Skip to main content

AI (trí tuệ nhân tạo) là gì? Mọi thứ cần biết về AI

10 Tháng Tám, 2023

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng MarketingTrips tìm hiểu toàn diện các thông tin quan trọng cần biết về công nghệ trí tuệ nhân tạo được gọi tắt là AI (Artificial intelligence) như: AI là gì? Trí tuệ nhân tạo hoạt động như thế nào? Tại sao Trí tuệ nhân tạo lại quan trọng? Các loại công nghệ Trí tuệ nhân tạo phổ biến nhất hiện nay là gì? Machine Learning là gì? Deep Learning là gì? Tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển của khái niệm Trí tuệ nhân tạo, Các ứng dụng phổ biến của công nghệ Trí tuệ nhân tạo? và hơn thế nữa.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì
Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì? Khái niệm và Kiến thức cần biết

Được xuất hiện lần đầu từ khoảng những năm 1950, thuật ngữ Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence) hay công nghệ trí tuệ nhân tạo gắn liền với các robot (người máy) được tích hợp trí thông minh nhân tạo. Cũng trong thời kỳ này, hàng loạt các nhà khoa học, nhà toán học và cả những triết gia đã bắt đầu nghiên cứu về khả năng của cái gọi là Trí tuệ nhân tạo. Giả thuyết được đưa ra trong giai đoạn này là nếu như con người sử dụng các dữ liệu thông tin có sẵn để giải quyết các vấn đề và đưa quyết định thì tại sao máy móc (machines) lại không thể làm những điều tương tự. Khái niệm Trí tuệ nhân tạo theo đó được phát triển dựa trên 2 yếu tố chính đó là máy móc và trí thông minh. Trải qua nhiều giai đoạn khác nhau, đến nay, chính xác là vào 2023 này, các công nghệ Trí tuệ nhân tạo mới thực sự phát triển bùng nổ.

Các nội dung sẽ được MarketingTrips phân tích trong bài bao gồm:

  • Trí tuệ nhân tạo AI là gì?
  • Trí tuệ nhân tạo hoạt động như thế nào?
  • Tại sao Trí tuệ nhân tạo lại quan trọng?
  • Các loại công nghệ Trí tuệ nhân tạo phổ biến nhất hiện nay là gì?
  • Machine Learning là gì?
  • Deep Learning là gì?
  • Tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển của khái niệm Trí tuệ nhân tạo.
  • Các ứng dụng phổ biến của công nghệ Trí tuệ nhân tạo.
  • FAQs  – Những câu hỏi thường gặp về Trí tuệ nhân tạo.

Bên dưới là nội dung chi tiết.

Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì?

Trí tuệ nhân tạo (AI) là sự mô phỏng về trí tuệ của con người bằng máy móc, đặc biệt là hệ thống máy tính. Các ứng dụng phổ biến của Trí tuệ nhân tạo bao gồm việc xử lý ngôn ngữ tự nhiên (Generative AI), nhận dạng giọng nói hay thị giác máy.

Trí tuệ nhân tạo là khái niệm đề cập đến khả năng của máy móc trong việc thực hiện các chức năng nhận thức (ví dụ như tiếp nhận và phân tích thông tin), thứ mà người ta thường liên kết trực tiếp đến tâm trí của con người.

Về tổng thể, công nghệ Trí tuệ nhân tạo dựa trên các trụ cột chính là dữ liệu (data), đóng vai trò đầu vào (input), thông qua các thuật toán để đưa ra các dữ liệu đầu ra tương ứng, dữ liệu đầu ra có thể xuất hiện dưới nhiều định dạng khác nhau như văn bản (text), video, hình ảnh hay thậm chí là các câu lệnh hoặc mã code.

Trí tuệ nhân tạo tổng hợp (Generative AI) là gì?

Trí tuệ nhân tạo tổng hợp là gì?
Trí tuệ nhân tạo tổng hợp là gì?

Được nổi lên trong đầu năm 2023, Generative AI hay còn được gọi với cái tên Trí tuệ nhân tạo tổng hợp gắn liền với các chatbot AI như ChatGPT và Google Bard.

Trí tuệ nhân tạo tổng hợp (tổng quát) là mô hình Trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung (từ các nội dung văn bản đến video hay hình ảnh) thông qua các câu lệnh (lời nhắc) được nhập vào hệ thống. Bên cạnh khả năng sản xuất nội dung, các ứng dụng dựa trên Generative AI còn có thể đàm thoại với người dùng qua nhiều câu hỏi liền kề với nhau.

