Skip to main content

Cách xây dựng chiến lược Marketing cho doanh nghiệp nhỏ

9 Tháng Sáu, 2023

Cùng MarketingTrips khám phá cách xây dựng một chiến lược marketing căn bản cho các doanh nghiệp nhỏ trong bối cảnh mới.

Cách xây dựng chiến lược marketing cho doanh nghiệp nhỏ
Cách xây dựng chiến lược marketing cho doanh nghiệp nhỏ

Theo một nghiên cứu mới đây về mức độ ảnh hưởng của quảng cáo đến thương hiệu, số liệu cho thấy rằng, quảng cáo có tác động trực tiếp đến quy mô của thương hiệu.

Cụ thể, nếu thương hiệu càng được biết đến rộng rãi và nổi tiếng, nó càng có nhiều sức ảnh hưởng đến hành vi của người tiêu dùng và hơn thế nữa. Điều này cũng có nghĩa là thương hiệu cần bắt đầu với một chiến lược marketing đúng đắn, trong đó coi khách hàng là nền tảng cốt lõi.

Trong khi phần lớn các doanh nghiệp trên thị trường là doanh nghiệp nhỏ và vừa, khi yếu tố nguồn lực (cả về con người lẫn tài chính) là một rào cản lớn, việc có được một chiến lược hoàn chỉnh có thể áp dụng được vào thực tế lại càng trở nên khó khăn hơn.

Dưới đây là một số gợi ý về cách bạn có thể sử dụng để hoàn thiện chiến lược marketing cho doanh nghiệp (nhỏ) của mình.

Chiến lược Marketing cho doanh nghiệp nhỏ: Cần thống nhất các mục tiêu.

Trước khi bắt tay vào xây dựng chiến lược marketing, đầu tiên, người làm marketing hay doanh nghiệp cần phải có một sự đồng thuận về cái gọi là chiến lược.

Một số quan điểm cho rằng chiến lược là “tận dụng các điểm mạnh để làm điều gì đó thực sự khó, hay ngoài khả năng đối với một số cá nhân hay doanh nghiệp khác.”

Nhà chiến lược hàng đầu thế giới, Michael Porter lại cho rằng “chiến lược là việc lựa chọn những gì không cần làm”. Chiến lược về bản chất là sẽ trả lời các câu hỏi ví dụ như: chúng ta sẽ nhắm mục tiêu đến ai? Vị trí (Position) của chúng ta hiện tại là gì? Và mục tiêu của chúng ta đối với những người chúng ta nhắm mục tiêu là gì?

Tuy nhiên, dù cho bạn đang định nghĩa về chiến lược như thế nào thì có một điều dường như chắc chắn đó là việc có được một chiến lược vững chắc sẽ giúp bạn xác định rõ hơn về những gì cần làm, từ chỗ lạc lối không mục tiêu, đến các quyết định mang đầy tính định hướng.

Trong phần lớn các bản kế hoạch chiến lược cơ bản, “chẩn đoán, chiến lược và chiến thuật” là 3 phần quan trọng nhất.

Bản chất ở đây là, bạn cần thực sự hiểu biết sâu sắc về khách hàng của mình, biết bạn muốn tiếp cận ai, với thông điệp gì và bạn đang hy vọng đạt được điều gì, và sau đó áp dụng chiến lược marketing mix 4P (hoặc 7P) cho từng phân khúc.

Khi nói đến việc thiết lập mục tiêu chiến lược, có một sự phân biệt đáng kể giữa các doanh nghiệp lớn và doanh nghiệp nhỏ. Ở trong các doanh nghiệp nhỏ, mục tiêu marketing và mục tiêu kinh doanh thường là một.

Vấn đề lớn ở đây là, các doanh nghiệp nhỏ thường coi mục tiêu là những gì họ muốn hơn là những gì sát với thực tế hay những gì họ có thể làm được (phù hợp). SMART là công thức mà doanh nghiệp có thể áp dụng.

Một sai lầm khác trong cách đặt mục tiêu của các doanh nghiệp nhỏ trong chiến lược marketing của họ đó là các mục tiêu đưa ra không liên quan đến doanh thu.

Các mục tiêu như tăng 20% lượng người dùng truy cập website (website traffic) hay có được thứ hạng cao hơn trong công cụ tìm kiếm nghe qua tưởng chừng như là phù hợp nhưng thực tế ngay cả khi bạn đạt được các chỉ số đó thì mục tiêu cuối cùng của doanh nghiệp (kinh doanh) vẫn chỉ là con số không.

Để mọi thứ trở nên có liên quan hơn, bạn nên chia mục tiêu thành 2 phần, các chỉ số gián tiếp ảnh hưởng đến doanh thu và doanh thu (các chỉ số ảnh hưởng trực tiếp).

Một lời khuyên khác đó là mục tiêu marketing cần có sự đóng góp của tất cả các phòng ban (liên quan) trong doanh nghiệp thay vì chỉ là “mong muốn” chủ quan từ những người làm marketing.

Vai trò của Marketing.

Một khi bạn đã thống nhất về các mục tiêu cần đạt được, bước tiếp theo bạn cần làm đó là đánh giá xem marketing có thể giúp đạt được chúng như thế nào.

Bây giờ là lúc bạn cần đưa ra các yếu tố then chốt của chiến lược như: bạn đang cố gắng giải quyết vấn đề gì, bạn giải quyết vấn đề đó cho ai và vị trí hiện tại của bạn đối với họ.

Marketing theo đó = các vấn đề của khách hàng + giải pháp của doanh nghiệp + các chương trình truyền thông (marketing mix).

Điều bạn cần ghi nhớ ở đây là, mọi chiến lược marketing đều phải được bắt đầu từ khách hàng, sản phẩm hoặc dịch vụ của bạn sẽ giúp khách hàng như thế nào, thay đổi cuộc sống của họ ra sao (theo cách tối ưu hơn đối thủ) và hơn thế nữa.

Bạn cũng cần thường xuyên kiểm tra xem mọi người muốn gì ở bạn và họ nghĩ gì trước và sau khi mua và sử dụng sản phẩm.

Chiến lược Marketing cho doanh nghiệp nhỏ: Định vị thương hiệu.

Bước tiếp theo của chiến lược đó là định vị thương hiệu hay nói cách khác là bạn muốn định hình một hình ảnh và vị trí như thế nào trong tâm trí của khách hàng (mục tiêu).

Công thức mà bạn có thể sử dụng ở đây là “chúng tôi là thương hiệu duy nhất trong [danh mục sản phẩm] có thể giải quyết [nhu cầu] cho [phân khúc khách hàng mục tiêu] mà [các sản phẩm thay thế khác hiện có] không thể làm được.”

Khi định vị thương hiệu (hay với bất kỳ hoạt động xây dựng thương hiệu nào khác), tính nhất quán là chìa khoá.

Dù là bạn đang ở đâu, trên mạng xã hội hay công cụ tìm kiếm, thông qua video hay hình ảnh, bạn cũng cần xuất hiện với những hình ảnh giống nhau.

Bạn cũng cần lưu ý là, tính nhất quán không đồng nghĩa với việc bạn lặp đi lặp lại một thông điệp, màu sắc hay hình ảnh duy nhất, sự sáng tạo và khác biệt hoá là cần thiết, thứ cuối cùng bạn cần là khách hàng có thể nhận ra bạn ngay khi bạn xuất hiện.

Chiến lược Marketing cho doanh nghiệp nhỏ: Chiến thuật hành động.

Bước cuối cùng trong chiến lược marketing của bạn là các chiến thuật hành động.

Để đạt được các mục tiêu ở trên, hay để tiếp cận các phân khúc khách hàng như bạn đã đưa ra, bạn cần làm những công việc cụ thể là gì.

Bạn cần tối ưu hoá hoá thứ hạng website trên các công cụ tìm kiếm (SEO), chạy quảng cáo có trả phí (Paid Ads) với các từ khoá liên quan, hay quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội như Facebook và TikTok.

Liên quan đến việc lựa chọn các chiến thuật hành động, bạn cũng cần tìm hiểu về hành trình mua hàng của khách hàng (Customer Journey) từ giai đoạn nhận biết về sản phẩm (Awareness), tìm hiểu và cân nhắc mua hàng (Consideration) đến việc mua hàng (Buying) và ủng hộ (Advocate).

Hành trình khách hàng đến với sản phẩm và ra quyết định mua hàng sẽ ảnh hưởng trực tiếp đến việc phân bổ nguồn lực marketing trên các kênh hay phương tiện khác nhau.

Tuy nhiên, dù cho bạn chọn như thế nào, điều quan trọng ở đây là bạn phải giải thích được lý do tại sao bạn sẽ sử dụng chúng và bạn đo lường chúng như thế nào.

Trong khi sẽ không có bất cứ một khuôn mẫu chung nào cho các chiến lược marketing ở các bối cảnh và ngành hàng khác nhau, bằng cách tìm hiểu nhiều thành phần khác nhau của chiến lược cũng như cách hình thành chiến lược, bạn có nhiều cách hơn để hoàn thiện chiến lược của riêng mình.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer của MarketingTrips (Trang tin trực tuyến về Marketing và Kinh doanh) để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: We’re Marketer

Nam Nguyen | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …