Skip to main content

“Bật công tắc” để tất cả các thành viên trong đội nhóm đều trở nên sáng tạo

16 Tháng Tám, 2021

Một trong những lầm tưởng tai hại nhất về sự sáng tạo đó là có một “tính cách sáng tạo” cụ thể mà chỉ một số người mới có và những người khác thì không. Thực tế là, trong nhiều nghiên cứu về tính sáng tạo, không có bất cứ một đặc điểm nhận dạng cá nhân cụ thể nào.

Hãy xây dựng những điều kiện để tất cả các thành viên trong đội nhóm đều trở nên sáng tạo

Hầu hết mọi người trong chúng ta, ai ai cũng có ít nhất một niềm đam mê thầm kín nào đó, tuy nhiên, trong nhiều trường hợp, nhiều người chọn cách theo đuổi nó ngoài giờ làm việc, họ đổ hết năng lượng của sự sáng tạo vào đó. Bạn không thấy được nó vì họ chỉ đang không áp dụng những năng lượng đó vào công việc hàng ngày của mình.

Bí quyết để mở ra khả năng sáng tạo không phải là tìm kiếm những người sáng tạo hơn, mà là tạo nhiều điều kiện cho nó được phát triển hơn từ những người đang làm việc cho bạn hay doanh nghiệp của bạn.

Trong khi các nhà nghiên cứu về sự sáng tạo không tìm thấy bất cứ “tính cách sáng tạo” cụ thể nào của một người, nhưng lại khá rõ ràng về những gì dẫn đến sự sáng tạo và chúng là tất cả những thứ bạn có thể thực hiện trong đội nhóm của mình.

Trau dồi kiến ​​thức chuyên môn.

Một trong những điều mà các nhà nghiên cứu về sự sáng tạo đã liên tục tìm thấy trong nhiều thập kỷ đó là chuyên môn là yếu tố hoàn toàn cần thiết để tạo ra các tác phẩm sáng tạo đỉnh cao – và chuyên môn cần phải cụ thể cho một lĩnh vực nhất định.

Vì vậy, bước đầu tiên để bạn hoặc các thành viên trong nhóm của bạn trở nên sáng tạo là hãy trở thành một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể nào đó. Marketing chẳng hạn.

Lý do khiến chuyên môn trở nên rất quan trọng là vì bạn cần phải là một chuyên gia trong một lĩnh vực cụ thể bạn mới có thể hiểu những vấn đề quan trọng là gì và điều gì sẽ tạo nên một giải pháp mới quan trọng và hiệu quả hơn.

Chẳng hạn, Einstein đã không ngừng nghiên cứu vật lý trong nhiều năm để hiểu mô hình vật lý cơ bản cho thời gian và không gian trước khi ông hiểu rằng có một lỗ hổng cố hữu trong mô hình đó.

Vậy làm thế nào để bạn trau dồi chuyên môn? Chuyên gia về hiệu suất Anders Ericsson đã nghiên cứu vấn đề đó trong nhiều thập kỷ và nhận thấy rằng yếu tố quan trọng nhất để trau dồi chuyên môn đó là luyện tập có chủ ý.

Bạn cần xác định các thành phần của một kỹ năng, đưa ra phương pháp huấn luyện và khuyến khích nhân viên làm việc trên những mặt còn hạn chế. Điều này hiệu quả hơn nhiều so với các hình thức đào tạo mà hầu hết các doanh nghiệp đang làm.

Ví dụ, kỹ năng viết là kỹ năng mà Amazon đã xác định là quan trọng đối với hiệu suất công việc. Nhân viên cần liên tục viết các bản ghi nhớ dài sáu trang, hoặc các bản giới thiệu các tính năng nhỏ của sản phẩm trong suốt sự nghiệp của họ tại công ty này.

Họ thường xuyên nhận được sự huấn luyện và phản hồi cần thiết, và việc viết những bản ghi nhớ tốt là một trong những điều kiện để thăng tiến trong công ty.

Bất kỳ doanh nghiệp nào cũng có thể sao chép chính sách ghi nhớ này của Amazon.

Khuyến khích sự khám phá.

Mặc dù có chuyên môn sâu trong một lĩnh vực nhất định là hoàn toàn cần thiết cho những sự sáng tạo thực sự, nhưng điều đó là chưa đủ.

Hãy xem bất kỳ tác phẩm sáng tạo tuyệt vời nào mà bạn biết và bạn sẽ tìm thấy các thông tin chi tiết quan trọng khác.

Nó thường là một cái nhìn sâu sắc dường như ngẫu nhiên nhưng lại có thể biến các công việc bình thường thành một thứ gì đó rất khác. Ví dụ, đó là một chuyến thăm ngẫu nhiên đến một viện bảo tàng, điều đã truyền cảm hứng cho thiên tài Picasso.

Charles Darwin đã dành nhiều năm để nghiên cứu hóa thạch và suy nghĩ về sự tiến hóa cho đến khi ông bắt gặp một bài luận kinh tế học 40 năm tuổi của Thomas Malthus và dẫn đến lý thuyết chọn lọc tự nhiên (theory of natural selection) của ông. Hay triết lý của David Hume đã giúp đưa Einstein đến với thuyết tương đối hẹp.

Gần đây hơn, một nhóm các nhà nghiên cứu đã phân tích 17,9 triệu bài báo khoa học và đã phát hiện ra rằng những công trình được trích dẫn nhiều nhất có nhiều khả năng đến từ một nhóm chuyên gia trong một lĩnh vực nhưng họ đã làm việc với các chuyên gia trong một lĩnh vực rất khác.

Chính sự kết hợp giữa chuyên môn, sự tìm tòi và sự cộng tác mới mẻ đó đã dẫn đến những ý tưởng thực sự đột phá và sáng tạo.

Đó cũng là cách chính sách “20% time” của Google hiện có thể hoạt động như một ‘công cụ tìm kiếm được hỗ trợ bởi con người’ cho những ý tưởng mới.

Bằng cách cho phép nhân viên làm việc trong các dự án không liên quan đến mô tả công việc chính thức của họ trong 20% ​​thời gian làm việc, những người có kinh nghiệm và chuyên môn khác nhau có thể kết hợp sự nỗ lực của họ theo những cách rất khác với những gì mà công ty đang vận hành. Đây chính là lúc để ‘những cái mới’ ra đời.

Trao quyền cho mọi người bằng cách tận dụng yếu tố công nghệ.

Trong cuốn tiểu sử gần đây của Walter Isaacson về Leonardo da Vinci, ông kể lại cách bậc thầy thời Trung cổ đã nghiên cứu về tự nhiên, từ giải phẫu đến các thành tạo địa chất, để hướng dẫn các tác phẩm nghệ thuật của mình.

Leonardo rõ ràng đã là một thiên tài trong lịch sử, nhưng hãy nghĩ xem ông sẽ hiệu quả hơn bao nhiêu nếu so sánh với một công cụ tìm kiếm tối ưu.

Một trong những khía cạnh bị bỏ qua nhiều nhất của sự đổi mới là cách các công nghệ có thể được ứng dụng để nâng cao năng suất trong công việc.

Thứ nhất, với công nghệ, hai thành phần cốt lõi để dẫn đến sự sáng tạo nói trên (kiến ​​thức chuyên môn và khám phá những thứ mới) trở nên dễ dàng hơn nhiều.

Thứ hai, công nghệ có thể giúp con người giải phóng thời gian và do đó nó cho phép thử nghiệm được nhiều hơn.

Bạn có thể thấy điều này khi làm việc tại Pixar, vốn là một công ty công nghệ đã bắt đầu quay các bộ phim ngắn để chứng minh khả năng sản xuất các sản phẩm gốc của nó, là các phần mềm hoạt hình.

Tuy nhiên, khi họ đang thử nghiệm công nghệ này, họ ‘vô tình’ nhận thấy là họ cũng đang trải nghiệm với các thuật kể chuyện (storytelling), và những thử nghiệm này sau đó đã đưa họ trở thành một trong những studio được đánh giá cao nhất trong lịch sử.

Phần thưởng thường dành cho sự bền bỉ.

Trong cuốn sách của mình, nhà sáng lập Pixar gọi những ý tưởng ban đầu của mọi sự sáng tạo là “những đứa trẻ xấu xí” và nhấn mạnh sự cần thiết của việc đừng để chúng bị đánh giá quá nhanh.

Tuy nhiên, hầu hết các doanh nghiệp hay thương hiệu lại đang làm điều ngược lại. Bất kỳ ý tưởng nào không thể hiện được lời hứa ban đầu hay không có giá trị đều ngay lập tức bị xoá bỏ mà không cần lý do.

Một doanh nghiệp đã có thể đi ngược với xu hướng này là IBM. Bộ phận nghiên cứu của nó thường xuyên theo đuổi những ý tưởng có vẻ kỳ lạ trong một thời gian rất lâu trước khi chúng khả thi về mặt thương mại.

Đó cũng là lý do tại sao IBM, bất chấp những thăng trầm khác nhau, nó vẫn là một doanh nghiệp có lợi nhuận cao trong khi rất nhiều đối thủ cũ của nó đã ra đi từ lâu.

Chuyên gia công nghệ Kevin Ashton, người đầu tiên nảy ra ý tưởng về chips RFID đã từng chia sẻ: “Sáng tạo là một hành trình dài, nơi mà hầu hết các ngã rẽ đều sai và hầu hết các kết thúc đều chết. Điều quan trọng nhất mà những người sáng tạo cần làm là làm việc. Điều quan trọng nhất mà họ không được làm đó là từ bỏ”.

Bạn nên coi việc sáng tạo là một quá trình hơn là một sự kiện. Nếu bạn không đầu tư vào chuyên môn, sự khám phá và từ chối việc chấp nhận những ngã rẽ hay ngõ cụt. Bạn không thể tạo ra bất cứ thứ gì thực sự mới và khác biệt.

Tham gia Cộng đồng We’re Marketer để thảo luận các chủ đề về Marketing và Business tại: Link

 

Giang Nguyễn | MarketingTrips

Bài viết liên quan

Nổi bật


Đọc nhiều

Ứng dụng video Bigo Live bị xoá khỏi App Store

10 Tháng Tư, 2023
Bigo Live, ứng dụng chuyên về livestream phổ biến tại Việt Nam, không còn xuất hiện trên kho ứng …