Trí tuệ nhân tạo (AI) hoạt động như thế nào?

Về tổng thể, có thể nói rằng, chưa có một thời kỳ nào trong lịch sử Trí tuệ nhân tạo (AI) lại phát triển rầm rộ và phổ biến như hiện tại.

Trong bối cảnh mới, các nền tảng, doanh nghiệp hay các đơn vị cung cấp Trí tuệ nhân tạo đã giới thiệu về công nghệ Trí tuệ nhân tạo của họ theo những cách khác nhau, các ứng dụng của Trí tuệ nhân tạo cũng được mô tả theo cách tương tự.

Tuy nhiên về bản chất, Trí tuệ nhân tạo chỉ đơn giản là một thành phần của thế giới công nghệ (Technology), chẳng hạn như công nghệ máy học (Machine Learning).

Công nghệ Trí tuệ nhân tạo yêu cầu các nền tảng phần cứng và phần mềm chuyên dụng để viết và huấn luyện các thuật toán (algorithms) máy học. Về bản chất, không có bất cứ một ngôn ngữ lập trình đơn lẻ nào đồng nghĩa với khái niệm Trí tuệ nhân tạo, tuy nhiên các ngôn ngữ lập trình như Python, R, Java, C++ hay Julia có các tính năng thường được sử dụng bởi các nhà phát triển Trí tuệ nhân tạo (AI developer).

Nói chung, các hệ thống hay công nghệ Trí tuệ nhân tạo hoạt động bằng cách nhập một lượng lớn dữ liệu đào tạo được gắn nhãn (labeled training data), tiến hành phân tích dữ liệu về các mối tương quan và hình mẫu (patterns), sau đó sử dụng các mẫu này để đưa ra các dự đoán về các trạng thái hay kết quả mới trong tương lai.

Quá trình hoạt động của Trí tuệ nhân tạo tập trung vào các kỹ năng nhận thức bao gồm:

  • Học hỏi. Các Trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc thu thập dữ liệu và tạo ra các quy tắc về cách biến những dữ liệu đó thành các thông tin có thể hiểu và hành động được. Các quy tắc này được gọi là thuật toán, khái niệm mô tả cách nhà lập trình (Developer) cung cấp cho các thiết bị máy tính những hướng dẫn về cách chúng cần hoàn thành một tác vụ cụ thể.
  • Suy luận. Khía cạnh này của Trí tuệ nhân tạo tập trung vào việc lựa chọn các thuật toán phù hợp để đạt được kết quả mong muốn.
  • Tự điều chỉnh. Công nghệ Trí tuệ nhân tạo được thiết kế để liên tục tinh chỉnh các thuật toán (học lại) và đảm bảo rằng chúng có thể mang lại những kết quả chính xác nhất có thể.
  • Sáng tạo. Khía cạnh này của Trí tuệ nhân tạo sử dụng cái được gọi là mạng thần kinh (neural networks), một hệ thống dựa trên các quy tắc, phương pháp thống kê cũng như các kỹ thuật Trí tuệ nhân tạo khác để tạo ra hình ảnh mới, văn bản mới, âm nhạc mới hay ý tưởng sáng tạo mới.

Tại sao Trí tuệ nhân tạo (Artificial intelligence) lại quan trọng?

Sở dĩ Trí tuệ nhân tạo phát triển nhanh chóng như hiện tại là vì nó có thể mang lại nhiều lợi ích vượt bậc, những thứ mà con người không thể làm được hoặc làm không hiệu quả bằng.

Trí tuệ nhân tạo được sử dụng hiệu quả trong kinh doanh để tự động hóa các nhiệm vụ do con người thực hiện, bao gồm các công việc như dịch vụ khách hàng, phát hiện gian lận hay kiểm soát chất lượng của quá trình sản xuất.

Trong một số lĩnh vực, Trí tuệ nhân tạo có thể thực hiện các nhiệm vụ tốt hơn nhiều so với con người đặc biệt là khi nói đến các nhiệm vụ có tính lặp đi lặp lại, được định hướng và hướng dẫn chi tiết, chẳng hạn như việc phân tích một số lượng lớn tài liệu pháp lý để đảm bảo các trường dữ liệu liên quan được điền chính xác, các công cụ Trí tuệ nhân tạo thường hoàn thành công việc nhanh hơn và ít lỗi hơn con người.

Với khả năng có thể xử lý các tập dữ liệu khổng lồ, Trí tuệ nhân tạo cũng có thể cung cấp cho doanh nghiệp các dữ liệu hay sự hiểu biết (insights) về tình hình hoạt động của họ mà chính họ có thể cũng không biết.

Khi tốc độ phát triển ngày càng nhanh, các công nghệ Trí tuệ nhân tạo sẽ ngày càng được ứng dụng rộng rãi hơn tới nhiều lĩnh vực khác nhau.

Vì những giá trị đầy hứa hẹn mà nó có thể mang lại, các công ty công nghệ lớn như Google, Apple, Meta, Microsoft hay thậm chí là các công ty mới nổi như OpenAI cũng không ngừng công bố các tính năng mới cho sản phẩm Trí tuệ nhân tạo của họ.

Các ứng dụng phổ biến của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì và nó được sử dụng ra sao?

Các ứng dụng phổ biến của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì và nó được sử dụng ra sao?
Các ứng dụng phổ biến của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì và nó được sử dụng ra sao?

Với khả năng mang lại hiệu suất cao hơn, AI hay Trí tuệ nhân tạo hiện được tích hợp vào rất nhiều loại công nghệ khác nhau. Dưới đây là một số ứng dụng phổ biến nhất.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào tự động hóa.

Khi được kết hợp với các công nghệ Trí tuệ nhân tạo, các công cụ tự động hóa có thể mở rộng khối lượng và các loại tác vụ có thể thực hiện. Một ví dụ tiêu biểu là tự động hóa quy trình bằng rô-bốt (RPA – robotic process automation), một loại phần mềm tự động hóa các tác vụ xử lý dữ liệu dựa trên quy tắc, lặp đi lặp lại vốn do con người thực hiện.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) trong Digital Marketing cho Marketers.

Người làm Digital Marketing hay còn gọi là Digital Marketer, đang cố gắng tận dụng Trí tuệ nhân tạo để lập kế hoạch chiến lược và ra quyết định tối ưu cho các chiến dịch.

Các công cụ phân tích do Trí tuệ nhân tạo hỗ trợ có khả năng cung cấp nhiều insights cho chiến dịch, lập kế hoạch ngân sách và cả phân tích tỷ suất lợi nhuận đầu tư (ROI). Trí tuệ nhân tạo có thể thu thập nhiều thông tin chi tiết từ một lượng lớn các nguồn dữ liệu có cấu trúc và phi cấu trúc chỉ trong vài giây.

Trong thế giới cạnh tranh mới, khi tất cả các tương tác của con người (khách hàng mục tiêu) với một doanh nghiệp hay thương hiệu có ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu suất đầu ra của các chiến lược Digital Marketing và doanh thu của doanh nghiệp, việc ứng dụng các công cụ Trí tuệ nhân tạo vào kế hoạch Digital Marketing tổng thể càng trở nên quan trọng hơn.

Một nghiên cứu từ McKinsey cho thấy, “các thương hiệu gần đây đã áp dụng Trí tuệ nhân tạo cho chiến lược Marketing, đã có thể giảm chi phí khoảng 37% cùng với mức tăng trung bình 39% về doanh thu chỉ tính riêng vào cuối năm 2020.”

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào công nghệ máy học (học máy).

Học máy là khoa học làm cho các máy tính hoạt động mà không cần phải lập trình. Học sâu (Deep learning) là một tập hợp con của học máy, nói một cách đơn giản, nó chính là tự động hóa các phân tích dự đoán (predictive analytics).

Hiện có 3 loại thuật toán học máy chính:

  • Học có giám sát. Các tập dữ liệu được gắn nhãn để có thể phát hiện ra các mẫu (patterns) và các mẫu này sau đó sẽ được sử dụng để gắn nhãn cho các tập dữ liệu mới.
  • Học không giám sát. Tập dữ liệu không được gắn nhãn và được sắp xếp theo các điểm tương đồng hoặc sự khác biệt.
  • Học tăng cường. Các tập dữ liệu cũng không được gắn nhãn nhưng sau khi thực hiện một hoặc nhiều hành động, hệ thống Trí tuệ nhân tạo sẽ nhận được phản hồi.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào thị giác máy tính (Machine vision).

Thị giác máy hay thị giác máy tính là công nghệ mang lại cho máy tính khả năng nhìn thấy (thị giác). Thị giác máy tính ghi nhận và phân tích các thông tin trực quan bằng camera. Mặc dù thường được so sánh với thị giác của con người, thị giác máy tính lại không bị ràng buộc bởi yếu tố sinh học và có thể được lập trình để nhìn xuyên các vật thể.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để xử lý ngôn ngữ tự nhiên (NLP).

Đây là quá trình xử lý ngôn ngữ thông thường của con người bằng một chương trình máy tính (computer program). Một trong những ví dụ nổi tiếng nhất của NLP là phát hiện thư rác. Công nghệ này sẽ phân tích các tiêu đề hay văn bản của email và sau đó quyết định xem đó có phải là thư rác hay không.

Ứng dụng AI (trí tuệ nhân tạo) vào người máy (Robot).

AI được sử dụng để hỗ trợ thiết kế và sản xuất robot. Robot thường được sử dụng để thực hiện các nhiệm vụ mà con người khó thực hiện hoặc không thể thực hiện một cách nhất quán.

Ví dụ, robot được sử dụng trong dây chuyền sản xuất ô tô hoặc NASA sử dụng Robot để di chuyển các vật thể lớn trong không gian. Các nhà nghiên cứu cũng sử dụng công nghệ máy học để chế tạo ra những con robot có thể tương tác trong môi trường xã hội.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) vào xe ô tô tự lái.

Các hãng xe tự lái ví dụ như Tesla (chưa tự động lái hoàn toàn) sử dụng kết hợp các công nghệ như thị giác máy tính, nhận dạng hình ảnh và học sâu để xây dựng các kỹ năng tự động điều khiển phương tiện khi di chuyển trong các làn đường nhất định và tránh được những chướng ngại vật bất ngờ, chẳng hạn như người đi bộ.

Ứng dụng Trí tuệ nhân tạo (AI) để tạo văn bản, hình ảnh, âm thanh hay video.

Là một trong những ứng dụng phổ biến nhất ở giai đoạn hiện tại, các Trí tuệ nhân tạo tổng quát (Generative AI) được sử dụng trong các chatbot AI như ChatGPT hay Google Bard có thể tạo ra văn bản (text), hình ảnh, âm thanh và thậm chí là cả video (hiện chưa có trong ChatGPT).

Tóm tắt lịch sử hình thành và phát triển của công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI).

Khái niệm về những đồ vật vô tri vô giác nhưng cũng có trí thông minh đã có từ thời cổ đại.

Trong suốt nhiều thế kỷ, các nhà tư tưởng từ Aristotle đến nhà thần học người Tây Ban Nha ở thế kỷ 13 là Ramon Llull đến René Descartes và Thomas Bayes đã sử dụng các công cụ và logic của thời đại họ để mô tả các quá trình suy nghĩ của con người dưới dạng biểu tượng (symbols), chính điều này đã đặt nền móng đầu tiên cho khái niệm Trí tuệ nhân tạo.

Cuối thế kỷ 19 và nửa đầu thế kỷ 20 là thời điểm mà nhiều công trình nghiên cứu đã giúp tạo ra cái gọi là máy tính hiện đại (Modern Computer). Năm 1836, nhà toán học Charles Babbage của Đại học Cambridge và Ada Lovelace, đã phát minh ra thiết kế đầu tiên cho một cỗ máy có thể lập trình được (programmable machine).

Những năm 1940. Nhà toán học Princeton John Von Neumann đã tạo nên những kiến trúc đầu tiên cho những chiếc máy tính lưu trữ chương trình (stored-program computer) – ý tưởng rằng các chương trình của máy tính và dữ liệu mà nó xử lý có thể được lưu giữ trong bộ nhớ của máy tính. Warren McCulloch và Walter Pitts sau đó là những người đã đặt nền móng cho khái niệm mạng lưới thần kinh (neural networks).

Những năm 1950. Với sự ra đời của những chiếc máy tính hiện đại, các nhà khoa học có thể kiểm tra ý tưởng của họ về trí thông minh của máy móc.

Các phương pháp khác nhau đã được sử dụng để xác định xem liệu một máy tính có trí thông minh hay không. Bài kiểm tra được sử dụng tập trung vào khả năng của máy tính trong việc đánh lừa những người thẩm vấn tin rằng câu trả lời của nó đối với các câu hỏi của họ là do con người thực hiện.

Năm 1956. Đây là thời điểm khi mà Trí tuệ nhân tạo được đánh dấu như một công nghệ thực sự. Một số nhà kinh tế học, nhà khoa học chính trị và nhà tâm lý học nhận thức đã chứng minh một chương trình máy tính có khả năng chứng minh một số định lý toán học nhất định, và đây được xem là chương trình Trí tuệ nhân tạo đầu tiên (AI program).

Những năm 1950 và 1960. Nhiều chuyên gia trong lĩnh vực Trí tuệ nhân tạo còn non trẻ đã dự đoán rằng cái được gọi là AI hay trí thông minh nhân tạo sẽ phát triển đến giai đoạn tương đương với bộ não của con người, phát ngôn này sau đó đã thu hút nhiều sự chú ý của không chỉ những người trong ngành công nghệ mà còn cả từ phía chính phủ.

Vào giữa những năm 1960, Giáo sư Joseph Weizenbaum của trường MIT (Học viện công nghệ nổi tiếng và có sức ảnh hưởng nhất thế giới tính đến hiện nay) đã phát triển ELIZA, một chương trình NLP đặt nền móng cho các chatbot ngày nay.

Những năm 1970 và 1980. Giai đoạn này được gọi là “Mùa đông Trí tuệ nhân tạo” khi có nhiều vấn đề phát sinh chứng minh tính hạn chế của các bộ vi xử lý máy tính và cả tính phức tạp của vấn đề, thứ mà Trí tuệ nhân tạo không thể hiểu và giải quyết được.

Vào những năm 1980, những nghiên cứu về các kỹ thuật học sâu (deep learning) cùng với đó là những hệ thống mới được thích nghi đã khơi dậy một làn sóng mới về sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo. Tuy nhiên, làn sóng này đã bị dập tắt không lâu sau đó. “Mùa đông Trí tuệ nhân tạo” thứ hai kéo dài đến mãi giữa những năm 1990.

Những năm 1990. Sự gia tăng của năng lực tính toán và sự bùng nổ của yếu tố dữ liệu (Data) đã châm ngòi cho sự phục hưng của Trí tuệ nhân tạo vào cuối những năm 1990 giúp tạo tiền đề cho những tiến bộ vượt bậc trong Trí tuệ nhân tạo mà chúng ta thấy như ngày nay.

Sự kết hợp giữa dữ liệu lớn (big data) và sức mạnh tính toán gia tăng đã thúc đẩy những bước đột phá mới trong NLP (ngôn ngữ lập trình tự nhiên), thị giác máy tính, người máy (robot), học máy (machine learning) và học sâu (deep learning).

Năm 1997, Với những tiến bộ vượt bậc, khi Deep Blue của IBM đã đánh bại đại kiện tướng cờ vua người Nga Garry Kasparov, sự kiện này đã đánh dấu việc một chương trình máy tính đầu tiên có thể đánh bại một nhà vô địch cờ vua thế giới.

Những năm 2000. Sự phát triển của Trí tuệ nhân tạo là tiền đề để công cụ tìm kiếm Google được ra mắt, cùng với đó là công cụ đề xuất của Amazon cũng được giới thiệu vào năm 2001.

Những năm 2010. Thập kỷ từ 2010 đến 2020 là khoảng thời gian chứng kiến sự phát triển ổn định nhất của Trí tuệ nhân tạo.

Hàng loạt sự kiện đã diễn ra trong thời kỳ này như sự ra mắt của trợ lý giọng nói Siri của Apple và Alexa của Amazon; ô tô tự lái; mô hình học sâu mã nguồn mở của Google; thành lập phòng thí nghiệm nghiên cứu OpenAI, mô hình ngôn ngữ GPT-3 hay công cụ xây dựng hình ảnh Dall-E.

Những năm 2020. Thập kỷ hiện tại đã chứng kiến sự ra đời và phát triển bùng nổ của Trí tuệ nhân tạo thế hệ mới, một loại công nghệ trí tuệ nhân tạo có thể tạo ra nội dung mới được gọi là Generative AI.

Trí tuệ nhân tạo tổng quát là một mô hình Trí tuệ nhân tạo hiện được sử dụng trong các chatbot như ChatGPT của OpenAI hay Bard của Google. Người dùng có thể tương tác với các ứng dụng này bằng cách nhập vào các lời nhắc (câu hỏi), hệ thống sau đó sẽ đưa ra các câu trả lời tương ứng.

Kết luận.

Trên đây là toàn bộ các giải đáp quan trọng cần biết về công nghệ Trí tuệ nhân tạo (AI). Từ Trí tuệ nhân tạo (AI) là gì, cách Trí tuệ nhân tạo hoạt động đến các ứng dụng phổ biến của Trí tuệ nhân tạo trong cuộc sống và công việc. Hy vọng với những kiến thức có được, bạn có thể có nhiều cách hơn để khai thác các tiềm năng mà Trí tuệ nhân tạo có thể mang lại, dù là cho cá nhân hay doanh nghiệp.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …