Skip to main content

R&D là ‘vũ khí chiến đấu’ của Huawei để tăng trưởng

8 Tháng Mười Một, 2020

Với môi trường cạnh tranh ngày càng khốc liệt, Huawei vẫn đầu tư mạnh vào R&D. Yếu tố đã giúp hãng công nghệ Trung Quốc tăng trưởng liên tục những năm qua.

Xuất phát điểm là công ty công nghệ nhỏ bé tại Thẩm Quyến, Trung Quốc, với số vốn khởi nghiệp 3.300 USD, nhà sáng lập Nhậm Chính Phi hiểu rõ “đường sống” duy nhất của “đứa con” Huawei là tập trung vào phát triển sức mạnh bản thân. Cụ thể, nghiên cứu và phát triển (R&D) phải luôn là nguồn sức mạnh của toàn bộ chuỗi giá trị Huawei.

Huawei không phải là một công ty niêm yết nên không bị quá áp lực về việc có một báo cáo tài chính đẹp, hay làm thể nào để làm hài lòng các cổ đông trong công ty.

Ông Nhậm Chính Phi chia sẻ: “Chúng tôi chỉ chú ý đến sức mạnh nội tại của mình, cứ thế mà tiến lên mỗi ngày.

Chúng tôi phải tăng cường đầu tư vào những thứ tiên tiến hơn, nếu không, Huawei sẽ bị bỏ lại phía sau và không thể cạnh tranh. Nhiều công ty lớn trên thế giới đột nhiên sụp đổ khi họ rất có lợi thế. Điều này cho thấy họ không theo kịp sự biến đổi của thời đại”.

Hàng năm, Huawei chi hơn 10% doanh thu, tương đương 15 đến 20 tỷ USD để tái đầu tư cho R&D. Hãng có hơn 96.000 nhân viên tham gia vào lĩnh vực này, chiếm gần một nửa tổng số nhân viên. Ngân sách dành cho R&D của tập đoàn tăng 149%, từ năm 2014, vượt mức tăng của Apple, Microsoft, Samsung trong cùng giai đoạn và chỉ đứng sau Amazon.

“Ông lớn” công nghệ Trung Quốc hiện có 36 trung tâm đổi mới sáng tạo, 14 viện nghiên cứu và phát triển trên toàn cầu. Trong năm 2020, Huawei tiếp tục xây dựng thêm các trung tâm nghiên cứu, như dự án tại miền đông nước Anh trị giá 1.2 tỷ USD.

Lấy R&D làm “vũ khí” cạnh tranh mũi nhọn với các công ty công nghệ lớn toàn cầu, Huawei luôn đi trước các đối thủ với đơn vị đo tính bằng năm.

Tháng 6 vừa qua, Huawei xếp thứ 6 trong danh sách Top 50 công ty sáng tạo nhất theo bảng xếp hạng của Boston Consulting Group, tăng 42 bậc so với bảng xếp hạng năm trước. Đây là thứ hạng cao nhất mà Huawei đạt được kể từ lần đầu tiên lọt vào danh sách này năm 2012.

Ở Huawei có một câu chuyện đã trở thành huyền thoại. Tại sa mạc và các vùng nông thôn Trung Quốc, chuột đã làm ảnh hưởng đến kết nối của người dùng, do loài gặm nhấm này thường cắn dây cáp.

Những hãng viễn thông đa quốc gia lúc đó không xem đây là vấn đề của họ, nhưng Huawei lại quyết tâm tìm phương án xử lý. Đội ngũ nghiên cứu đã phát triển các thiết bị và vật liệu bền bỉ, cứng cáp hơn chống lại được loài gặm nhấm. Nhờ đó, hãng cũng đã ký được một số hợp đồng lớn tại Trung Đông, nơi cũng gặp tình trạng tương tự làm khó các công ty đối thủ.

Khi mở rộng thị trường 3G tại châu Âu, Huawei nhận thấy các nhà mạng ở đây kỳ vọng trạm gốc gọn nhẹ, dễ lắp đặt, thân thiện môi trường, tiết kiệm năng lượng nhưng độ phủ phải rộng hơn.

Hãng công nghệ Trung Quốc đã nghiên cứu và trở thành đơn vị đầu tiên ra mắt trạm gốc phân tán, cho phép phân phối sóng vô tuyến từ mạng lớn đến các mạng riêng nhỏ.

Không chỉ vậy, Huawei còn đầu tư một số dự án trong điều kiện thời tiết khó khăn và địa hình hiểm trở, như công trình xây dựng trạm gốc viễn thông không dây cao nhất thế giới – trên đỉnh Everest cao 6.500 m – và xây mạng GSM đầu tiên tại Bắc Cực.

Còn tại vùng Nuji (Colombia) xa xôi, nơi không có đường giao thông và các điều kiện vận chuyển, nhân viên của Huawei đã ngày đêm vận chuyển thành công trạm gốc thông tin lên núi cao, nối nhịp cầu liên lạc cho 2.759 người dân địa phương.

Sau động đất ở Algerie, sóng thần ở Nhật Bản hay khủng bố ở Ấn Độ, nhân viên Huawei đều có mặt tại hiện trường từ sớm để khắc phục sự cố viễn thông, giúp kết nối thông tin được nhanh chóng nhất.

Trong 30 năm phát triển, Huawei đã cung cấp dịch vụ viễn thông đến 3 tỷ người tại hơn 170 quốc gia.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

Hà Anh | MarketingTrips

Theo VnExpress

Bài viết liên quan

Nổi bật

Mới nhất

Microsoft 365 bắt người dùng trả thêm tiền cho trợ lý AI Copilot tại một số quốc gia

29 Tháng Mười Hai, 2024
Microsoft đang thử nghiệm tích hợp Copilot lên dịch vụ 365 tại một số quốc gia. Điều này đồng ngh…

Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …