong muốn có nhiều người hơn tương tác với bạn. Tương tác có thể là Like, Share, Comment…
- Leads: Leads là tuỳ chọn quảng cáo khách hàng tiềm năng trên Facenook, tính năng cho phép bạn gia tăng lượng khách hàng tiềm năng, những người có nhu cầu tư vấn hay sử dụng thử các sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn.
- App promotion: Thúc đẩy mọi người cài đặt ứng dụng (App) và sử dụng chúng.
- Sales: Nếu những gì bạn cần với Facebook là chuyển đổi bán hàng (App, Web), hay tương tác trực tiếp với khách hàng qua tin nhắn (Messenger), Sales là giải pháp cho bạn.
Tuỳ từng mục tiêu của từng thương hiệu ở từng giai đoạn, bạn có thể lựa chọn các kiểu chiến dịch khác nhau ở từng thời điểm hoặc cũng có thể kết hợp chúng đồng thời.
Bạn cần lưu ý là với từng tuỳ chọn mục tiêu quảng cáo khác nhau, các thông số cài đặt sau đó sẽ khác nhau, ví dụ bạn không thể chọn tuỳ chọn theo dõi sự kiện chuyển đổi bán hàng (Conversion Event) trên website với loại hình quảng cáo là Awareness hay Leads.
Các chỉ số chính được sử dụng để đo lường hiệu suất của quảng cáo trên Facebook là gì?
Trong khi có rất nhiều các chỉ số mà nhà quảng cáo cần theo dõi để có thể đánh giá hay tối ưu các chiến dịch quảng cáo của họ, dưới đây là các chỉ số chính bạn có thể tham khảo.
- Reach: Mức độ tiếp cận của quảng cáo tới người dùng (duy nhất).
- Impressions: Mức độ hiển thị quảng cáo (mỗi người dùng có thể được hiển thị quảng cáo nhiều lần khác nhau).
- CTR – Click Through Rate: Tỷ lệ nhấp chuột vào quảng cáo.
- CPC – Cost Per Click: Chi phí quảng cáo trên mỗi lần nhấp chuột.
- CPM: Chi phí quảng cáo trên mỗi 1000 lần hiển thị quảng cáo.
- CPL – Cost Per Lead: Chi phí trên mỗi khách hàng tiềm năng.
- CAC – Customer Accquisition Cost: Chi phí để có được một khách hàng mới.
- CPS – Cost Per Sales: Chi phí cho mỗi đơn hàng.
- ROAS – Return on Advertising Spend: Lợi nhuận có được trên chi tiêu quảng cáo.
- Quality Ranking (chất lượng quảng cáo): Chất lượng được đo bằng phản hồi trên quảng cáo của bạn và trải nghiệm sau nhấp chuột. Quảng cáo của bạn được xếp hạng so với các quảng cáo cạnh tranh khác trên cùng một đối tượng mục tiêu.
- Engagement Rate Ranking (xết hạng tỷ lệ tương tác với quảng cáo): Quảng cáo của bạn được xếp hạng so với các quảng cáo khác có cùng mục tiêu tối ưu cho cùng một đối tượng mục tiêu.
- Conversion Rate Ranking (xếp hạng tỷ lệ chuyển đổi): Là xếp hạng tỷ lệ chuyển đổi dự kiến của quảng cáo của bạn. Quảng cáo của bạn được xếp hạng so với các quảng cáo khác có cùng mục tiêu tối ưu đang cạnh tranh với cùng một đối tượng.
Một số tư duy cần thiết cho các Advertiser hay Digital Marketer trước khi bắt đầu khởi chạy quảng cáo trên Facebook.
Một trong những sai lầm lớn nhất mà nhiều nhà quảng cáo hay mắc phải với Facebook Ads đó là họ coi quảng cáo nói chung và quảng cáo Facebook nói riêng là công cụ (Tools) thay vì đáng lẽ ra họ nên sử dụng nó với tư duy của một marketer hoặc digital marketer.
Vậy những tư duy cần có khi sử dụng quảng cáo Facebook là gì?
Coi đây là một phần trong quá trình tương tác và bán hàng với khách hàng.
Bất kể bạn đang kinh doanh sản phẩm gì hay ngành hàng nào và đối tượng mục tiêu của bạn là ai, để có thể ra các quyết định mua hàng, thông thường khách hàng sẽ trải qua một số giai đoạn khác nhau như nhận biết, quan tâm, khao khát và mua hàng (AIDA).
Từ góc nhìn này, sẽ là một sai lầm lớn nếu bạn có ý định khởi chạy các chiến dịch quảng cáo chỉ với mục tiêu là bán hàng, thay vào đó, bạn nên đa dạng hoá các mục tiêu và thông điệp quảng cáo để khách hàng có đủ không gian và thời gian để cân nhắc bạn.
Ngoài ra, nếu doanh nghiệp của bạn đang bán các sản phẩm có giá trị cao (B2B chẳng hạn), bạn nên liệt kê các điểm chạm bạn cần tương tác với khách hàng và xác định quảng cáo Facebook sẽ đóng vai trò chính là gì trong quá trình đó.
Coi nó là một phần của Marketing.
Nếu bạn quan tâm đến marketing, bạn có thể đọc marketing là gì từ MarketingTrips để có thể có được những cái nhìn sâu sắc nhất về ngành marketing.
Bằng cách tiếp cận Facebook từ tư duy của người làm marketing, bạn sẽ thấy rằng Facebook Ads hay quảng cáo nói chung chỉ là một phần rất nhỏ trong toàn bộ quá trình làm marketing hay thương hiệu của doanh nghiệp.
Thay vì coi Facebook là công cụ quảng cáo, bạn nên đưa nó vào chiến lược marketing tổng thể của thương hiệu hoặc doanh nghiệp.
Nội dung vẫn nên là ưu tiên hàng đầu.
Cứ giả sử rằng bạn có sản phẩm tốt, và bạn cũng có khả năng nhắm mục tiêu quảng cáo hiệu quả, tức bạn tiếp cận được những người đang có các nhu cầu liên quan, tuy nhiên rồi sau đó thì sao?
Có phải là thứ mà khách hàng nhìn thấy cũng chỉ là nội dung không?
Bằng cách thấu hiểu content là gì cũng như các tư duy làm content marketing, bạn đang sử dụng Facebook Ads một cách thông minh và hướng đến khách hàng của mình.
Tổng hợp những mẹo mà nhà quảng cáo có thể sử dụng với Facebook.
Nếu bạn đang tiếp cận quảng cáo Facebook với tư cách là một marketer chuyên nghiệp, bạn đang có nhiều cơ hội hơn để thành công, dưới đây là một số mẹo nhỏ mà bạn có thể ứng dụng cho chiến dịch quảng cáo của mình.
Đa dạng hoá cách nhắm mục tiêu.
Khi nói đến việc nhắm mục tiêu quảng cáo trên Facebook, có thể nói Facebook là nền tảng đang cung cấp nhiều tuỳ chọn nhất.
Từ các tuỳ chọn nhắm mục tiêu đơn giản như nhắm mục tiêu theo nhân khẩu học, theo địa lý, theo sở thích đến các mục tiêu nâng cao như nhắm mục tiêu lại theo từng tệp khách hàng khác nhau hay kết hợp các tuỳ chọn nhắm mục tiêu khác nhau.
Vấn đề quan trọng ở đây không phải là chọn cách nhắm mục tiêu gì vì nó là tuỳ chọn có sẵn trên Facebook, cái bạn cần có được đó là tư duy đa dạng hoá việc nhắm mục tiêu.
Ví dụ, thay vì bạn đang bán xe hơi và bạn chỉ nhắm mục tiêu đến nam giới, bạn cũng có thể nhắm mục tiêu tới nữ giới cùng nhiều tuỳ chọn khác.
Đa dạng hoá định dạng và mục tiêu quảng cáo.
Như đã phân tích tương đối cụ thể ở phần các hình thức hay mục tiêu quảng cáo, khi quảng cáo Facebook tỏ ra hiệu quả với một số định dạng quảng cáo khác nhau hay hiệu quả hơn nếu nhà quảng cáo nhìn xa hơn đến hành trình mua hàng của khách hàng.
Những gì bạn cần làm bây giờ là chạy kết hợp nhiều định dạng hay mục tiêu quảng cáo quảng cáo khác nhau, theo dõi hiệu suất có được và sau đó tối ưu dần.
Cải thiện chiến lược giá thầu.
Cũng giống như các nền tảng quảng cáo khác, chiến lược giá thầu có thể có nghĩa là sự khác biệt giữa một chiến dịch thất bại với chiến dịch có lợi nhuận.
Khi bạn thiết lập các chiến dịch quảng cáo của mình, Facebook sẽ đề xuất cho bạn một phạm vi giá thầu nhất định (thường là để đảm bảo rằng quảng cáo của bạn đủ điều kiện hiển thị).
Ở giai đoạn đầu tiên, bạn có thể chọn một mức giá thầu thấp hơn và sau đó dựa trên CTR cũng như các chỉ số khác mà bạn có thể quyết định điều chỉnh mức giá thầu mới.
Nếu chiến dịch của bạn đang có phản hồi tốt hay thậm chí là chuyển đổi nhiều khách hàng tiềm năng, bạn có thể chủ động tăng giá thầu để tiếp cận được nhiều khách hàng mục tiêu hơn và mang về nhiều lợi nhuận hơn.
Theo dõi chi tiết từng chỉ số hiệu suất quảng cáo.
Sau một khoảng thời gian quảng cáo của bạn đã được chạy và bắt đầu có số liệu (thường là khoảng 1 tuần), nhiệm vụ của các nhà quảng cáo khi này là theo dõi chi tiết từng chỉ số.
Từ trình quản lý quảng cáo của Facebook, bạn có thể xem các chỉ số như, số lượt chuyển đổi, nền tảng chuyển đổi, chân dung người chuyển đổi…
Mẹo dành cho bạn là nên bóc tách hiệu suất thành các thông số nhỏ cụ thể để từ đó bạn có thể xác định chính xác cách mà “chuyển đổi” của bạn đang được thực hiện.
Một số câu hỏi thường gặp với quảng cáo Facebook là gì?
- Làm sao để quảng cáo thành công trên Facebook?
Như đã phân tích ở trên, để có thể đạt được thành công cao nhất với Facebook, bạn nên tiếp cận nó với tư duy của một marketer hay digital marketer thay vì advertiser chỉ đánh giá mọi thứ dựa trên hiệu suất quảng cáo trực tiếp.
Bạn nên cài đặt và sử dụng Facebook Pixel để tối ưu hoá các hoạt động quảng cáo cũng như tạo mới các tệp khách hàng tiềm năng nhất.
- Doanh nghiệp nên bắt đầu với quảng cáo Facebook như thế nào?
Tuỳ vào từng ngành hàng hay mục tiêu của doanh nghiệp với Facebook là gì, họ có thể tiếp cận hay sử dụng quảng cáo trên Facebook theo những cách khác nhau.
Có thể đó là khi doanh nghiệp muốn có thêm một điểm chạm với khách hàng trong phễu bán hàng, có thể là đó là khi doanh nghiệp mong muốn tương tác nhiều hơn với khách hàng, hay cũng có thể doanh nghiệp bắt đầu bằng cách coi Facebook là nơi để bán hàng (trực tiếp).
- Có nên nhắm mục tiêu rộng (mass) trên với quảng cáo trên Facebook không?
Khi cả Facebook (Meta) hay các nền tảng quảng cáo khác như Google đang tiến tới tự động hoá quá trình tối ưu quảng cáo thông qua việc sử dụng công nghệ máy học (Machine Learning) và trí tuệ nhân tạo (AI), nhắm mục tiêu rộng cũng là một tuỳ chọn mà các nhà quảng cáo nên thử, hãy để các hệ thống quảng cáo tìm ra các điểm tối ưu cho mình.
- Chạy quảng cáo Facebook là gì?
Là hành động cài đặt và khởi chạy các chiến dịch quảng cáo trên Facebook. Tuỳ vào từng nhu cầu và mục tiêu khác nhau, doanh nghiệp có thể chọn các kiểu chiến dịch khác nhau.
Kết luận.
Khi quảng cáo trên Facebook vẫn tiếp tục là ưu tiên hàng đầu trong chiến lược Digital Marketing tổng thể của doanh nghiệp, yêu cầu đầu tiên với các nhà quảng cáo hay Digital Marketer không phải là chạy hay tối ưu hoá quảng cáo mà là hiểu rõ bản chất của quảng cáo Facebook là gì, cách thức nó vận hành và hơn thế nữa.
Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link
Nam Nguyen | MarketingTrips
Nguồn: MarketingTrips